Tiến sĩ tâm lý nói gì về vụ nữ sinh đeo biển "ăn trộm"?

(Dân trí) - Tiến sĩ tâm lý Lê Văn Hảo lí giải vì sao nữ sinh này trở nên hoảng loạn, vì sao nhân viên siêu thị trói em và đề xuất cách phạt em cho phù hợp.

Trong những ngày qua, báo chí liên tục đưa tin về việc một nữ sinh cấp hai tại Gia Lai bị trói vào lan can siêu thị và bị đeo biển mang dòng chữ "Tôi là người ăn cắp" do tội lấy cắp vài quyển truyện. Vì bị bêu xấu, hiện nay nữ sinh này đang hoảng loạn, không dám đi học hay ra khỏi nhà.

Vì sao nữ sinh này lại rơi vào tình trạng như vậy, vì sao phía các nhân viên siêu thị lại trói em… trả lời những câu hỏi đó dựa trên khoa học phân tích tâm lý, phóng viên Dân trí đã liên hệ với Tiến sĩ Lê Văn Hảo, Viện tâm lý học Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Văn Hảo, Viện tâm lý học Việt Nam

Tiến sĩ Lê Văn Hảo, Viện tâm lý học Việt Nam

Thưa Tiến sĩ, với vụ việc trói nữ sinh vào lan can siêu thị ở Gia Lai, ông có ý kiến như thế nào?

Trên góc độ hành vi giữa người với người, tôi cho đó là hành vi không thể chấp nhận được. Trói và bêu xấu ở nơi công cộng là cách hạ nhục một con người, hơn nữa lại là một con người thuộc trường hợp yếu thế (bao gồm phụ nữ có thai, người già và trẻ em).

Mặt khác, hành động “ép cung” và trừng phạt trẻ em mà không có người giám hộ (cha mẹ) thì các nhân viên ở siêu thị này đã sai về mặt pháp lý.

Liệu có thể lí giải hành động trói nữ sinh của các nhân viên siêu thị?

Tôi không trực tiếp ở đó nên không rõ diễn biến sự việc nhưng tôi đoán rằng các nhân viên siêu thị bức xúc vì việc ăn cắp của em học sinh đó và cả những kẻ ăn cắp khác. Có lẽ không phải lần đầu họ bị ăn cắp và chịu hậu quả từ hành vi đó khiến cho ý muốn trừng phạt mạnh mẽ hơn, kết quả là việc trói em này để răn đe chung.

Điềm tĩnh mà nói, ý định ban đầu của những người trói em chỉ là giáo dục. Tuy nhiên, cách làm của họ thì đã vượt ra ngoài khuôn khổ.

Trói em học sinh để trừng phạt đã khiến cho em này hoảng loạn, vì sao lại như vậy thưa Tiến sĩ?

Hành vi mang tính chất hạ nhục sẽ ảnh hưởng mạnh tới tâm lý trẻ em, đặc biệt là một em gái có tính cách yếu ớt. Kịch bản tồi tệ nhất là gia đình, bạn bè, hàng xóm cũng xa lánh vì em phạm lỗi khiến cho cô bé có thể nghĩ dại, nhưng từ suy nghĩ cho tới hành động cũng cách nhau một khoảng rất xa.

Tình huống nhẹ nhất là như bây giờ, nữ sinh này đang phản ứng né tránh bằng biểu hiện không đi học, không ra ngoài. Những điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý trẻ em, khiến em có thể ghét chính bản thân mình vì mình không tốt nên mọi người mới đối xử như vậy, từ đó có thể nảy sinh thêm nhiều hành vi tiêu cực khác, khiến cho em xa rời bản chất tốt.

Tôi thử đặt trường hợp là một nam thanh niên lớn hơn, ngỗ nghịch hơn thì việc trói người, hạ nhục cũng sẽ chẳng lại kết quả tốt đẹp mà chỉ làm cho các em trở nên chống đối nhiều hơn là thay đổi.

Thế nhưng một số ý kiến bình luận về vụ việc lại cho rằng thói ăn cắp nên được trừng trị đích đáng. Những ý kiến như vậy có quá độc ác không?

Trong bất cứ xã hội nào thì hành vi trộm cắp đều không được hoan nghênh. Nhất là với những người đã từng bị trộm cắp, họ có mong muốn kẻ trộm phải bị trừng phạt.

Dù vậy, với một em nữ sinh còn nhỏ, chỉ trộm vài quyển truyện đáng giá 20.000 đồng thì khác. Phương pháp này không thích hợp với em, không đạt được hiệu quả giáo dục.

Vậy phải dùng biện pháp gì để xử phạt trường hợp của nữ sinh này hay những trường hợp tương tự?

Người lớn có thể dùng nhiều cách để tìm ra thông tin về cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ nhỏ. Sau đó nói chuyện với người giám hộ, giải quyết hợp lý, hợp tình.

Điều quan trọng là phải làm cho cho trẻ cơ hội sửa sai bằng cách khiến cho trẻ ý thức được lỗi lầm của mình một cách nhẹ nhàng. Có thể học tập cách xử phạt của một số nước trên thế giới là cho người phạm lỗi lao động công ích, ví dụ như cho em học sinh dành vài giờ sắp xếp sách người mua để vương vãi, dọn dẹp nhà sách mỗi tuần, đó mới là hướng tới mục đích thay đổi hành vi.

Nguyên nhân của hành vi trộm cắp có phải vì trẻ em ngày nay quá táo bạo không?

Xã hội ngày nay biến đổi rất nhanh và mạnh, theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Có những số liệu thống kê có thấy độ tuổi tội phạm trẻ hơn, có nghĩa là trẻ em có hành vi chống đối xã hội, chưa ngoan nhiều hơn.

Nhưng tôi tin rằng việc trẻ sai lầm thì người lớn có trách nhiệm nhiều. Tôi không đổ lỗi hoàn toàn. Tuy nhiên, có một câu của người phương Tây rằng “Muốn có một đứa trẻ ngoan thì phải giáo dục nó 20-30 năm trước khi ra đời”, có nghĩa là phải có môi trường giáo dục tốt từ bố mẹ, trường học… Người lớn cần phải nêu gương cho trẻ nhỏ. Khi người lớn đưa ra những quy định thì cần phải tuân thủ trước.

Cảm ơn Tiến sĩ về những chia sẻ hữu ích này!

Mai Châm
(thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm