Thức khuya mới biết đêm dài…

Đi chơi về tụi em đã tông vào một xe hơi, khiến cả 2 cùng bị thương nhưng người đó bỏ chạy, để em lại một mình...

Em và người đó yêu nhau được hơn 1 năm rồi. Bữa trước do giận nhau nên 1 tháng không liên lạc sau đó tụi em lại làm hòa. Hôm đó đi chơi, lúc chở em về tụi em đã tông vào một xe hơi, khiến cả 2 cùng bị thương nhưng nguời đó bỏ chạy, để em lại một mình bồi thường, chỉ gọi điện hỏi em "đang ở đâu, có gì thì không được khai anh nha?".

 

Sau đó em nhắn tin cho người đó, thì người đó nhắn lại là "em phải biết anh ở lại thì lấy tiền đâu mà đền? Giờ em đang ở đâu?". Sau khi bồi thường em đã nhắn tin chia tay với nguời đó, nhưng người đó cũng im lặng không nói gì. Em làm vậy là đúng hay sai? Người đó làm nhưvậy có phải là không yêu em phải không? Em thì vẫn còn nhớ người đó. Em phải làm sao đây? (Huyen, Q.9, TP.HCM)

 

Người xưa dạy rằng “Thức khuya mới biết đêm dài, sống lâu mới biết dạ ai thế nào”. Câu nói này dạy cho ta rằng chỉ có thực tiễn (thực tế) trong cuộc sống mới trả lời cho mọi lời hứa.

 

Việc giận nhau một tháng không liên lạc và sau đó lại làm hòa sẽ làm cho cảm xúc tình cảm gia tăng đáng kể vì một tháng xa nhau đó nếu quên được thì tình cảm chấm dứt, còn không quên được thì tình cảm gia tăng.

 

Đúng lúc tình cảm gia tăng đấy thì xảy ra chuyện “phản bội”, nhưng do tình cảm mới được nối lại nên nó “che lấp” mất cái xấu mà chỉ muốn thỏa mãn cảm xúc nhớ.

 

Đối với việc “tông xe” mà bỏ chạy là vi phạm pháp luật, chưa kể đến việc bỏ trốn để bạn mình phải gánh hậu quả thì đó là người phản bội, người xấu, người vô trách nhiệm với hành vi gây ra tội lỗi. Trong khi bạn phải ở lại một mình, phải bồi thường và nhắn tin cho anh ta.

 

Anh ta đã thể hiện bằng việc gọi điện gọi điện “đang ở đâu? Có gì thì không được khai anh nha” đã thể hiện sự dối trá và trốn tránh trách nhiệm rất rõ. Sau khi bạn nhắn tin thông báo cho anh ta mà anh ta nói “em phải biết anh ở lại thì lấy tiền đâu mà đền?”. Điều này cho thấy sự vô trách nhiệm rất rõ.

 

Bạn chia tay với anh ta là đúng, còn anh ta không nhắn lại là vì xấu hổ do “kẻ tiểu nhân bị vạch mặt”. Người đó làm vậy là người xấu, không vì tình yêu nên đã vô trách nhiệm. Lúc nguy nan bỏ mặc người yêu mình, thân con gái chịu đựng thì quả thực không xứng đáng đàn ông, không yêu chút nào cả.

 

Bạn nên tránh xa những kẻ như thế, còn khi nhớ về tình cảm thì lấy “cái hận lúc anh ta bỏ mặc mình” mà so sánh để thoát ra khỏi trạng thái tâm lý này. Chúc bạn sáng suốt.

 
Thức khuya mới biết đêm dài…
 

Em luôn cảm thấy lo lắng một điều gì đó không tốt sẽ xảy đến với mình, em ít nói, ngại giao tiếp (sợ), không muốn tiếp xúc với ai, không muốn ra ngoài, không muốn làm gì. Cảm giác này đã đến với em trước khi em thi tốt nghiệp, nhưng sau khi thi xong lại hết. Em trở nên năng động, hoạt bát, vui vẻ.

 

Sau khi đi làm được một năm giờ cảm giác đó lại quay trở lại, giờ em muốn bỏ hết tất cả, bỏ nhà đi đến một nơi nào đó thật yên tĩnh, không ai biết em... Vậy em có bị bệnh gì không? Và giờ em phải làm gì đây? (nguyenhoangbc)

 

Cuộc sống của con người thường có hai cảm xúc tích cực và tiêu cực. Cảm xúc tích cực luôn nhìn ra giải pháp khi khó khăn, còn cảm xúc tiêu cực luôn bị mất phương hướng khi khó khăn.

 

Trước khi thi tốt nghiệp bạn luôn có cảm giác lo lắng một điều gì đó không tốt đến với mình là hiện tượng lo lắng quá mức và suy diễn tiêu cực.

 

Khi nghĩ tiêu cực người ta lo sợ, ít nói, ngại giao tiếp, không muốn tiếp xúc với ai, không muốn ra ngoài, không muốn làm gì …nhưng nếu khi ấy còn một chút động lực “đi thi” thì mặc dù những suy nghĩ tiêu cực ấy luôn ám ảnh nhưng chưa xuất hiện tư tưởng “sợ học” nên bạn đã vượt qua được kỳ thi.

 

Chính kết quả kỳ thi đã tạo cho bạn hưng phấn và chất hóc-môn tích cực, nhờ đó những suy nghĩ tiêu cực đã hết, và nhờ chất hóc-môn tích cực làm cho bạn trởnên năng động, hoạt bát, vui vẻ.

