Thầy Khắc Hiếu tư vấn “chuyện khó nói” của SV làm thêm
(Dân trí) - Trong quá trình làm thêm, sinh viên gặp phải nhiều khó khăn và rủi ro. Thạc sĩ tâm lý Khắc Hiếu đã có những chia sẻ, tư vấn giúp các bạn trẻ vượt qua những trở ngại này để có công việc tốt.
Thầy có ý kiến như thế nào về việc sinh viên đi làm thêm?
Mình rất thích những sinh viên có khả năng “song kiếm hợp bích” - vừa học tốt vừa chịu khó đi làm thêm. Đó là những em có tinh thần tự lập và phụ giúp gia đình, hoặc những em chịu khó đi một ngày đàng để học được một sàng khôn.
Theo thầy, có phải đi làm thêm, sinh viên mới rèn luyện được kỹ năng mềm?
Bạn cứ tưởng tượng cuộc đời là một thân cây, mỗi nhánh cây là một dạng hoạt động. Cuối mỗi nhánh là một loại quả khác nhau. Bạn đi nhánh này sẽ hái quả này, bạn đi thêm nhánh khác sẽ có thêm quả khác để bỏ vào trong chiếc giỏ hành trang sống của mình. Càng trải nghiệm thì càng biết nhiều.
Như vậy, bạn muốn có kỹ năng thì phải hoạt động. Làm thêm, công tác xã hội hay học tập trên lớp cũng là hoạt động. Hoạt động càng phong phú thì kỹ năng càng đa dạng.
Nhiều sinh viên làm các công việc đã gặp phải vấn đề tiêu cực hay bỏ lỡ thời gian ra trường do ham mê làm thêm. Thầy nghĩ sao hiện trạng này?
Có hai dạng việc làm thêm:
Một là những công việc làm thêm chỉ để kiếm tiền. Khi đó, bạn phải nhận thức tiền là phụ còn việc học hành mới là chính. Tiền là phương tiện còn học hành là mục đích.
Ngồi trên giảng đường, “tiền nhiều nhưng ít chữ” thì ra trường khó tư duy lại người ta. Còn bây giờ “nhiều chữ - ít tiền” thì cái đầu có chất, về lâu dài sẽ có lợi hơn. Do đó cần làm thêm vừa phải để khỏi ảnh hưởng tới học hành. Tỉ lệ 7 học : 3 làm chẳng hạn.
Hai là việc làm thêm có liên quan đến chuyên môn, hoặc để trau dồi kỹ năng mềm để sau này sẽ ứng dụng vào công việc thì đó cũng là học tập để nâng cao thực lực.
Tuy nhiên, trong xã hội chúng ta đang tồn tại nửa vời giữa hai thứ: Bằng cấp và Thực lực. Nếu có thực lực mà không có bằng cấp thì khởi nghiệp sẽ khó. Còn chỉ có bằng cấp lý thuyết mà thực lực yếu ớt thì sẽ không tồn tại lâu dài. Do đó, có thể phân chia tỉ lệ 6 học : 4 làm chẳng hạn.
Với những bạn làm các công việc “nhạy cảm”, cần như thế nào để giữ mình, thưa thầy?
Điểm hấp dẫn lớn nhất của những công việc đó là sẽ có nhiều tiền nhưng bù lại nó sẽ có nhiều nguy cơ làm ta sa ngã hay bị lạm dụng. Vì vậy, muốn làm những công việc này thì phải có bản lĩnh nói “không” với cám dỗ và cái xấu.
Ngoài ra, bạn có thể hạn chế “sự cố” xảy ra bằng vài động tác: Thỏa thuận rõ ràng với chủ lao động việc gì sẽ làm, việc gì là nằm ngoài phạm vi công việc. Bên cạnh đó, khi bị khách dụ dỗ, lôi kéo, cần từ chối khéo léo.
