Tình nguyện ở Ai Cập

Trúng tuyển chương trình “Công dân toàn cầu” của tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC, Hoàng Thị Hải Yến có 6 tuần để dạy học tình nguyện môn Tiếng Anh cho trẻ em ở Ai Cập.

Xác định chuyến đi lần này là để làm việc thực sự chứ không phải một cơ hội du lịch giá rẻ, Yến đã làm việc với tất cả khả năng của mình. Khi thời hạn 6 tuần gần hết, Yến bất ngờ khi là tình nguyện viên hiếm hoi được nhà trường tiếp nhận làm giáo viên chính thức.

 

Tập thích nghi với những điều “trái khoáy” nơi xứ lạ

 

Yêu trẻ nhỏ, muốn làm công việc liên quan đến môi trường giáo dục, Hoàng Thị Hải Yến (cựu sinh viên ngành Khoa học Quản lý, khoa Quốc tế, ĐHQG Hà Nội) đăng ký dự án dạy Tiếng Anh cho trẻ em ở Ai Cập.

 

Trúng tuyển, Yến xách vali lên đường đi Ai Cập, chỉ sau buổi lễ tốt nghiệp Cử nhân đúng 5 ngày. Yến tâm sự: “Khi biết mình chọn đi Ai Cập, bố mẹ mình khá lo lắng vì nghĩ rằng, Ai Cập là đất nước chưa phát triển, bất ổn về chính trị, mình đến đó tình nguyện sẽ chẳng khác gì “đi đày”. Thế nhưng, bố mẹ vẫn đồng ý cho mình đi, với lý do… đi để biết “không đâu bằng quê hương mình”.
 
Tình nguyện ở Ai Cập

 

Sau gần 2 ngày bay, Yến đặt chân tới TP. Alexandria, nơi có ngôi trường mà Yến sẽ tham gia dạy học. Yến sống trong ngôi nhà chung, cùng 15 sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, cũng đang tham gia các dự án tình nguyện của AIESEC. Ngôi trường mà Yến dạy tên là Children’s House, có 8 giáo viên và khoảng 60 học sinh, từ 2 đến 6 tuổi.

 

Yến cho biết: “Cách thức giảng dạy ở đây khác hoàn toàn so với Việt Nam. Họ dạy theo phương pháp Montessori, tức là chú trọng vào từng trẻ em, nên giảng dạy theo kiểu một giáo viên kèm một học sinh. Thông thường, mỗi ngày một giáo viên sẽ dạy khoảng 10 – 12 em nhỏ”.

 

Nếu như các thực tập sinh khác tham gia vào các dự án khá thảnh thơi, một tuần thường chỉ làm việc 2 – 3 ngày thì Yến phải làm việc 5 ngày trong tuần, mỗi ngày 8 tiếng, như một cô giáo thực thụ. Vừa làm việc, Yến vừa tập thích nghi dần với giờ giấc sinh hoạt “trái khoáy” ở mảnh đất mới.

 

“Người dân Ai Cập sống về đêm. Họ ăn sáng vào lúc 9h – 10h, tới 5h – 6h chiều mới ăn bữa trưa và bữa tối diễn ra vào lúc 11h – 12h đêm. Cả người lớn lẫn trẻ em thường thì 2h – 3h sáng mới đi ngủ”, Yến kể.

 

Áp lực công việc cộng thêm việc thay đổi giờ giấc sinh hoạt khiến Yến mệt lả mỗi khi về đến nhà, đói ngủ và ít khi đủ sức để tham gia các cuộc vui cùng các thực tập sinh khác.

 

Trong quá trình dạy học, Yến nhận ra rằng các em nhỏ thỉnh thoảng hay bị mất tập trung vào việc học, thế nhưng lại rất thích thú khi được cô giáo kể các câu chuyện có liên quan đến các con vật bằng tiếng Anh.

 

Giờ sinh hoạt tập thể, chơi trò chơi, các em cũng rất hứng thú khi nhìn thấy đàn kiến bò dưới đất, chim bay trên trời… Nắm bắt được điều này nên mỗi khi các em học sinh có dấu hiệu xao nhãng, Yến lại cho các em xem clip tiếng Anh về các con vật, kết hợp vừa học vừa chơi, khiến các bé thích thú.

 
Tình nguyện ở Ai Cập
 

Kể về những kỷ niệm khi gắn bó với các em nhỏ ở đây, Yến tâm sự: “Có cô bé Sophia mới 2 tuổi nhưng rất thông minh, dễ mến, nói chưa sõi và gọi mình là “Yến” bằng thứ tiếng Việt lơ lớ. Cô bé luôn tỏ ra đồng thuận với các ý kiến của mình và tìm mọi cách để các bạn khác làm theo. Như trong giờ sinh hoạt tập thể, khi mình yêu cầu cả lớp giữ trật tự, Sophia liền đưa tay lên miệng ra dấu “Suỵt, suỵt!”.

 

Lại có cậu bé nghịch ngợm, trong khi mình ra ngoài hành lang trao đổi một vài vấn đề với một cô giáo bản xứ thì cậu bé nhanh chân chạy tót sang căn phòng bên cạnh và lục tung tất cả đồ đạc lên.

