Thầy giáo sinh viên ở xóm Sở Thùng
Tuy không học ngành Công tác xã hội nhưng Mai Bảo Trung (năm thứ tư, ngành Chế tạo ô tô, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) đã 3 năm tham gia các hoạt động tình nguyện.
Trung đang quản lý dự án đồng hành dạy học không chỉ về kiến thức mà cả kỹ năng sống cho các em ở xóm Sở Thùng (Bình Thạnh, TP.HCM). Đây là một xóm nghèo, công việc chính của hầu hết người dân trong xóm là đi lượm rác và ve chai từ những bãi rác kiếm sống qua ngày.
Xung phong nhận nhiệm vụ khó
Trung chia sẻ: “Đã từ lâu, mình nhận thấy việc học và việc đến trường của trẻ em ở những nơi khác nhau thì không được công bằng như nhau. Với nhiều nhóm trẻ em, kỹ năng và sự nhận thức về cuộc sống vô cùng quan trọng”.
Khi được biết CLB Công tác xã hội Nhân Ái có một dự án đồng hành với trẻ em tại xóm Sở Thùng đang trong quá trình khảo sát và rất cần người, Trung xin được làm dự án này để tham gia dạy học cho các em.
Khi nhận nhiệm vụ, những khó khăn đến với Trung và câu lạc bộ mới thực sự bắt đầu. Muốn gây dựng lớp học, Trung đến từng nhà, từng gia đình trong xóm để vận động và thuyết phục người dân đồng ý cho mình và các bạn trong câu lạc bộ dạy học. Ban đầu, vì không có nơi để dạy, Trung và các bạn đã xây dựng các lớp học “dã chiến”, ngay tại nhà dân.
Nhóm chia ra mỗi nhà một bạn, dạy con em trong chính ngôi nhà đó. Trung cho biết: “Nhà của người dân là nhà thuê nên rất nhỏ. Mỗi gia đình rất đông người. Có nhà đến hơn 10 người sống chen chúc trong 10 mét vuông. Họ làm nghề bới rác nên rác rất nhiều xung quanh, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Mọi người đi qua đi lại, các em không có góc học tập riêng nên khó tập trung học được”.
Trung đã tìm đến ngôi chùa gần đó để xin chùa cho mượn nơi dạy học. Anh bạn đã được các nhà sư ủng hộ rất nhiệt tình. Giấc mơ về một nơi dạy học kiến thức và kỹ năng cho các em trong xóm Sở Thùng của Trung đã thành hiện thực.
Lập ra một lớp học tại xóm lao động nghèo, có tình hình an ninh trật tự phức tạp đã khó khăn nhưng việc duy trì lớp học còn khó khăn hơn. Những đứa trẻ nơi đây đã quen với cách sống không lề lối, không khuôn phép, quen với những buổi dậy sớm thức khuya cùng cha mẹ, lang thang nhặt ve chai mưu sinh. Các em cũng quen với sự ô nhiễm, phức tạp từ môi trường sống, từ những tệ nạn xã hội. Gò các em vào nguyên tắc, nắn nót từng con chữ, tập làm từng bài toán là điều cực kỳ khó khăn.
Trung chia sẻ: “Mình chỉ cần có thái độ nghiêm khắc một chút là các em sẽ phản ứng ngay, với thái độ rất tiêu cực. Các bạn giáo dục viên dễ nản lòng, bỏ cuộc liên tục khiến câu lạc bộ thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu tình nguyện viên”.
Đồng cảm và thương
Dù khó khăn nhưng Trung và các bạn tình nguyện viên còn lại vẫn cố gắng, không ngừng tuyển thêm các bạn tình nguyện viên kiên trì và có tâm, đồng thời, nhóm cũng gây quỹ cho dự án Đồng hành với trẻ em xóm Sở Thùng.
Trong lớp học của Trung, đã có những em học sinh rất giỏi, rất chăm ngoan. Một số em có hộ khẩu đi học ở trường thì liên tục nhận được giấy khen học sinh giỏi. Trung và câu lạc bộ cũng đang cố gắng xin thêm học bổng để hỗ trợ cho các em.
Trung chia sẻ: “Hồi bé, mình cũng từng có quãng thời gian phải đi bán vé số, làm thợ sắt khi gia đình lâm vào cảnh khó khăn nên mình hiểu rất rõ những hoàn cảnh như thế này. Ngay lần đầu tiên đến đây, mình cũng đã rất muốn làm điều gì đó cho các em. Mong rằng, tương lai các em sẽ tươi sáng hơn.
Tụi mình còn gây các loại quỹ khác nhau để tổ chức chương trình cho các em trong xóm đến Thảo Cầm Viên, Đầm Sen, bảo tàng… để giáo dục và nâng cao kỹ năng, nhận thức của các em về các vấn đề trong cuộc sống chứ không chỉ là dạy kiến thức trong sách vở”.
Gian khổ sẽ dành phần ai?
Đang là sinh viên năm thứ tư, gia đình và bạn bè đều khuyên nhủ Trung dừng công việc giáo dục viên cho trẻ em nghèo Sở Thùng để tập trung vào việc học. Thế nhưng, đều đặn 5 buổi/tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu, Trung vẫn di chuyển một quãng đường xa, từ quận Thủ Đức đến quận Bình Thạnh dạy học cho các em.
Khi được hỏi là có bao giờ bạn cảm thấy nản? Trung cười: “Đúng là mình gặp khá nhiều khó khăn khi phải thuyết phục gia đình và đảm bảo việc học lẫn tình nguyện đều phải cân bằng như nhau.
Hơn nữa, năm nay là năm cuối, mình phải đi thực tập mà ngành học lại chẳng liên quan đến công việc tình nguyện này, mình cũng hơi lo lắng. Nhưng mà, nếu mình bỏ cuộc thì ai sẽ làm tiếp. Tìm việc dễ thì khỏe rồi nhưng gian khó sẽ dành cho ai?”.
Vốn đam mê kinh doanh, khi mới chân ướt chân ráo lên thành phố học, Trung cùng một số bạn bè hùn vốn bán hoa tươi dịp 8/3. Thời gian đó, CLB Công tác xã hội Nhân Ái cũng đi bán hoa tươi gây quỹ và đặt hàng bán đối diện hàng hoa của Trung. Thế là lúc vắng khách, không bán được hoa, Trung chạy sang đó nói chuyện với các bạn của câu lạc bộ. Sau đó, Trung gia nhập chính câu lạc bộ này.
Trung đã tham gia nhiều hoạt động của Nhân Ái như: Tổ chức như phát cơm chay miễn phí tại công viên, đi thăm các em ở các mái ấm, góp sức tổ chức các chương trình nhân dịp Trung Thu, Noel, Tết và rất nhiều chương trình đi xa để giúp đỡ, ủng hộ người dân gặp khó khăn.
Lên đến năm thứ hai, khi biết đến lớp học dành cho trẻ em con công nhân tại Tân Lập tại Làng Đại học Thủ Đức của ông Tư (một thầy giáo về về hưu), Trung và một số bạn thành viên trong câu lạc bộ cùng tham gia giúp đỡ, hỗ trợ ông.
Từ đây, những trăn trở về giáo dục và trẻ em nghèo trong Trung càng ngày càng mạnh. Trăn trở đó đã biến thành hiện thực, với mô hình dạy học ở xóm Sở Thùng, như hôm nay. |
Theo Bích Ngọc
Sinh viên Việt Nam