Thủ khoa ĐH Thủy Lợi - thành tích đến từ nỗi vất vả của mẹ
(Dân trí) - “Em rất thương mẹ vì mẹ phải tần tảo thức khuya, dậy sớm đi tát nước chống hạn cho lúa nên em quyết tâm thi vào Đại học Thủy Lợi”, cậu học trò nghèo xứ Thanh vừa đỗ Thủ khoa ĐH Thủy Lợi năm nay Lê Trọng Hậu chia sẻ.
Dù biết mình đã đậu nhưng ngày nào Hậu cũng dành chút thời gian xem lại bài vở
Liên tiếp 12 năm học, cậu học trò nghèo Lê Trọng Hậu, thôn 10, xã Hoàng Anh, huyện Hoàng Hóa, Thanh Hóa là học sinh giỏi của trường. Trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 Hậu lại tiếp tục đột phá dành chức thủ khoa của trường ĐH Thủy Lợi với tổng điểm 28.5.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khô cằn đầy nắng và gió, Hậu ý thức được rằng muốn thoát ra khỏi cảnh nghèo khó của gia đình không còn con đường nào khác ngoài học. Từ đó một buổi tới trường một buổi Hậu về đi làm cỏ lúa, cỏ ngô giúp gia đình.
Bố Hậu, ông Lê Trọng Kính là thương binh hạng 4/4 từ thời kháng chiến chống Mỹ sức khỏe suy yếu không giúp gì được cho gia đình. Những ngày trái gió trở trời vết thương cũ hành hạ càng làm cho em có ý chí để học. Cả nhà có ba sào ruộng công nhưng lại mất mùa liên tục, lúa gạo làm ra được không nuôi nổi năm miệng ăn trong gia đình, gánh nặng lại như đè nặng xuống vai người mẹ Trịnh Thị Nhàn, một buổi ra đồng một buổi đi làm thuê lấy tiền trang trải. Người anh cả lại bị bệnh nan y làm cho người ngớ ngẩn, còn chị gái mới vừa tốt nghiệp Đại học Vinh đang phải ở nhà vì chưa xin được việc.
Những lúc bố mẹ vắng nhà Hậu lại là một đầu bếp cừ khôi
Khi được hỏi về bí quyết và phương pháp học của mình, Hậu hồn nhiên cho biết: “Chủ yếu em học trên lớp, lắng nghe thầy cô giảng. về nhà mở xem lại sách và học những cuốn sách nâng cao”. Những ngày nghe tin đỗ thủ khoa, nhà Hậu trở nên đông vui hơn. Người dân trong làng thay nhau đến chúc mừng chia sẻ niền vui cùng gia đình.
Ông Kính, bố Hậu không giấu nổi vẻ bất ngờ khi nghe tin con đỗ thủ khoa. “Dù khó khăn đến mấy tôi cũng phải cho cháu đi học, nếu cần thiết tôi sẽ “cắm” cái sổ thương binh để lo cho con”.
Là thủ khoa của một trường Đại học nhưng Hậu không lấy đó là một niềm kiêu hãnh, em cũng như các bạn của mình vẫn hồn nhiên nô đùa như ngày còn học cấp ba. Những buổi trưa hè nắng nóng em lại lân la ra ngoài đồng móc cua như ngày nào. “Tôi mừng lắm, sắp là sinh viên rồi nhưng nó vẫn không quên được phẩm chất của người nhà nông. Sợ cháu đi nắng ra đồng ốm rồi không đi nhập học được. Nhưng buổi trưa khi cả nhà đi ngủ là nó lại lẩn trốn đi”, ông Kính tâm sự.
Trò chuyện với chúng tôi, Hậu nói: "Em rất thương mẹ vì một mình mẹ phải tần tảo làm ba sào ruộng khoán để lo cho gia đình. Thương mẹ phải tần tảo thức khuya, dậy sớm đi tát nước chống hạn cho lúa nên em quyết tâm thi vào Đại học Thủy lợi", Hậu nói.
Khi nghe tin đâu vào Đại học Hậu mừng lắm, nhưng “em đi học sợ bố mẹ kham không nổi, nhà nghèo quá. Bố và anh trai lại đau ốm lấy ai làm đồng giúp mẹ đây, cả đời mẹ chưa một ngày mẹ được nghỉ”, nỗi lo lắng đó chợt đến trên khuôn mặt của Thủ khoa xứ Thanh khi nghĩ đến những ngày sắp nhập học tới đây.
Bài, ảnh: Lê Văn Dương