Thực tập không lương có phải đang cho không chất xám?
(Dân trí) - Ngày nay, việc thực tập không lương đang trở nên khá phổ biến. Việc này cũng khiến cho các bạn sinh viên loay hoay và bối rối không biết phải lựa chọn thế nào.
Nên hay không việc đi thực tập không lương?
Hầu hết thời gian sinh viên dành cho việc học trên lớp, thời gian rảnh rỗi, một số bạn lựa chọn đi làm bán thời gian để bản thân có thêm kinh nghiệm.
Ngoài việc tìm kiếm cho mình những cơ hội trau dồi kinh nghiệm, các bạn trẻ cũng mong muốn công việc làm thêm ấy có thể kiếm thêm được thu nhập. Nhưng hiện nay, nhiều nơi làm việc không trả lương cho các bạn sinh viên mà chỉ cho phép làm việc lấy kinh nghiệm. Vậy bỏ công sức của bản thân ra mà không được một chút tiền nào liệu có đáng hay không? Liệu đó có phải là "cho không chất xám" như một số luồng ý kiến đang thảo luận trên mạng xã hội?
Diệu Linh, cựu sinh viên Đại học Ngoại thương, cũng đã từng là một sinh viên đi thực tập ở nhiều nơi. Linh chia sẻ, cô không đòi hỏi quá nhiều ở lương, mà điều quan trọng là mình có được kinh nghiệm để có thể tiến xa hơn.
Linh cho rằng, nói đến thực tập không lương chúng ta sẽ thấy rất nhiều khía cạnh tiêu cực. Nhưng thực chất, thực tập không lương đối với một sinh viên chưa có chút kinh nghiệm nào trong tay thì thực sự rất đáng quý.
"Khi học năm thứ 3, mình thực tập tại một ngân hàng, mình cảm thấy rất may mắn vì có mentor (cố vấn) hướng dẫn rất nhiệt tình, chỉ bảo mình từ những việc nhỏ nhất.
Nhiều bạn sẽ nghĩ lương rất quan trọng, nó là động lực khiến mình đi làm, nhưng đối với mình thì việc có được những kinh nghiệm thực tế là cần thiết hơn.
Hơn nữa, khi mình đi thực tập, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, các anh chị mentor luôn sẵn sàng giúp đỡ mình khi mình gặp khó khăn, chính điều này khiến mình cảm thấy gắn bó và không từ bỏ công việc dù không nhận được lương.
Theo mình thấy, ngoài việc tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thực tế, việc đi thực tập giúp mình khá nhiều trong việc cạnh tranh với các ứng viên ứng tuyển vào cùng một vị trí công việc", Linh nói.
Cũng đồng quan điểm với Diệu Linh, bạn Diệp Chi là cựu sinh viên Học Viện Báo chí và Tuyên truyền cũng chia sẻ: "Quan điểm của mình thì việc đi làm không lương để lấy kinh nghiệm, đối với những bạn chưa có chút kinh nghiệm nào trong lĩnh vực mình làm, bắt đầu từ con số 0 thì đó là điều bình thường.
Dù mình chưa từng thực tập không lương. Nhưng nếu có mình hoàn toàn chấp nhận, nếu đó là một công việc mà mình muốn làm. Vì công việc đó phải đem lại điều gì thì mình mới muốn làm".
Chi cũng chia sẻ thêm việc đi làm để có thêm thu nhập cũng giúp chúng ta có động lực và yêu công việc ấy hơn và cảm thấy được trân trọng hơn. Nhưng cũng không nên đòi hỏi quá nhiều về tiền. Vì chính những cái chúng ta không được trả bằng tiền mới đáng quý.
"Ngày mình đi thực tập. Không quan trọng vấn đề tiền, nên không để ý. Mục đích là làm sao để học được nhiều nhất có thể. Sau khi thực tập xong thì mới biết là được nhận nhuận bút. Lúc đó rất là vui, vì mình không hy vọng thì nó lại đến, dù không nhiều nhưng cũng thấy vui hơn.
Nói chung là không quá so đo hơn thua vấn đề tiền nong, mà quan trọng là giá trị, kinh nghiệm cuộc sống, công việc mình nhận được khi còn là "newbie" (người mới - PV) thì có lợi hơn việc chỉ mải tính toán tiền nong. Trong khi mình đóng góp chưa được nhiều cho công việc, thậm chí là còn làm sai.
