“Thành ngữ tuổi teen” có lệch chuẩn tiếng Việt?

(Dân trí) - Theo PGS.TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình, tiếng lóng và ngôn ngữ chat trên TG từng được xem xét đưa vào bộ từ điển Oxford thì việc các chuyên gia ngôn ngữ VN cần nghiên cứu kỹ về cách sử dụng từ, thành ngữ của bạn trẻ hiện nay là cần thiết.

“Ngôn ngữ tuổi teen” có lệch chuẩn tiếng Việt?

 

Với những câu nói cửa miệng của giới trẻ hiện nay như Chuẩn không cần chỉnh, Cướp trên giàn mướp hay nhục như con trùng trục…nhiều người tỏ ý lo ngại về tính trong sáng của tiếng Việt mà giới trẻ hiện nay đang sử dụng.

 

Tuy nhiên trong cuộc hội thảo mới đây về ngôn ngữ của giới trẻ thời “a còng”, PGS.TS ngôn ngữ học Phạm Xuân Tình lại cho rằng, những “thành ngữ tuổi teen” như trên đã sử dụng chất liệu văn hóa dân gian.

 
“Thành ngữ tuổi teen” có lệch chuẩn tiếng Việt? - 1
"Thành ngữ tuổi teen" tạo nên những luồng ý kiến trái chiều về sự trong sáng tiếng Việt.
 
Lấy ví dụ từ câu hò vè dân gian Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú là chú bồ các hay mất tí da là ba đồng sáu, mất tí máu là sáu đồng tư… hoàn toàn chỉ nhằm mục đích vui thú bởi sự hiệp vần dù không có chút ý nghĩa nào, vị PGS.TS ngôn ngữ này khẳng định ngôn ngữ giới trẻ thời “a còng” đã đi vào đời sống và là một đặc sản của thời công nghệ hiện đại.
 

Trái với đánh giá về vấn đề trong sáng tiếng Việt mà nhiều người nghi ngại, ông cho rằng tiếng lóng hay ngôn ngữ tuổi teen nói chung không phải chỉ có giới trẻ mà người lớn cũng sử dụng hay trong công tác nghiệp vụ công an, việc sử dụng tiếng lóng là hoàn toàn chấp nhận được trong một bộ phận, cộng đồng người nhất định.

 

Hơn thế nữa, cũng theo ông Phạm Xuân Tình, “chuẩn ngôn ngữ” không có nghĩa là bất biến mà sẽ biến thiên theo thời gian và hoàn cảnh xã hội. Thế nên mọi người không nên lấy yếu tố cũ để đánh giá ngôn ngữ tuổi teen là “lệch chuẩn”.

 
“Thành ngữ tuổi teen” có lệch chuẩn tiếng Việt? - 2
Theo PGS.TS Phạm Xuân Tình, hãy coi đây là sản phẩm trí tuệ dân gian và thời gian sẽ quyết định sự tồn tại của "ngôn ngữ tuổi teen".
 

Ông phân tích: “Ngôn ngữ nói chung hay ngôn ngữ của giới trẻ thời ‘a còng’ là sản phẩm trí tuệ dân gian, cần được thu nạp và trong quá trình sử dụng, chính cuộc sống sẽ đào thải. Ví dụ cách đây không lâu, từ “hết xảy” và “hơi bị” từng được áp dụng mạnh mẽ nhưng dần dần, những từ này cũng thưa dần trong ngôn ngữ cuộc sống”.

 

Lấy ví dụ từ thuyết tương đối của nhà bác học A. Einstein từng bị phản đối dữ dội nhiều năm trước khi được cả thế giới công nhận, vị PGS đến từ Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho rằng “ngôn ngữ giới trẻ nằm trong sự phát triển chung của xã hội VN, đó là xu hướng của bạn trẻ nhưng dưới góc độ XH là hiện tượng đặc biệt.

 

Nếu các bạn trẻ dùng quen sẽ trở thành ngôn ngữ đại trà và chúng ta cũng nên chấp nhận mở rộng tiếng Việt ở một biên độ nhất định để tạo nên tiếng Việt phong phú hơn”.