Hoặc nếu bị đeo bám, cần nhờ chủ lao động giải quyết hoặc từ chối thẳng thắn và kiên quyết. Mình chỉ bán sức lao động chứ không bán thân, không bán nhân phẩm, không bán tương lai, không bán danh dự gia đình.
Theo thầy Hiếu, nói chuyện hợp đồng với chủ thuê lao động là cách chứng tỏ sự chuyên nghiệp, cẩn thận của bạn.
Nhiều bạn sinh viên đi làm thêm không được nhà tuyển dụng đảm bảo quyền lợi bằng các hợp đồng, mà chỉ bằng lời nói nên dễ bị lừa. Vậy theo thầy, các bạn nên đặt vấn đề thế nào?
Bạn hoàn toàn có thể đề nghị bằng cách đặt câu hỏi: “Anh thấy mình cần bản thỏa thuận hợp tác bằng văn bản chứ ạ? Em cũng muốn anh yên tâm khi tuyển em, nhiều bạn bỏ việc giữa chừng thì sẽ thiệt thòi cho bên anh”.
Đây là quyền lợi chính đáng của cả hai bên nên cũng đừng có gì ngại cả. Chỉ có nhà tuyển dụng gian dối mới ngại nhắc đến hợp đồng. Việc đề nghị có văn bản hợp tác là một hành động chứng minh bạn là người chuyên nghiệp, cẩn thận. Nếu đối tác là một nhà tuyển dụng chân chính, họ sẽ đánh giá cao đề nghị này của bạn.
Ngoài ra, bạn có thể cùng những người làm thêm khác cùng đề nghị, đông người nói sẽ đỡ ngại và lời đề nghị có sức nặng hơn.
Đặc biệt, đi làm thêm nhưng mình cũng có giá trị của mình, bạn nên chọn những trung tâm việc làm có uy tín, có giấy tờ để trao niềm tin và sức lao động của mình để khỏi bị lợi dụng và lừa gạt trong khi xã hội còn lắm kẻ lọc lừa.
Theo anh, mỗi tuần sinh viên nên làm thêm bao nhiêu thời gian để có thể cân bằng được việc học tập và rèn luyện thực tế?
Bạn hãy cố gắng sắp xếp thời gian theo hai cách:
Một là: Sắp xếp chậu thời gian. Nếu bạn có một cái chậu và 3 vật liệu: cát, đá và sỏi; bạn sẽ xếp theo thứ tự nào để cả ba vào chậu đầy nhất có thể? Ấy chính là: Đá – Sỏi – Cát. Cái chậu ấy là 24 giờ/ngày; đá là những việc quan trọng, sỏi là những việc vừa vừa, cát là những việc lặt vặt linh tinh.
Ta phải loại bỏ những “kẻ cắp thời gian” như facebook, game, phim…để tiết kiệm thời gian mà hoàn thành cả hai việc lớn. Ngoài ra, bạn có thể xếp thời gian biểu: sáng đi học, tối đi làm hoặc ngược lại sao cho hai bên khỏi “đụng” nhau.
Hai là: tìm cách học khôn ngoan nhất khi quỹ thời gian hạn hẹp như: học vào thời gian giải lao, lồng ghép trong lúc làm việc, hay học thông qua ghi âm và đeo headphone.
Bạn nên hạn chế ghi chép trên lớp mà thay vào đó là hiểu và hỏi, rồi mượn vở bạn photo lại, … Mỗi người mỗi cảnh, nên nghĩ ra cách học hợp nhất với chuyên ngành và thời gian có hạn của mình.
“Cái khó ló cái khôn”, sự khó khăn này sẽ là cơ hội tuyệt vời để giúp bạn phát triển kỹ năng quản lý thời gian và tư duy sáng tạo để học hiệu quả nhất. Rất nhiều sinh viên đã lập nghiệp ngay trong lúc ngồi trên giảng đường mà vẫn tốt nghiệp ngon lành.
Cảm ơn thầy về tư vấn bổ ích cho các bạn SV!
Hoàng Dung