Thế hệ thích đăng "cả tệp" ảnh lộn xộn ở Việt Nam

PV

(Dân trí) - Từ khi xuất hiện trên từ điển tiếng lóng Urban Dictionary vào tháng 1/2010 và bùng nổ trong dịch Covid-19, "photo dump" - trào lưu đăng ảnh một cách lộn xộn, không chỉnh sửa - chưa bao giờ hết "hot".

Bó hoa tulip đỏ rực giữa một vườn hoa tươi thắm. Miếng bánh cắn dở. Bức tranh ký họa một quán cà phê. Thư viện ngập tràn sách, tọa lạc nơi phố cổ. 

Đây là những bức ảnh trong một bài đăng "photo dump" - chỉ hành động đăng tải nhiều ảnh hoặc video, có thể từ một thời điểm hoặc một sự kiện nhất định, lên một nền tảng chia sẻ ảnh như Instagram, Tiktok hoặc Thread - của Quế Chi (SN 2002, Hà Nội).

Ảnh được đăng lên sẽ không theo thứ tự nào và hầu như không qua chỉnh sửa gì. Người đăng thường không ghi tiêu đề, hoặc ghi tiêu đề rất đơn giản, cũng không giải thích lý do tại sao lại chọn đăng những bức ảnh này. 

Thế hệ thích đăng cả tệp ảnh lộn xộn ở Việt Nam - 1

Những bức ảnh tưởng như ngẫu nhiên, lộn xộn thật ra lại ẩn chứa nhiều thông điệp phía sau (Ảnh: NVCC).

Theo Quế Chi, việc đăng tải ảnh như vậy là cách cô kể lại những điều đã xảy ra trong cuộc sống vào một khoảng thời gian nhất định.

"Các bức ảnh mình chọn để đăng lên là cách mình thể hiện sự trân trọng cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt nhất, như việc mình có mái tóc mới, hay những buổi đi chơi cùng bạn bè, đôi khi là những đồ ăn thức uống mình yêu thích.

Nếu mình cảm thấy những bức ảnh này có vẻ hợp vibe (rung cảm) với nhau, mình sẽ đăng hết trong cùng một bài đăng", cô gái 22 tuổi chia sẻ.

Xu hướng đăng ảnh lộn xộn của Gen Z (Video: TikTok).

Thể hiện cá tính

Giống như Quế Chi, Ngọc Mai (SN 2004, Hà Nội) rất yêu thích trào lưu này. Mai vốn có thói quen đăng ảnh ngẫu nhiên từ trước khi nó có tên gọi "photo dump".

"Bình thường khi đăng ảnh, nếu chỉ có mỗi ảnh bản thân, mình thấy thiếu thiếu điều gì đó nên mình sẽ chèn thêm mấy bức meme (ảnh vui nhộn hài hước, nhằm thể hiện một trạng thái gì đó)", Mai chia sẻ.

Rất nhiều người trẻ hiện nay, đặc biệt là Gen Z (những người sinh năm 1997-2012), coi việc đăng ảnh như một cách để thể hiện cá tính. Theo Ngọc Mai, mọi người hoàn toàn có thể đoán được phần nào tính cách, sở thích, gu thưởng thức của một ai đó qua những bức ảnh họ chọn để đăng tải trên mạng xã hội. 

Nhiều người nổi tiếng trên thế giới cũng không nằm ngoài trào lưu đăng ảnh này.

Rapper Tyler, the Creator không ngần ngại thể hiện cá tính của mình qua những chùm ảnh khá hỗn loạn - từ bức ảnh trong một chuyến du lịch Ý cho đến ảnh "tự sướng" chụp trong phòng tắm, rồi "chốt hạ" bằng một video hài hước. Những chùm ảnh này thu hút ít nhất một triệu lượt thích cho mỗi bài đăng và được kết hợp với nhau rất độc đáo.

Thế hệ thích đăng cả tệp ảnh lộn xộn ở Việt Nam - 2

"Photo dump" của Tyler, the Creator thể hiện rõ cá tính của nam rapper (Ảnh: @feliciathegoat). 

