Tìm lại hương cốm làng Vòng

(Dân trí) - Lo sợ một ngày nào đó, món cốm Vòng - một mảnh hồn Hà Nội sẽ mất đi trong quá trình đô thị hoá ào ạt, ba nữ sinh viên trẻ măng của Học viện Tài chính đã quyết tâm “Tìm lại hương cốm làng Vòng”.

Trong đêm chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì sự phát triển Thủ đô”, 28/12 vừa qua, Phạm Thị Hồng Thắm - trưởng nhóm còn “chinh phục” được BGK và khán giả nhờ bộ áo dài màu xanh cốm thướt tha và cách trình bày ý tưởng duyên dáng. Ý tưởng giành giải nhì cuộc thi.

 

Từ “tâm hồn ăn uống”…

 

Ba thành viên của nhóm ý tưởng “Tìm lại hương cốm làng Vòng” là Hoàng Thị Lan Chi, Vũ Thuỳ Linh và Phạm Thị Hồng Thắm đều sinh năm 1986, mới là sinh viên năm thứ hai. Rất hồn nhiên, mấy em ríu rít kể chuyện: “Cả ba học cùng lớp, cùng có tâm hồn ăn uống, nhất là cốm. Hễ thấy hàng cốm nào trên đường là tụi em sà vào ngay! Thích nhất là ăn thứ cốm dẻo, được gói trong lá sen xanh thơm ngát”.

 

Riêng Vũ Thuỳ Linh thì tâm sự: “Ở nhà, mẹ em có món tủ là trứng tráng cốm. Em “kết” món này từ nhỏ, ăn nhiều đâm nghiện luôn”.

 

Vì mê cốm như vậy, cũng biết rằng chỉ ở làng Vòng mới có cốm chính hiệu, mấy cô quyết tìm vào tận nơi. Hồi mới vào, đi lòng vòng gặp ai cũng hỏi, người làng Vòng nhìn cả ba bằng con mắt ngạc nhiên, vì nghĩ bây giờ ít ai còn quan tâm đến nó. Dần dần, thấy ba cô sinh viên dễ thương, lại nhiệt tình tìm hiểu về cốm thật nên người dân đâm ra quý mến.

 

Đến làng Vòng - nơi có món cốm chính hiệu, cả nhóm mới biết được rằng, thực tế, người làng Vòng làm cốm gia truyền bây giờ không nhiều, hầu hết cốm bán rong ở Hà Nội đều do người nơi khác làm, rồi cũng lấy thương hiệu “cốm Vòng”.

 

Cốm Vòng chính hiệu không có màu xanh đậm “như phẩm màu” mà có màu xanh nhẹ tự nhiên, đó là thứ màu xanh sẵn có của nếp non. Còn những loại cốm kia đã được nhuộm màu. Những hạt cốm Vòng dẻo hơn, để lâu vẫn dẻo và mềm chứ không bị cứng.

 

Tỉ tê hỏi chuyện, mấy cô còn được biết: dù làm cốm là nghề gia truyền nhưng không đủ sức nuôi sống người dân nơi đây. Rất nhiều người đã bỏ nghề. Những người còn trụ lại làm cốm tại làng Vòng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

 

…Đến mong ước tìm lại hương cốm làng Vòng

 

Không thể để một món quà đậm đà hương vị Hà Nội này ngày càng mai một, họ đã nghĩ ra cách làm thế nào để giữ lại hương cốm làng Vòng, khôi phục lại danh tiếng lâu đời của một làng nghề, xây dựng một “thương hiệu” cho cốm Vòng. Ý tưởng “Tìm lại hương cốm làng Vòng” đã ra đời như thế.

 

Trong đêm chung kết, để góp phần minh hoạ thêm cho ý tưởng của mình, Phạm Thị Hồng Thắm đã mặc một chiếc áo dài màu cốm rất đẹp. Cô sinh viên 19 tuổi duyên dáng này rất tự tin khi thuyết trình về ý tưởng của mình.

 

Nhóm sẽ thành lập một công ty, thiết lập một mối liên hệ chắc chắn giữa công ty và nơi cung cấp nguyên liệu, ký cam kết thu mua trọn nguồn nguyên liệu của những nông dân. Không chỉ dừng lại ở phương thức bán lẻ như hiện nay, công ty sẽ chuyên môn và đa dạng hóa sản phẩm bằng cách sản xuất nhiều mặt hàng từ cốm như bánh cốm, kẹo cốm, cốm dẻo…

 

Đối tượng phân phối sẽ là người dân Hà Nội (chủ yếu là người dân khu phố cổ), khách du lịch, hệ thống các khách sạn, nhà hàng và đặc biệt là xuất khẩu. Thú vị nhất là kiểu bán rong cổ truyền vẫn được duy trì, nhưng sẽ là các cô gái mặc áo tứ thân mớ ba mớ bảy với quang gánh, với lá sen xanh và những cọng rơm vàng…

 

Hiện tại, ở Hà Nội, các làng nghề truyền thống đang ngày càng mai một đi. Cách đây khoảng 5 năm, cả Hà Nội có đến 83 làng nghề thì bây giờ chỉ còn 40 làng nghề. Ý tưởng “Tìm lại hương cốm làng Vòng” không chỉ góp phần khôi phục lại một làng nghề truyền thống đang dần mất đi, mà ba cô gái nhỏ đang làm được một lớn hơn: tìm lại và gìn giữ một mảnh hồn xưa Hà Nội.

 

Duyên Anh