Nếu như đòi tiền lương, vậy khi sai cũng nên chấp nhận chịu phạt. Có khi vì mới, chưa có kinh nghiệm nên làm sai, tiền phạt còn nhiều hơn tiền lương", Chi nói.
Lựa chọn của mỗi người
Các bạn sinh viên được lựa chọn và quyết định đi thực tập ở đâu. Dù là đi thực tập không lương hay có lương thì chắc chắn một điều quan trọng nhất mà mọi sinh viên đều mong muốn là được học hỏi, nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng.
Chu Minh Đức, sinh viên năm cuối của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương chia sẻ: "Với mình, có một công việc vừa kiếm ra tiền và vừa có đủ kinh nghiệm thì thực sự rất khó. Dù đã là sinh viên năm cuối nhưng bản thân mình còn nhiều thứ cần trau dồi. Biết là tiền thực sự quan trọng, nhưng đôi khi chúng ta cũng nên trau dồi bản thân trước. Khi đủ năng lực, mình tin chắc việc kiếm tiền sẽ trở nên dễ dàng hơn".
Chị Thanh Hoài, Phó trưởng chi nhánh của một công ty tại Hà Nội cũng chia sẻ về vấn đề này, chị Hoài cho biết: "Do xu thế cũng như nhu cầu của thị trường, việc sinh viên đi thực tập tại các công ty là cần thiết để có thể dần dần tiếp cận với môi trường thực tế đi làm, bổ sung thêm kiến thức thực tế cho các bài luận tốt nghiệp...
Các bạn có thể kết hợp thực tế và lý thuyết sau đó hỏi tư vấn thêm chỗ giảng viên trên trường để có bài luận thực tế và sinh động.
Thực tế, có thực tập sinh được trả công, thù lao, lương, có người thì không được trả. Theo mình được biết, việc có trả tiền lương, tiền công cho các bạn thực tập sinh hay không thì sẽ tùy theo mục đích của ứng viên, công việc mà các bạn ứng tuyển vào làm thực tập sinh là gì và chính sách của công ty mà các bạn đang ứng tuyển như thế nào".
Là một người thường xuyên tuyển dụng các bạn sinh viên sắp ra trường, cần kinh nghiệm cho công việc sau này nên chị Hoài hiểu rõ được tâm lý khi trở thành thực tập sinh của các bạn sinh viên.
Chị Hoài cũng chia sẻ thêm: "Đối với các bạn sinh viên đi làm thực tập sinh, do vẫn chưa có kinh nghiệm, nên các công việc bán thời gian này chỉ là các việc mang tính chất giản đơn và ít trách nhiệm hơn các nhân viên thực thụ. Sau thời gian làm bán thời gian và khi các bạn tốt nghiệp ra trường, tùy theo nhu cầu của ứng viên và công ty, có thể ký kết hợp đồng lao động làm việc toàn thời gian với nhau.
Theo quan điểm cá nhân của mình, các bạn sinh viên đi làm thực tập sinh cần xác định rõ mục tiêu thực tập của bạn là gì? Học hỏi thực tế công việc, thị trường, theo đuổi ước mơ nghề nghiệp; hay mục đích có thu nhập cao trong giai đoạn đi làm thực tập để tìm các vị trí, công việc thực tập phù hợp với mục đích và mong muốn của mình.
Bạn có thực sự làm việc bằng năng lực của mình hay chỉ nhìn, xem người khác làm, bạn đóng góp gì trong thời gian bạn thực tập tại công ty. Nếu mà bạn có đóng góp công sức thực tế vào công việc tại công ty đó thì bạn nên được trả thù lao, tiền công".
Xét một cách tổng thể, thực tập không lương cũng có rất nhiều mặt tích cực. Nếu như bạn cố gắng, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ thấy được những mặt tốt và thay đổi thái độ giúp các bạn có một môi trường thật tốt để trau dồi kinh nghiệm của bản thân.
Khi có đủ các kỹ năng, chắc chắn việc kiếm tiền sẽ không còn khó khăn dù các bạn vẫn còn là những sinh viên.