“Thay vì ngồi hưởng thụ, bạn trẻ hãy lên tiếng vì môi trường”

(Dân trí) - Cuối tuần qua, hơn 300 học sinh, sinh viên Hà Nội đã tham gia chương trình Ngày hội Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2017 với những phần chia sẻ thú vị và đầy giá trị của các diễn giả tài năng.

Ngày hội Lãnh đạo trẻ toàn cầu (tên tiếng Anh "Global Leadership Activating Day" - GLAD) là chương trình thường niên lớn nhất của tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC tại Hà Nội, nhằm phát triển khả năng lãnh đạo và tư duy chiến lược cho các bạn trẻ có cùng mục tiêu, đem lại cái nhìn sâu sắc những vấn đề mang tính toàn cầu, từ đó định hướng các bạn trẻ trong việc phát triển bản thân.

Chương trình năm nay có chủ đề Lãnh đạo kiến tạo ảnh hưởng với những chia sẻ của diễn giả Đỗ Vân Nguyệt (Giám đốc Trung tâm Live & Learn), tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, tác giả cuốn sách “Bức xúc không làm ta vô can”) cũng như chia nhóm nhỏ thảo luận ở các chủ đề khác nhau như “Tham nhũng, minh bạch và vai trò của giới trẻ”, “phân biệt đối xử - Nguồn gốc ở đâu ra”….

Trong đó, một vấn đề có tính chất nổi cộm và thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ là Biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ở Việt Nam và những đóng góp của người trẻ do Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy (Viện chuyển đổi môi trường Việt Nam, là nghiên cứu sinh tại ĐH Kyoto, từng là giảng viên ĐH Huế, nhà tư vấn quốc tế cho UNISDR, UNCCD, IFAD, ADRC và UNESCO trong việc nghiên cứu chính sách và đưa ra các giải pháp để giảm rủi ro thiên tai …) chia sẻ.


TS. Ngọc Huy chia sẻ về vai trò của bạn trẻ trong việc giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

TS. Ngọc Huy chia sẻ về vai trò của bạn trẻ trong việc giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Qua quá trình nghiên cứu của mình, TS.Ngọc Huy đã đưa ra các hình ảnh và thông tin cho người trẻ hình dung về những tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam.

“Không ai nghĩ rằng một nước nhiệt đới như Việt Nam lại có hiện tượng tuyết rơi. Song tháng 1/2016, tuyết đã rơi ở Lai Châu, lấy đi hầu hết các sinh kế của người dân nơi đây: trâu bò chết, hoa màu hỏng...

Chính quyền đã thay đổi bằng các loại hoa màu chịu lạnh, người dân cũng tiến hành xây dựng những chuồng trại chống rét. Tuy nhiên, mùa đông năm vừa rồi lại không giá rét. Thời tiết thất thường, đã không còn dự đoán được”, anh bày tỏ.

TS.Ngọc Huy còn lấy nhiều ví dụ khác, nổi bật là hiện tượng mỗi tháng 2 lần ngập lụt tại TP.HCM do nước biển dâng, triều cường tăng cao, gia tăng các công trình xây dựng làm lụt các nền đất… Kịch bản dự báo năm 20100 cho thấy, nước biển dâng lên tới 1m, vậy đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn trên diện rộng.

Anh chia sẻ: “Biến đổi khí hậu là thấy được, và gần gũi, chứ không phải là điều gì xa xôi. Chúng ta cần có những động thái cụ thể, và một tầm nhìn dài hạn để có thể phát triển bền vững. Ví dụ, ở ĐB Sông Cửu Long, gần đây chính phủ đã có một số giải pháp từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Vì lúa tốn nhiều nước, trong khi ĐB Sông Cửu Long đang khá thiếu nước ngọt.

Chúng ta xuất khẩu 1 tấn gạo (tương đương 3 tấn lúa) giá trị kinh tế chỉ bằng 100kg thủy sản. Tuy nhiên, chúng ta cần sản xuất sạch, đừng tiêm kháng sinh cho tôm cá, để tiêu thụ ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, từ đó có sự phát triển bền vững hơn.

Từ câu chuyện này, chúng ta nhận thấy rằng, khi nghiên cứu giải pháp biến đổi khí hậu, chúng ta rất cần sự tiếp cận đa chiều, của rất nhiều thành phần khác nhau: nỗ lực chính phủ, nỗ lực các nhóm về doanh nghiệp học thuật và các bên liên quan.

Đó là sự tổng thể, bao gồm các khía cạnh từ nông thôn tới thành thị, từ rừng đến biển, sức khỏe, kinh tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, văn hóa, quản lý nguồn nước, đa dạng sinh học, nuôi trồng thủy sản… Cũng vì vậy, ai đó muốn dấn thân làm việc, đóng góp trong lĩnh vực này, chúng ta luôn tìm được các cánh cửa cơ hội để cống hiến”.

Đặc biệt, TS.Ngọc Huy cho rằng, vai trò của người trẻ là rất lớn trong quá trình giảm thiểu, thích ứng biến đổi khí hậu. Về giảm thiểu, Việt Nam chúng ta chưa phải là đất nước có nguy cơ phát thải cao, so với các nước phát triển khác, nhưng cũng đã có cam kết giảm thiểu rác thải công nghiệp và cam kết trồng rừng, phát triển bền vững.

Còn khía cạnh thích ứng, Việt Nam đang hành động nhiều hơn. Các bạn trẻ đang có vai trò rất lớn trong công tác truyền thông, tiếp cận tới các đơn vị đoàn thể, cộng đồng để nâng cao nhận thức người dân trong việc biến đổi khí hậu, chuẩn bị sẵn sàng thích ứng thiên tai.

Không chỉ vậy, theo TS.Ngọc Huy, ngay cả khi người trẻ không phải là một chuyên gia về biến đổi khí hậu, môi trường, có thể đang là chuyên gia về kinh tế, luật, nông nghiệp… đều có thể tham gia vào quá trình thay đổi những ảnh hưởng về biến đổi khí hậu trong quá trình phản biện cũng như xây dựng các kế hoạch.

“Hay đơn giản hơn, nếu các bạn đang là học sinh, sinh viên, có thể làm từ hành động nhỏ. Bây giờ bạn đang là người trẻ, nhưng 5,7 năm nữa bạn sẽ là người dẫn đầu, chủ chốt trong lĩnh vực, cơ quan bạn đang làm. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi chính bạn, người xung quanh bạn về những động thái giảm thiểu, thích ứng biến đổi khí hậu là điều vô cùng cần thiết.

Các bạn hãy lên tiếng nói! Thay vì để người khác hành động, chúng ta hưởng thụ thành quả người khác mang lại, thì hãy lên tiếng, cùng tham gia các hoạt động mang tính giám sát bảo vệ môi trường. Giờ đây mạng xã hội đã là kênh thông tin rất tốt để có thể lan tỏa những thông điệp, tuy nhiên hãy tìm đến những nguồn thông tin xác thực.

Vấn đề môi trường có rất nhiều điều cần phải làm, nhưng đang thiếu người khởi xướng. Ví dụ nếu bạn đang sống trong một khuôn viên, khu xá, hãy phát triển lên thành phong trào khu xá sạch.

Hay chúng ta suốt ngày phàn nàn về việc Hà Nội ô nhiễm, đốt rơm rạ ngoại thành nhưng chúng ta lại thiếu các sáng kiến của thanh niên tìm hiểu và đưa ra giải pháp để cải tạo nó.

Mình thấy một thông điệp quan trọng cần lan tỏa: Chúng ta có thể làm tốt hơn. Chúng ta cứ nghĩ sẽ làm tốt hơn, thì chúng ta sẽ làm được. Và mình tin rằng, khi có người khởi xướng, mang lại giá trị, thì sẽ có nhiều người theo”, TS.Ngọc Huy khẳng định.

Hoàng Dung