 

Mình đã bị cô hiệu trưởng nhắc nhở nhưng khi nhìn thấy dòng chữ: “Nothing can stop me” in nổi bật trên chiếc áo phông của cậu bé và gương mặt đang cười hóm hỉnh của cậu là mình lại phì cười, không thể tức giận nổi”.

 

Được giữ lại làm việc, có trả lương

 

Khi đã làm quen được với công việc dạy học, cô trò yêu mến nhau thì cũng là lúc thời gian 6 tuần của chương trình tình nguyện sắp kết thúc. Một hôm, Yến được cô hiệu trưởng mời lên văn phòng.

 

“Lúc đó, mình cũng không biết cô ấy gọi mình tới để nói chuyện gì. Khi cô ấy nói: “Bạn làm việc rất có trách nhiệm, hiệu quả, cầu toàn và nghiêm túc. Chúng tôi rất cần những giáo viên như bạn nên muốn mời bạn ở lại tiếp tục dạy học, nhà trường sẽ trả lương”, mình đã rất bất ngờ và còn tưởng cô ấy nói đùa.

 

Đến khi được khẳng định chắc chắn, rằng đó là sự thật thì mình vui lắm. Lời mời đó cho thấy, họ nhìn thấy sự nỗ lực của mình và dù là dạy học tình nguyện nhưng mình đã dồn hết tâm sức vào công việc”, Yến chia sẻ.
 
Tình nguyện ở Ai Cập

 

Lời đề nghị ấy khiến Yến vui song nó cũng đặt cô bạn vào tình huống phải lựa chọn: Ở lại hay ra về? Visa của Yến chỉ có thời hạn trong 3 tháng, da của Yến mẫn cảm nên thường xuyên dị ứng thời tiết và nổi mụn đỏ, các thực tập sinh sẽ về nước, sau khi kết thúc khoảng thời gian 6 tuần, gia đình Yến cũng không muốn bạn ở lại… Nhưng Yến đã gạt qua tất cả, đồng ý ở lại dạy học thêm mấy tháng để tiếp tục thử thách khả năng của bản thân.

 

Sau đấy, Yến chuyển đến ở cùng gia đình một người bản xứ. Ông chủ nhà là một giáo sư Tiếng Anh và cũng là chuyên gia từng công tác tại Bộ Ngoại giao Ai Cập, nay đã về hưu. Yến kể: “Ông ấy là một người đáng kính, sống cao thượng, luôn muốn giúp đỡ người khác. Ngoài việc cho mình ở nhờ, mỗi buổi tối, ông ấy còn bổ túc tiếng Anh cho mình, dạy mình cách phát âm tiếng Anh chuẩn xác, đúng ngữ điệu.

 

Ông ấy còn chia sẻ với mình những trải nghiệm văn hóa quý báu mà ông ấy có được khi đặt chân qua rất nhiều quốc gia trên thế giới, chuẩn bị các bữa ăn và cũng chính ông đã giúp mình gia hạn visa, đưa mình đến bệnh viện lấy thuốc, mỗi khi da bị dị ứng.

 

Ông còn đưa ra ý tưởng về việc mình nên viết một cuốn sách về chuyến đi Ai Cập lần này. Mình nói là điều ấy rất khó. Ông cười và bảo: “Bạn còn trẻ, không có gì là không thể với một người trẻ biết cố gắng để thực hiện điều mình mong muốn”.
 
Tình nguyện ở Ai Cập

 

Sống ở đó trong 2 tháng ngắn ngủi, vị giáo sư đã khiến mình có những thay đổi lớn. Trình độ tiếng Anh tốt lên, mình sống lạc quan hơn và “điên cuồng” hơn khi hoạch định những ước mơ”, Yến kể.

 

Trước khi đến Ai Cập, Yến đã từng mang theo tâm lý lo lắng vì nghĩ tới những bất ổn chính trị, nguy hiểm nơi đây. Vậy mà chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng gắn bó, những điều đáng yêu, những con người dễ mến ở mảnh đất này như muốn níu bước chân Yến lại. Muốn ở thêm nhưng chiếc vé máy bay khứ hồi chỉ có thời hạn 5 tháng, Yến đành trở về nước, rời xa mảnh đất cách Việt Nam gần 2 ngày bay này.

 

Ngày cuối cùng ở Children’s House, Yến tham gia lễ hội Haloween, do nhà trường tổ chức. Các giáo viên bản xứ cho đến phụ huynh đều tỏ rõ sự tiếc nuối khi cô giáo Yến về nước.

 

Những đứa nhỏ thì chưa nhận thức được sự xa cách sắp tới nên vô tư rủ cô Yến chơi đùa, ôm hôn, quấn quýt. Nhìn những đôi mắt ngây thơ, nét hồn nhiên, tiếng cười giòn của lũ trẻ, nghe tiếng chúng gọi “Yến, Yến!”, Yến thấy là lạ mà thân thương.

 

Theo Hồng Giang

Sinh viên Việt Nam