 

Nhưng sau làm được một năm thì cảm giác lo sợ cũ lại quay trởlại là do bạn không tự tạo được chất hóc-môn hưng phấn tích cực và lúc này không còn động lực học tập nữa , vì thế đã xuất hiện tư tưởng trầm cảm “muốn bỏ hết tất cả”.

 

Bạn bị bệnh trầm cảm do mất động lực phấn đấu. Bạn hãy tập thểd ục đều đặn với các động tác mạnh như múa vòng, nhảy dây … và hoạt động xã hội tích cực, sinh hoạt ở các nhà văn hóa, giao lưu ca hát và tự hát các bài hát vui nhộn; tích cực ăn các thức ăn có nhiều đạm và chất xơ, đồng thời luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp.

 

Nếu các biện pháp này không có hiệu quả thì bạn phải đi đến bác sĩ về sức khỏe tâm thần để nhờ can thiệp bằng thuốc chuyên khoa. Chúc bạn nỗ lực thật nhiều.

 

Em là lớp trưởng của một lớp, cách đây vài ngày cô nói cả lớp thu vở để chấm, có một bạn T (em xin giấu tên) không nộp, khi cô trả vở và nói em ghi xếp loại nộp cho cô, tất cả đánh giá cô ghi trong vở, em chỉ việc chép vào, bạn T nói em ghi cho bạn ấy loại khá hay tốt cũng được, nhưng em không ghi vì như vậy là sai và cô mà truy ra thì sẽ biết hết.

 

Em không làm thì bạn ấy chửi em, còn nói em bạn bè gì mà... em buồn lắm, và có vẻ như bạn ấy còn muốn rủ cả lớp tẩy chay em. Lúc học bạn còn nói loáng thoáng là thay lớp trưởng, em thực sự rất buồn. Bây giờ em phải làm sao đây? Mong chuyên gia sẽ cho em một lời khuyên tốt nhất. Em xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Quỳnh Trang)

 

Chào bạn Quỳnh Trang, trung thực là trách nhiệm của người lớp trưởng và có nhưvậy mới giữ được sự công bằng với mọi người.

 

Tuy nhiên, trung thực cũng cần có “sách lược”, nếu không, sẽ gặp sự phản ứng từ những người thiếu trung thực mà ở đấy cái thiện và cái ác có khi không phân thắng bại, thậm chí có những khi cái thiện bị cái ác lấn át.

 

Trong trường hợp của bạn, bạn đã xử lý không khéo, lẽ ra bạn hỏi lại cô giáo về  việc ghi lại những người nộp bài, còn người không nộp thì cô cho ý kiến giải quyết thì không xảy ra chuyện.

 

Nhưng bạn đã làm mà không dựa vào ý kiến cô giáo nên thành chuyện cá nhân. Bây giờ bạn xin phép cô giáo cho bạn ấy nộp sau vì hôm trước bạn ấy quên … xem ý cô giáo thế nào, và cũng kể lại vì việc này mà chúng em mâu thuẫn để cô cho cách xử lý.

 

Lúc này chỉ có cô giáo là người có thể giúp bạn xử lý tốt nhất, nhưng nếu gặp cô giáo không tế nhị, không tâm lý thì phải tính phương án khác. Bạn có thể gặp cô chủ nhiệm kể lại đầu đuôi câu chuyện và bàn với cô chủ nhiệm để cô chủ nhiệm họp lớp và giải quyết dân chủ, minh bạch.

 

Đối với bản thân thì bạn phải nghị lực lên, làm lãnh đạo phải dám làm, dám chịu trách nhiệm và nếu cần phải đấu tranh với tiêu cực thì mình cũng sẵn sàng, chỉ sợ mình làm sai bị cô giáo phát hiện, còn làm đúng mà bị vu oan thì phải bình tĩnh giải quyết thì mới tiếp tục làm lãnh đạo được, nếu thấy mình không đủ bản lĩnh thì cứ để lớp bầu người khác cũng đâu có sao.

 

Tổng thống người ta cũng bị mất chức cơ mà, thì việc không làm lớp trưởng cũng có gì đáng ngại. Cái quan trọng là học tốt, có kết quả cao.

 

Song bạn cũng cần khéo léo vận động các bạn tích cực, minh bạch ủng hộ và nói rằng “tớ cũng muốn giúp, nhưng cô giáo ghi lại danh sách bài thu, vì thế nên không dám”, nếu các bạn nghi ngờ thì nói các bạn “cứ hỏi cô xem”, “mình nghĩ khi chấm vở cô giáo sẽ đem tập để so sánh sĩ số lớp và số tập thu chấm”, hoặc bạn có thể hỏi cô giáo trước và nói trước những câu hỏi này để ai đó có hỏi thì cô trả lời đúng ý bạn.

 

Nếu cô chấm tập mà không đếm số bài thì quan liêu quá và quan liêu thế thì dù không đếm cũng không dám nói đâu.

 

Cuộc đấu trí này là bài học làm lãnh đạo đấy, bạn đừng sợ mà hãy thận trọng làm từng cách, từng bước để chờ sự diễn biến. Nhớ không được buồn phiền vì thế sẽ mất minh mẫn đấy. Hãy tin tưởng vào sự sáng suốt của cả lớp và cô giáo chủ nhiệm để giải quyết vấn đề nhé.

 

GS.TS. Vũ Gia Hiền tư vấn

 

Theo Mực Tím

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm