Thầy thuốc trẻ bám bản và những hi sinh thầm lặng
(Dân trí) - Bác sĩ Vũ Hoàng Toàn và y sĩ Tiết Thị Mỹ Trinh là hai trong số 30 tấm gương thầy thuốc trẻ bám bản vùng sâu vùng xa được tuyên dương tại Đại hội Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ 3.
Học tiếng dân tộc để chữa bệnh cho bà con
Bác sĩ Vũ Hoàng Toàn (sinh năm 1980) hiện là Trưởng Trạm Y tế xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Từ thuở bé, anh Toàn đã ước mơ trở thành một bác sĩ để cứu giúp mọi người. Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh thi đỗ vào trường Trung cấp Y tỉnh Yên Bái. Sau khi ra trường, Vũ Hoàng Toàn tình nguyện trở thành thầy thuốc bám bản tại Trạm Y tế xã Xuân Lai, một xã đặc biệt khó khăn của vùng núi cao Yên Bình.
Khi anh mới về công tác, trạm Y tế Xuân Lai chỉ là căn nhà ba gian, rất thiếu thốn các thiết bị y tế. Căn phòng đơn sơ chỉ kê vỏn vẹn chiếc tủ gỗ nhỏ đựng vài lọ thuốc B1, B6, penicillin, clorocid, gói bông, cuộn gạc. Còn anh và các y bác sĩ phải ở nhờ nhà dân.
Anh Toàn chia sẻ: “Tôi không bao giờ quên câu chuyện của buổi đầu nhận công tác, nó cũng là một nỗi đau của người thầy thuốc như tôi. Từng có một sản phụ là đồng bào Cao Lan tới trạm y tế xã để sinh con.
Đến nơi thì chúng tôi mới biết chị ấy đã đau đẻ 2 ngày rồi nhưng theo phong tục sinh con tại nhà nên khi nguy kịch, người nhà chị ấy mới đưa đến trung tâm y tế. Đứa bé đã mất trong bụng mẹ nên chúng tôi chỉ có thể cứu được sản phụ. Dù học tập trong trường y, tôi đã chứng kiến rất nhiều và không còn lạ cảnh sinh li tử biệt nhưng vẫn bị ám ảnh vô cùng”.
Để có thể giúp đỡ bà con trong khám chữa bệnh, anh Toàn đã học ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ nỗ lực, anh được nhân dân địa phương tin tưởng, quý mến. Sau 15 năm bám bản, bác sĩ Toàn đã trở thành người con yêu quý của đồng bào dân tộc thiểu số ở Xuân Lai.
Thầy thuốc người Khmer 7 năm bám bản
Y sĩ, Trưởng trạm y tế Tiết Thị Mỹ Trinh năm nay 32 tuổi. Chị đã có 7 năm gắn bó với nghề thầy thuốc ở trạm y tế xã Kim Sơn (Trà Vinh). Y sĩ Trinh là người tư vấn, cấp thuốc, khám chữa bệnh, điều hành các công việc chung của trạm y tế xã, người gắn bó và gần gũi với nhân dân địa phương nhất. Vì công việc chăm sóc cộng đồng, chị đã hi sinh nhiều điều riêng tư trong cuộc sống.
Chị chia sẻ: "Ai cũng có những khó khăn riêng, nhưng những người gặp khó khăn về sức khỏe rất thiệt thòi. Họ không biết vượt lên bằng cách nào để thoát khỏi những đau đớn, mệt mỏi nếu không có những bác sĩ, những người chăm sóc hay thuốc men. Vì vậy người thầy thuốc phải giúp đỡ họ vượt qua khó khăn".
Đối với công việc, chưa bao giờ chị Trinh nề hà vất vả. Chị thường xuyên phải đi làm vào ban đêm do có những ca cấp cứu đột xuất, kể cả khi không phải ca trực của chị. “Nhiều lúc mình cảm thấy chưa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, người vợ, người con dâu tốt, nhưng nhìn những người đang cần mình, lại không thể cầm lòng”, chị Trinh tâm sự.
7 năm gắn bó với nghề, chị đã từng chứng kiến biết bao người già, trẻ, trai, gái phải chịu nỗi đau của bệnh tật. Chị chỉ ước mong con người ai cũng có sức khỏe để hạnh phúc hơn, bởi khi người ta nghèo, người ta vẫn có thể làm được, có thể vươn lên để thoát nghèo. Còn sức khỏe, khi đã mất đi thì khó có thể lấy lại được để làm những việc khác.
M.C