Chống lại chuẩn mực thường thấy

Đều đặn khoảng mỗi tháng một lần, Anh Thư (SN 2002, Đà Lạt) sẽ bắt đầu "xả ảnh", như cách để tổng hợp lại những sự kiện đã diễn ra trong một tháng vừa qua. 

Thư tâm sự: "Mình thường hay đăng những bức ảnh này trên Instagram, nơi chủ yếu là bạn bè hoặc người thân quen với mình, nên đây là cách mình cập nhật cuộc sống, cho mọi người biết mình đang sống thế nào". 

Trước đây, mỗi lần muốn đăng ảnh lên mạng xã hội, Anh Thư sẽ phải suy nghĩ về việc canh góc chụp, ánh sáng, sau đó chỉnh sửa thêm mấy bước nữa. Nhưng giờ đối với Thư, việc đó không còn quan trọng.

"Mình thấy đây cũng là cách kết nối với những người theo dõi mình. Bởi việc đăng những bức ảnh thường ngày thế này thể hiện được nhiều khía cạnh trong cuộc sống của mình hơn những hình chỉ đăng mỗi bản thân mình", Thư nói. 

Thế hệ thích đăng cả tệp ảnh lộn xộn ở Việt Nam - 3

Việc đăng những bức ảnh thường ngày, không qua chỉnh sửa là cách Anh Thư thể hiện con người thật của mình (Ảnh: NVCC).

Mạng xã hội Instagram đã ra mắt tính năng đăng nhiều ảnh từ năm 2017, cho phép người dùng đăng tối đa 10 ảnh vào một bài đăng. Nhưng phải mãi đến nửa cuối 2020, xu hướng này mới thật sự xâm chiếm mạng xã hội. Có vài cách lý giải cho sự bùng nổ này.

Trong thời kỳ dịch Covid-19, chán nản vì mắc kẹt trong 4 bức tường, không có sự kiện gì đáng để chia sẻ, nhiều người đã chuyển qua đăng loạt ảnh thường ngày lên Instagram. "Photo dump" từ lúc này đã trở thành công cụ để chia sẻ câu chuyện của mỗi người, chứ không chỉ để dọn bộ nhớ. 

Nhiều người đã cảm thấy chán nản với sự giả tạo trên mạng xã hội, sự kỳ vọng về chuẩn mực cái đẹp khi mỗi bức ảnh đăng lên đều phải qua rất nhiều sự chỉnh sửa. Việc đăng hình lộn xộn, không theo trật tự cũng là cách người dùng thể hiện con người thật của mình và thêm phần trân trọng những điều nhỏ bé trong đời.

Từ "dump" trong "photo dump" ngụ ý những bức ảnh được đăng lên một cách bừa bãi, không theo quy tắc, nhưng ẩn sau đó là sự kỹ càng trong việc lựa chọn và sắp xếp các bức ảnh.

Vẻ đẹp từ những điều nhỏ bé

Theo nhà xã hội học Erving Goffman, không có cái gì gọi là "thể hiện bản thân một cách ngẫu nhiên". Mọi tương tác của con người, dù có ở trên mạng xã hội hay không, đều cần có quy trình đưa ra quyết định theo một mức độ nào đó. 

Những bức ảnh Quế Chi đăng lên nhìn có vẻ không liên quan đến nhau nhưng thật ra đều đã được cô chọn lọc rất kỹ. Bởi mỗi khoảnh khắc đều ít nhiều chứa đựng cảm xúc cá nhân và thể hiện câu chuyện xuyên suốt.

Vậy liệu việc trải qua công đoạn chọn lọc kỹ lưỡng có làm mất đi tinh thần của "photo dump"? Câu trả lời là không.

Điều đặc biệt của trào lưu này nằm ở những điều ngỡ như tầm thường trong cuộc sống - ánh bình minh buổi sáng, cốc cà phê mới pha, những trang giấy thơm mùi sách - thật ra rất thú vị.

Việc sống chậm lại và tập trung quan sát khiến chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về vẻ đẹp của những điều nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày.

Diệp Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm