Thanh niên khởi nghiệp: Đừng ngồi trong tối, mơ một ngày thay đổi thế giới
(Dân trí) - Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyên các bạn trẻ khởi nghiệp: "Đừng bao giờ ngồi trong bóng tối, mơ về một ngày thay đổi thế giới".
Nhằm định hướng tư duy và áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp với nòng cốt là lực lượng đoàn viên thanh niên, trong khuôn khổ lễ trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2020, ban tổ chức chủ trì diễn đàn "Chuyển đổi số từ nông nghiệp: Động lực từ thanh niên".
Diễn đàn là dịp để thanh niên nông thôn được giao lưu, lắng nghe các đại biểu khách mời là lãnh đạo các cơ quan bộ, ban, ngành về chuyển đổi số trong nông nghiệp; vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp; chuyển đổi số trong nông nghiệp trên thế giới diễn ra như thế nào; những yếu tố quyết định thành công cho quá trình số hóa và thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển… nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới.
Tại diễn đàn, nhiều vấn đề sẽ được đưa ra trao đổi, thảo luận như: bối cảnh thế giới và cơ hội cho khởi nghiệp nông nghiệp, từ đó nêu rõ vấn đề chuyển đổi số nông nghiệp và vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong bối cảnh hiện tại.
Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) động viên thanh niên nông thôn tích cực làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Ông cho rằng khởi nghiệp trong nông nghiệp phải đi cùng nhau, không thể đi một mình mà thành công.
"Cần phải chia nguồn lực để cho nhiều người cùng tham gia thì mới có thể nhân lên lợi nhuận. Đừng sợ hợp tác với người khác, hãy chia sẻ ý tưởng của mình với đối tác để cùng có cơ hội phát triển", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khuyên các bạn trẻ: "Đừng bao giờ ngồi trong bóng tối, mơ về một ngày thay đổi thế giới". Ông Hoan cho rằng, sáng tạo trong khởi nghiệp, chuyển đổi số nông nghiệp là yếu tố không thể thiếu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra, suy nghĩ đổ thừa cho người khác cũng là một trong những nguyên nhân thất bại của các thanh niên khởi nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan nói: "Khởi nghiệp khi còn trẻ có số vốn nhỏ nhưng phải suy nghĩ kĩ càng để dự án hoàn thiện, có nhiều cơ hội thành công từ doanh nghiệp nhỏ. Từ nhỏ làm nên cái lớn. Đừng thấy người ta làm mà mình cũng ham lao vào làm ngay một cách không suy nghĩ. Nếu như vậy là "khởi nghiệp luôn mà sập tiệm ngay"".
Cùng với đó, diễn đàn cũng dành nhiều thời gian để đại biểu trao đổi, chia sẻ nội dung cốt lõi của chuyển đổi số trong nông nghiệp; nhận diện cơ hội và từ đó nêu lên những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nêu vấn đề dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm, có thể tăng trưởng âm 4.9% trong năm 2020 ( suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái 1930). Tuy nhiên, trên thực tế như vậy ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà phát triển tốt đạt 2.93% trong quý III.
Ông Lê Đức Huy, Ban Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp số (VIDA) cho biết, biến đổi về dịch bệnh cũng như biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng rất lớn tới nông nghiệp. Nhưng khi kinh tế quốc gia gặp khó khăn thì nông nghiệp lại đóng vai trò lớn làm trụ đỡ.
Ông Huy nói rằng, để phát triển nông nghiệp trong thời đại số hóa, từ các khâu cây con giống, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, chúng ta cần phải thay đổi để thích ứng. Đầu tiên, về mặt công nghệ cần ứng dụng vào cây giống, con giống để ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Bên cạnh đó phải đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc… Số hóa giúp chúng ta tăng năng suất, giảm giá thành để cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.
Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXHVN) là một trong rất nhiều tổ chức tín dụng đang tham gia vào thực hiện chính sách của Chính phủ hỗ trợ thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Hải nhận định xu hướng hiện tại là đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Nuôi lợn, trồng lúa, trồng ngô hiện nay cũng phải ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo sử dụng vốn cho hiệu quả.
Mặc dù số vốn mà NHCSXH giúp đỡ có thể chưa đáp ứng được nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh của các bạn trẻ nhưng sẽ là bệ đỡ cho khát vọng làm giàu của thanh niên.
Đoàn viên, thanh niên thông qua Đoàn cơ sở đều có thể tiếp cận vốn vay của NHCSXH nhưng phải là vay vốn sản xuất kinh doanh thật sự.
Chị Nguyễn Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên Nông thôn TƯ Đoàn cho biết: Trong thời gian vừa qua, T.Ư Đoàn đã hỗ trợ và tạo động lực to lớn, thúc đẩy cộng đồng thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp trong cả nước và thanh niên nông thôn nói riêng.
Ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT nói: "Chúng tôi nhận thức rằng đây là giai đoạn rất thích hợp để chuyển đổi số thành công.
Nông nghiệp được lựa chọn là 1 trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số quốc gia. Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng lộ trình chuyển đổi số ở từng bước, từng khâu; đồng thời có những đề án cụ thể đổi với những vấn đề quan trọng như truy xuất nguồn gốc, blockchain trong nông nghiệp, quản lý thời gian thực (realtime) trong nông nghiệp…".
Ông Toản khẳng định, nông nghiệp hiện đại sẽ tập trung vào giá trị sản phẩm chứ không cố gắng thúc đẩy năng suất, sản lượng như trước đây. Để tăng chất lượng sản phẩm thì phải áp dụng công nghệ. Chính vì vậy, người làm nông nghiệp phải coi số hóa nông nghiệp là trách nhiệm.
"Chúng tôi mong muốn những đối tượng chịu tổn thương trực tiếp như bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải nâng cao năng lực, số hóa từ bậc thấp nhất để tạo thành chuỗi giá trị toàn diện", ông Toản nói.