Thực hư chuyện thi tuyển câu lạc bộ sinh viên có tỷ lệ 1 chọi 15

CTV

(Dân trí) - Câu lạc bộ ở trường đại học là cơ hội để các bạn sinh viên rèn luyện và phát triển bản thân. Thế nhưng, việc trở thành thành viên của một câu lạc bộ sinh viên ngày càng khó.

Lý do sinh viên muốn tham gia các câu lạc bộ

Đại học là môi trường rất lý tưởng để các bạn sinh viên rèn luyện, khám phá và tìm kiếm đam mê của bản thân. Việc tham gia các câu lạc bộ ở trường đại học là bước đệm đầu tiên trên hành trình ấy.

Hiện nay, ở các trường đại học thường có hai kiểu câu lạc bộ chính: Câu lạc bộ nghiệp vụ - chuyên đào tạo, chia sẻ, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, chuyên môn; Câu lạc bộ tình nguyện - năng khiếu - chuyên tổ chức những hoạt động văn nghệ, thiện nguyện.

Mỗi cá nhân sẽ có một mục đích riêng khi đăng ký tham gia vào các câu lạc bộ. Bạn Thùy Dương - sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương nói: "Mình cho rằng tham gia câu lạc bộ bên cạnh các hoạt động học thuật là cần thiết.

Mình được mở rộng mối quan hệ, được đào tạo nhiều kỹ năng chuyên môn theo cách sáng tạo và thực chiến, được thử thách và tìm ra điều mình thực sự thích - chìa khóa giúp mình tìm ra công việc phù hợp trong tương lai".

Thực hư chuyện thi tuyển câu lạc bộ sinh viên có tỷ lệ 1 chọi 15 - 1

Tham gia câu lạc bộ giúp Thùy Dương tìm được công việc phù hợp trong tương lai (Ảnh: NVCC).

Còn Minh Phương - một cô giáo tương lai đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì cho rằng: "Trong quá trình lựa chọn câu lạc bộ ở bậc đại học, mình thích tham gia những câu lạc bộ mà ở đó mình được rèn luyện, nâng cao kiến thức, kỹ năng để có thể áp dụng cho ngành nghề sau này.

Chẳng hạn như hiện tại, mình tham gia câu lạc bộ truyền thông tại khoa và mình nhận thấy rất hữu ích, không chỉ vậy mà còn rất vui".

Khác với Thùy Dương hay Minh Phương, Tuấn Quỳnh, sinh viên Học viện Ngoại giao chia sẻ: "Mình tham gia câu lạc bộ chủ yếu để được cộng điểm rèn luyện, ở trường mình, việc tham gia câu lạc bộ sẽ được cộng khá nhiều điểm rèn luyện. Vì mình muốn được học bổng cao, nên việc được cộng điểm như thế là rất cần đối với mình".

Tỷ lệ chọi vào câu lạc bộ sinh viên nào là 1:15?

Theo chia sẻ của Đồng Quang Thái - Chủ nhiệm câu lạc bộ Tổ chức sự kiện SEED - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: "Mỗi năm câu lạc bộ nhận về trên 100 đơn nhưng chỉ tuyển khoảng 20 bạn thành viên. Tỷ lệ chọi là 1:5.

Thực hư chuyện thi tuyển câu lạc bộ sinh viên có tỷ lệ 1 chọi 15 - 2

Quang Thái - Chủ nhiệm câu lạc bộ SEED, Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: NVCC).

Gần đây có cách nói truyền miệng là đỗ câu lạc bộ khó hơn đỗ đại học nhưng khó hay không, mình nghĩ còn tùy thuộc vào khả năng của từng người. Có thể với người này là khó, nhưng người khác thì chưa chắc".

Còn bạn Minh Quân - Chủ nhiệm câu lạc bộ Phát thanh Sóng trẻ Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì bật mí tỷ lệ chọi vào câu lạc bộ này là 1:15, đây là một con số gây bất ngờ.

