Người thầy thuốc trẻ 5 năm bám xã nghèo miền biên ải

(Dân trí) - Y sĩ Lưu Trần Ngọc là cán bộ y tế mẫn cán được bà con xã nghèo vùng biên ải tin cậy, gửi gắm tính mạng suốt 5 năm qua.

Thầy thuốc Lưu Trần Ngọc - Y sĩ Trạm Y tế xã Thường Phước 2 (Hồng Ngự, Đồng Tháp) năm nay 27 tuổi, là người trẻ nhất trong số 30 thầy thuốc bám bán tiêu biểu được tuyên dương trong Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.

Chia sẻ về nghề thầy thuốc, anh Ngọc cho hay: "Nghề thầy thuốc chúng tôi không có tuổi. Để học nghề, hiểu nghề cho đến khi thực hành được, chúng tôi mất 5 năm, 10 năm, thậm chí có người lâu hơn nữa, nên trong Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, chúng tôi ước quy định với nhau, những người dưới 45 tuổi, được gọi là thầy thuốc trẻ".

Y sĩ Lưu Trần Ngọc
Y sĩ Lưu Trần Ngọc

Gia đình anh Ngọc là một gia đình có truyền thống phục vụ quân đội Việt Nam. Các anh chị em của anh Ngọc đều theo chân bố vào Quân y. Đến lượt anh Ngọc, anh cũng cố gắng hết sức để được vào học trường Trung học Quân Y 2 (TPHCM). Ngày sau khi tốt nghiệp, anh trở về quê hương Hồng Ngự (Đồng Tháp) để phục vụ bà con nhân dân.

"Ngay từ những ngày còn nhỏ, tôi đã được nghe bố kể câu chuyện khi ông anh làm ngành y trong thời kỳ kháng chiến nên tôi rất hiểu nghề bác sĩ phải hi sinh những gì và hiểu được sự hi sinh của những người lính đối với đất nước này. Đó là động lực với tôi để theo đuổi nghề y", anh Ngọc chia sẻ.

Đến nay, anh Ngọc đã công tác tại Trạm ý tế xã Thường Phước 2 được 5 năm. Đây là một xã nghèo thuộc huyện vùng biên giới Hồng Ngự. Ở mảnh đất này, người dân chưa tiếp cận rộng rãi với các dịch vụ y tế nên những người làm công tác chăm sóc sức khỏe gặp nhiều khó khăn trong công tác.

"Tôi còn nhớ mãi, khi đoàn chúng tôi đi xuống tận địa phương để khám chữa bệnh cho dân, vừa xong nhiệm vụ thì trời mưa to, anh em trong đoàn phải cùng nhau hì hục đẩy xe gắn máy, mang vác trang thiết bị hàng chục cây số về nhà vì đường đi hai bên là bờ đê chỉ có bùn và đất sét. Tuy có cực nhọc nhưng ai nấy đều nở nụ cười tươi hạnh phúc vì mình đã làm được những việc có ý nghĩa", anh Ngọc kể.

Không chỉ vậy, vì đồng bào còn thiếu kiến thức về y học nên công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức vệ sinh, y tế cũng rất khó khăn. Anh Ngọc là người trực tiếp quản lý các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như: truyền thông giáo dục sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, nước sạch và vệ sinh môi trường, quản lý hoạt động của nhân viên y tế ở ấp, huyện và tham mưu cho trưởng trạm… Để làm tốt công tác này, anh Ngọc phải là người gần gũi và được bà con tin cậy.

Cũng chính vì sự tin cậy ấy mà anh Ngọc thường nhận được những cuộc gọi lúc nửa đêm trong thôn, ấp báo có người ốm đau đột xuất. Những lúc như vậy, anh chẳng nề hà đi ngay lập tức. Suốt mấy năm như vậy, người vợ hiền là người luôn ở bên động viên và dành thời gian chăm sóc con gái nhỏ để anh hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh Ngọc nói rằng dù vất vả đến mấy anh cũng không rời bỏ mảnh đất nghèo này nếu có cơ hội được chuyển đến một nơi có điều kiện tốt hơn. "Khi ra trường, quê hương tôi còn nghèo hơn bây giờ, tôi đã hứa sẽ về chính nơi nay phục vụ cho bà con. Tôi sẽ không đi đâu hết!".

Nhiều khi thấy bệnh nhân nghèo cam chịu ốm đau mà nhất định không đi khám, anh Ngọc lại bỏ tiền túi ra mua thuốc và khám chữa giúp. Trong những năm qua, anh Ngọc và đồng nghiệp đã khám chữa và cấp thuốc miễn phí cho hơn 7.000 người dân.

Mai Châm