Sinh viên làm thêm và mặt trái khó lường

(Dân trí) - Sinh viên làm thêm có thu nhập, lại được nhiều trải nghiệm quý giá nhưng cũng tồn tại và nảy sinh không ít những hệ lụy rất đáng tiếc, ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống.

Sức khỏe suy giảm, học hành sa sút

 

Trần Văn (CĐ Sài Gòn) vì muốn kiếm thêm thu nhập đã làm phục vụ tại một quán karaoke 4 tháng. Công việc của Văn là đón tiếp khách, giúp khách chọn bài hát, đem đồ theo yêu cầu của khách, rót bia, …

 

Ở đó có 2 ca, nhưng vì ban ngày phải đi học nên Văn làm ca tối, từ 17 – 24h, mỗi tháng thu nhập gần 2 triệu. Văn chia sẻ: “4 tháng đi làm là 4 tháng mình thức khuya, ngủ ít, ăn uống tùy tiện.

 

Mỗi ngày mình về đến phòng đã là 1h sáng, dậy lúc 6h cho kịp giờ đi học, ngủ mỗi đêm chỉ được 3,4 tiếng. Ra lớp mình ngủ gật hàng tiết liền, có những ngày mệt quá còn nghỉ học ở nhà ngủ cho lại sức”.

 

Buổi trưa về mệt nên bạn ăn uống qua loa, có hôm bỏ bữa, ngủ liền một giấc chiều đi làm. Cơ thể Văn vì thiếu ngủ mà trở nên uể oải, mệt mỏi trong suốt một thời gian dài. Do nghỉ học nhiều nên kỳ đó, bạn phải thi lại rất nhiều môn.

 

Văn kể rằng trong quá trình làm không tránh khỏi tác động của những trường hợp mâu thuẫn, xây xát giữa khách với nhau, ảnh hưởng đến mình. Thấy họ to tiếng, đánh nhau, bạn vào can ngăn nhưng bị vạ lây.

 
Không ít bạn trẻ như Văn gắng sức mình làm thêm để trang trải sinh hoạt, học tập.
Không ít bạn trẻ như Văn gắng sức mình làm thêm để trang trải sinh hoạt, học tập.
 

Còn Lê Văn Giang (ĐH Công nghiệp) từng làm công việc thỏa mãn niềm đam mê của bản thân: trông coi quán net. Vì gia đình khó khăn, không có đủ điều kiện để mua máy tính, lại ham chơi điện tử nên bạn quyết định hy sinh giấc ngủ đêm của mình vào công việc này.

 

Giang cho biết: “Thời gian ấy, mình cứ thức liên miên từ 22h – 6h sáng mới nghỉ. Lương khá cao hơn các công việc khác nên mình ngày càng bỏ bê học hành. Chiều mới đi học nên buổi sáng mình tranh thủ ngủ được mấy tiếng nhưng người ngày càng phờ phạc, mệt mỏi, học hành không tập trung”.

 

Gần một năm làm công việc này, Giang cho biết thường xuyên bị đau đầu, hỏi bác sĩ mới biết mắc chứng bệnh suy nhược thần kinh do ăn ngủ không đảm bảo. Hiện tại Giang vẫn còn trong thời gian học và ôn thi trả nợ môn. Sức khỏe kém vậy, Giang học hành không tập trung nên đã ra trường chậm mất một năm.

 

Còn Hoàng Văn Hiếu (ĐH Bách khoa Hà Nội) khá may mắn hơn Văn và Giang khi tìm được công việc khá lý tưởng tại công ty chuyên về phần mềm, đúng như ngành nghề mình học.

 

Bạn bè ai cũng mừng cho Hiếu vì thu nhập khá cao so với mức các công việc bán thời gian khác của sinh viên hiện nay. Chỉ trong vòng 3 tháng, cậu bạn đã đổi được chiếc điện thoại trắng đen sang một nhãn hàng thời thượng.

 

Song tâm lý và kết quả học tập của Hiếu sa sút thấy rõ từ khi đi làm. Hiếu bày tỏ: “Có làm rồi mới biết, cái gì cũng có cái giá của nó. Công việc đòi hỏi cường độ làm việc cao nên Hiếu thấy mức lương người ta trả so với công sức, thời gian với cái giá mình phải trả còn bèo bọt.