 

Có nên đưa “ngôn ngữ tuổi teen” vào từ điển tiếng Việt?

 

Trước một số ý kiến tại hội thảo cho rằng, nếu ngôn ngữ tuổi teen không “lệch chuẩn” thì các chuyên gia ngôn ngữ có nên xem xét đưa vào từ điển tiếng Việt hay không, PGS.TS Phạm Xuân Tình chia sẻ: “Là sản phẩm dân gian, ngôn ngữ có cơ chế tự chọn lọc của riêng nó. Thời gian sẽ “gạn đục khơi trong”, những yếu tố tích cực sẽ được giữ lại và thừa nhận rộng rãi.

 
“Thành ngữ tuổi teen” có lệch chuẩn tiếng Việt? - 3

Những câu nói như Chuẩn không cần chỉnh, cướp trên giàn mướp...ít nhiều được bạn trẻ sử dụng và chấp nhận trong đối thoại hiện nay.
 

Không phải ngẫu nhiên mà tiếng lóng và ngôn ngữ chat được đưa vào bộ từ điển lớn như Oxford, đó là sự ghi nhận chính thức ngôn ngữ mới đã dung nhập vào đời sống sau một quá trình chọn lọc đủ lâu dài.

 

Hay tại Pháp vốn “dị ứng” với từ gốc tiếng Anh nhưng trong khi biên soạn từ điển mới đây, viện hàn lâm nước này cũng đã cân nhắc để đưa vào những từ tiếng Anh được sử dụng rộng rãi bởi chính người Pháp”.

 

Hơn thế nữa, theo ông Tình, tại Việt Nam, các học giả, chuyên gia ngôn ngữ mới đây cũng biên soạn cuốn từ điển riêng về từ ngữ mới. Những từ như “cơm dù”, “năm ăn năm thua”…trước kia chỉ là câu nói cửa miệng nhưng sau đó đã được  sử dụng trên văn bản ở những mức độ nhất định.

 

Thậm chí cách đây 10, 20 năm, những thuật ngữ về máy tính chưa hề tồn tại ở Việt Nam nhưng nay đã được chấp nhận rộng rãi như “con chuột”, “bộ vi xử lý”…thì việc mọi người nên bình tĩnh nhìn nhận lại về ngôn ngữ giới trẻ là điều hết sức cần thiết, không nên phủ nhận cho dù không phải tất cả những câu nói tuổi teen đều đã hay.

 

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, “thành ngữ giới trẻ” hiện nay có xuất phát từ đặc điểm sâu xa của ngôn ngữ tiếng Việt, đó là khả năng hiệp vần.

 

Hơn nữa, giới trẻ thường nhanh nhạy nắm bắt cái mới, họ lại khao khát chứng tỏ mình, mong muốn khẳng định sự độc đáo cá nhân bằng những cái mới lạ. Như vậy, sự hình thành ngôn ngữ giới trẻ thời hiện đại cũng là một hiện tượng tất yếu dễ hiểu.

 

Quan trọng hơn, sự xuất hiện của ngôn ngữ mới đôi khi lại là công cụ hữu ích giúp con người chuyển tải các sắc thái ý nghĩa mới, có thể coi đó là “ngôn ngữ tối thiểu nhưng tạo hiệu ứng tối đa trong một khoảng thời gian nhất định”.

 

 “Chúng ta hãy cảm ơn tiếng Việt. Tiếng Việt của chúng ta hình thành từ trong lòng mẹ đưa nôi. Mỗi người hãy mang tình yêu đó đi theo suốt cuộc đời mình, để ‘tiếng Việt còn thì nước ta còn’ như lời học giả Phạm Quỳnh đã nói.

 

Trách nhiệm của các bạn trẻ là sáng tạo, chọn lọc, tiếp thu để ngôn ngữ giới trẻ thời ‘a còng’ đóng góp “đắc địa” cho tiếng Việt, để con cháu chúng ta được thừa hưởng như chúng ta được thừa hưởng di sản tiếng Việt đẹp đẽ từ ông bà, cha mẹ của mình”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên kết luận.

 

Lê Trường