“Thứ 6 ngày 13” - Nỗi ám ảnh của những người trẻ

(Dân trí) - Chuyện người lớn “kiêng cữ giữ gìn” trong những ngày đặc biệt như hôm rằm, mùng một không có gì lạ, nhưng nhiều bạn trẻ bây giờ cũng “dạy” nhau “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, “hôm nay thứ 6 ngày 13 đấy, chả dám ra đường đâu”!

Có một điều tưởng chừng như rất mâu thuẫn đối với nhiều bạn trẻ bây giờ. Nếu nghĩ họ là những người thông minh, cá tính, năng động, hiện đại thì chắc sẽ không thể tin mấy chuyện ma quỷ, “siêu nhiên”… Nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Mùng một tránh trả tiền, đến rằm là cũng “kéo” nhau lên chùa thắp hương khấn Phật. Những ngày đặc biệt “thuần Việt” này các bạn chú ý theo lời dạy của bà, của mẹ đã đành, có ngày không phải “kiêng cữ” gì theo phong tục người Việt mà các bạn cũng sợ.

Chỉ là “cẩn tắc vô áy náy”

 

Nhiều 9x khi nhắc đến cụm từ “thứ 6 ngày 13” là co rúm lại, mặt nhăn nhó, kêu la tùm lum rằng “chả dám ra đường nữa”, “khoá cửa ở nhà cho nó lành đi”… Nhưng khi hỏi “thứ 6 ngày 13” xuất phát từ đâu? Có ý nghĩa gì mà làm các bạn “phát hoảng lên thế” thì lại cười trừ không rõ.

“Thứ 6 ngày 13” gần như đã trở thành một thuật ngữ để ám chỉ về những gì đen đủi, không may mắn nhất. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và học giả đưa ra những giả thuyết, dẫn chứng xác thực để giải thích về hiện tượng này. Nhưng quan trọng một điều là quan niệm này có nguồn gốc từ phương Tây và những người theo Thiên chúa giáo, chứ không hề “có sẵn” ở Việt Nam như nhiều bạn lầm tưởng. “Thứ 6 ngày 13” được coi là ngày không may mắn bởi đó là ngày Chúa Jesus bị tông đồ thứ 13 - Juda phản bội và Chúa cũng bị đóng đinh lên cây thập ác đúng ngày này. Phương Tây cổ xưa cho rằng mỗi năm có 13 tuần trăng và do đó, phải có 13 tháng. Tuy nhiên, trong lịch hiện đại, mỗi năm chỉ có 12 tháng. Các nhà nghiên cứu sử dụng lịch mặt trăng cho rằng, tháng thứ 13 chính là tháng chết của Mặt trời. Và 13 là con số không may mắn.

“Mình chả biết thứ 6 ngày 13 xuất phát từ đâu, nhưng nhận tin nhắn dặn dò của bạn bè, mình cũng phải cẩn thận chứ, “cẩn tắc vô áy náy” thôi mà”, Mạnh Hùng (15 tuổi, L.T.V) cho biết. Việc không hiểu rõ “nguồn cơn” mà đã “phát hoảng” của các bạn đã tạo nên một hiệu ứng rất… buồn cười xuất hiện trên khắp các blog, các dòng status, những tin nhắn offline cảnh báo: “mai thứ 6 ngày 13 đấy, khôn hồn thì nằm nhà đi nhé”, “Điên quá, mai định đi mấy chỗ rơi đúng thứ 6 ngày 13, nghỉ vụ luôn”…

 

Không hiểu “cái ngày gì mà xui cùng tận”, nhưng B. Trâm (19 tuổi, ĐH BK) quả quyết chuyện mình là “dẫn chứng sống”: “Phải tin thôi bạn ơi, năm ngoái đúng thứ 6 ngày 13, mình bị xe tông trên đường Nguyễn Tri Phương. Tưởng “quý nhân phù trợ” cho một bác mặt hiền lành dừng lại sửa dùm, ai dè dựng xe hộ mình xong, chả hiểu bác ý còn “sờ nắn” gì, 10 phút sau tỉnh bơ xin mình 50 nghìn. Chẳng nhẽ đứng lại đôi co, mình đành mất tiền ngu cho bác ý. Xui vô cùng tận! Giờ mình cứ yên phận ở nhà hôm này cho chắc”.

Việc các bạn gặp phải nhiều chuyện không may đều được đổ cho “cái ngày đen đủi nên nó thế” chứ hoàn toàn không phải do đi đường thiếu tập trung nên bị tai nạn hay từ sự bất cẩn của bản thân. Vấn đề này đã tạo nên một tâm lý không tốt trong nhiều bạn trẻ. Các bạn “trầm trọng hoá” những điều nhỏ nhặt không ưng ý trong cuộc sống, và phản ứng với nó bằng nghỉ học, hoãn các buổi gặp mặt, đóng cửa nằm nhà, thậm chí còn lên… chùa khấn “giải xui”.