 

Khối lượng công việc nhiều, áp lực cao nên hàng ngày về nhà, mình phải làm thêm. Không chỉ vậy, kiến thức không đủ, mình còn phải liên tục tìm hiểu rất nhiều tài liệu liên quan, chẳng còn thời gian dành cho học hành nữa.

 

Vì căng thẳng, tâm trạng mình thấy ức chế, hay cáu gắt, dễ nổi nóng hơn trước rất nhiều. Bạn bè do vậy cũng ít chơi với Tùng hơn hẳn. Mình đang đắn đo xem có nên bỏ công việc này để tìm nơi khác nhẹ nhàng, phù hợp với sinh viên hơn không”.

 
Nữ sinh làm PG gặp không ít những tình huống quấy rối giữa ban ngày.
Nữ sinh làm PG gặp không ít những tình huống quấy rối giữa ban ngày.
 

Nghề nhạy cảm và những “tai họa” khó lường

 

Làm PG cho một hãng thuốc tại các quán bia, bar, vũ trường, … Nguyễn Mai (CĐ Du lịch Hà Nội) đã quyết định xin nghỉ chỉ sau một tuần đầu tiên. Hà cho biết trong quá trình đi mời chào, rao bán thuốc ở quán bia, giữa bao nhiêu người, dù là ban ngày, Trang vẫn bị sàm sỡ.

 

Hà chia sẻ: “Đây là công việc không chỉ đòi hỏi có ngoại hình mà còn phải biết ăn nói, thuyết phục được khách hàng. Mình chọn lựa công việc này, cũng đã xác định trước đây cũng là một công việc khá “nhạy cảm” nhưng vẫn không ngờ phải là nạn nhân của những trò quấy phá này.

 

Trong quá trình làm việc, Hà phải mặc váy ngắn, màu mè bắt mắt để gây chú ý cho khách hàng. Đấy chưa kể đến việc mình đã bị gạ gẫm thẳng thừng, trơ trẽn trong những bar.

 

Thấy nhiều bạn làm PG cho công ty trong những sự kiện, trong những hội chợ giới thiệu sản phẩm rất đàng hoàng, lịch sự. Cũng là do mình chọn lựa công việc, môi trường không tốt thôi nên mình từ sau phải suy nghĩ, cân nhắc chọn lựa kỹ để không gặp phải tình huống như vậy nữa”.

 
Nữ sinh làm PG gặp không ít những tình huống quấy rối giữa ban ngày.

Cho dù nghề PG lương thưởng khá hấp dẫn nhưng nhiều bạn gái chấp nhận chọn việc làm thêm khác để tránh rắc rối không cần thiết.
 

Tranh thủ hơn một tháng hè rảnh rỗi, Nguyễn Hoa (Viện ĐH Mở Hà Nội) xin vào quán bia làm phục vụ bàn. Nhờ có ngoại hình xinh xắn, thái độ cởi mở, nhiệt tình, thỉnh thoảng bạn còn được thưởng thêm tiền.

 

Nhưng cũng không ít lần Thủy bị những khách hàng khiếm nhã sau khi đã uống nhiều bia trêu chọc. Thủy cho biết: “Các khách hàng này mỗi khi uống bia ngà ngà thường nói những lời bất lịch sự hay đụng chạm, khiến mình sợ và bực lắm, phải gọi chủ quán can thiệp.

 

Sếp ngỏ lời mời Thủy tiếp tục công việc, nếu bận học thì tạo điều kiện làm theo ca. Lương của mình cũng được hơn 2 triệu một tháng nhưng chạy đi chạy lại mệt lắm lại còn sợ khách hàng làm phiền nữa nên hết tháng này mình sẽ nghỉ luôn”.

 

Để tìm được việc làm thêm đã không dễ dàng, công việc có đảm bảo tốt cho sinh viên không lại càng khó. Hy vọng rằng các bạn sẽ có những sự lựa chọn khôn ngoan khi quyết định làm thêm để đảm bảo được sức khỏe, kết quả học tập và giữ được mình trong những môi trường phức tạp!

 

Hoàng Dung