Chính vì tỷ lệ chọi đầu vào cao như thế này nên có nhiều ý kiến cho rằng, thi tuyển câu lạc bộ đại học còn khó hơn phỏng vấn xin việc.

Thùy Linh, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ: "Hồi năm nhất, mình đã phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn thì mới thi đỗ được vào câu lạc bộ yêu thích. Ban đầu thấy nhiều bạn giỏi thì cũng hoang mang lắm, nhưng may mắn là mình đã làm được.

Bản thân mình đã đi làm, mình thấy đi làm hay đi thi tuyển câu lạc bộ đều có cái khó riêng, thi câu lạc bộ là một bước đệm tốt giúp mình tự tin hơn trong quá trình xin việc sau này".

Thực hư chuyện thi tuyển câu lạc bộ sinh viên có tỷ lệ 1 chọi 15 - 3
Thùy Linh từng hoang mang vì có quá nhiều bạn giỏi ứng tuyển vào câu lạc bộ (Ảnh: NVCC).

Với Nguyễn Hằng, chuyên ngành Báo Truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hằng đã mất 2 năm để thực hiện ước mơ đỗ vào câu lạc bộ Truyền hình sinh viên.

Hằng chia sẻ: "Thi câu lạc bộ với mình khá khó đấy. Lần đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ nên mình không đỗ, nhưng may mắn đã mỉm cười với mình ở lần thứ hai.

Mình nghĩ rằng bản thân trong quá khứ chưa phù hợp không có nghĩa là hiện tại cũng sẽ như vậy. Chưa đỗ khác với không đỗ, bản thân mình luôn thay đổi từng ngày để trở nên tốt hơn. Sau cơn mưa, trời lại sáng".

Thực hư chuyện thi tuyển câu lạc bộ sinh viên có tỷ lệ 1 chọi 15 - 4
Nguyễn Hằng luôn tin rằng "Sau cơn mưa, trời lại sáng" (Ảnh: NVCC).

Người tuyển thành viên cho câu lạc bộ sinh viên nói gì?

Trên cương vị của một người lãnh đạo, bạn Ma Thị Thu Thảo - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Phát thanh Sóng trẻ - Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ quan điểm: "Mình nghĩ, còn tùy thuộc vào tính chất và mục tiêu hoạt động mà mỗi câu lạc bộ sẽ đưa ra những tiêu chí cụ thể để lựa chọn thành viên".

Thực hư chuyện thi tuyển câu lạc bộ sinh viên có tỷ lệ 1 chọi 15 - 5
Phó Chủ nhiệm Ma Thị Thu Thảo trong buổi tuyển thành viên của câu lạc bộ Phát thanh Sóng trẻ năm 2021 (Ảnh: NVCC).

"Tuy nhiên, yếu tố mà câu lạc bộ nào cũng hướng tới đó là sự nhiệt huyết, đam mê, tinh thần cầu tiến và tình yêu của các bạn đối với những hoạt động được thực hiện trong câu lạc bộ đó.

Khi bạn đáp ứng được những tiêu chí lựa chọn thành viên của câu lạc bộ mà bạn mong muốn tham gia đồng nghĩa với việc bạn là một người phù hợp", Thảo nói thêm.

Khi không thi đỗ câu lạc bộ, nhiều bạn sẽ có xu hướng thất vọng, mất niềm tin vào khả năng của bản thân, hoài nghi về con đường mình đang đi và cảm thấy mình kém cỏi so với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng có lẽ việc đỗ hay trượt còn phụ thuộc vào sự phù hợp khá nhiều.

Định nghĩa về sự "phù hợp" của mỗi người là khác nhau. Những người được chọn để trở thành thành viên câu lạc bộ không nhất thiết phải là những người giỏi nhất, mà đơn giản là ở thời điểm đó, các bạn ấy là những nhân tố câu lạc bộ cần.