Không tin lúc “dính” cấm kêu!

Hoàng Việt (20 tuổi, ĐH Kiến Trúc) tâm sự: “Mình sinh đúng vào thứ 6 ngày 13, chỉ nhớ mang máng là cũng từng bị thi lại hay mất tiền. 13 mà không phải thứ 6 thì bình thường, chả có chuyện gì xui xẻo cả. Rồi sau nhiều lần để ý, mình tin là “nó” thật sự là một ngày đen đủi”. Cũng đồng quan điểm với Việt, nhưng N.Hường có đánh giá khách quan hơn: “Phương Tây họ rất sợ ngày này do nhiều truyền thuyết từ Thiên chúa giáo, nhưng một phần cũng do niềm tin của họ. Khi bạn đã tin vào một điều gì thì gần như nó sẽ ám ảnh bạn và chi phối suy nghĩ của bạn sau này. Không phải ngẫu nhiên mà 80% các nhà cao tầng không có con số 13, nhiều sân bay bỏ qua cổng thứ 13, khách sạn không có phòng 13, và nên nằm nhà vào thứ 6 ngày 13 cũng dễ hiểu. Chỉ có điều, mình thấy những bạn tới chùa để khấn giải xui thật kỳ cục, vì ngày này không hề có trong quan niệm của đạo Phật mà?”.

Nỗi sợ “thứ 6 ngày 13” ám ảnh từ 17 đến 21 triệu người Mỹ, và “lan” sang cả các nước Châu Âu, Châu Á khác. Việc nhiều bạn trẻ tự “cấm vận” mình trong những ngày này đã tác động dây chuyền đến người thân và bạn bè xung quanh. “Lúc đầu cô đâu có tin ba cái chuyện nhảm nhí, thấy nó tự nhốt mình trong phòng cả ngày thì cả nhà lo quá. Hỏi ra mới biết là thứ 6 ngày 13 gì đó. Nó sợ ra đường không đánh nhau, mất ví thì đụng xe giống tụi bạn. Thế rồi đến tối xuống ăn cơm, đi từ cầu thang xuống ngã trẹo chân, phải đắp thuốc nằm nhà gần 2 tuần. Cô sợ toát mồ hôi hột, từ đó dặn tất cả con cháu trong nhà phải cẩn thận, không tin lúc nhỡ ra thì kêu với ai!”, Cô T.N (Bệnh viện GTVT) tâm sự.

“Cái gì đến sẽ phải đến, có tránh đằng trời” là câu khẳng định chắc nịch của M.Hòa (18 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội). Cô bé vô cùng tin vào những chuyện ma quỷ, “người âm” và sợ “thứ 6 ngày 13” khủng khiếp: “Em đã từng năm lần bảy lượt chia tay người yêu đúng ngày này. Chả hiểu mọi chuyện đang yên ổn thì cứ đến ngày “của nợ” là hết cãi nhau chuyện “người thứ 3, thứ 4” thì cũng lại bị điểm kém, mất tiền. Có ở nhà cũng không trốn được. Bạn em mách là phải đi mua quyển kinh thánh Cựu ước bán ở Nhà thờ lớn và đeo dây chuyền có hình cây thập giá mới “đỡ” được.”

Kiểm soát bản thân

Vậy là “thứ 6 ngày 13” - bình thường như bao ngày bình thường khác trở thành “cột dấu” nhắc nhở mọi người “kiêng cữ, giữ mình”. Những biến chuyển tâm lý dễ nhận thấy trong “dịp” này như bồn chồn, lo lắng tới hốt hoảng cũng được nhiều bạn trẻ xác nhận. Tuy nhiên, phản ứng một cách thái quá như đảo lộn lịch trình làm việc hay tránh mặt bạn bè là điều không tốt một chút nào.

Các bạn nên nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể tạo ra vận may hay vận rủi trong cuộc sống. Vào ngày này, bạn nên nghĩ đến những sự kiện vui vẻ, khoảnh khắc hạnh phúc, những điều tốt đẹp đã đến và sẵn sàng kiểm soát tương lai. Có thể bạn sợ chỉ đơn giản là vì bạn thấy… sợ, không vì một lý do cụ thể nào. Nhưng bạn chấp nhận tự giam mình, hay ngồi thu lu để một ngày tươi đẹp và nhiều bất ngờ, thú vị khác trôi qua?

 

Hãy cứ “cất” nỗi sợ vào một góc nếu bạn không thể “vứt” nó được, rồi trò chuyện với bạn bè, chia sẻ những “thứ 6 ngày 13” vui tươi, may mắn, để bạn yêu nó như yêu mỗi ngày của mình nhé!

Ly Vũ