Thảng thốt khi mẹ vay nóng 30 triệu đồng để con ..."khoe mẽ" ngày Tết
(Dân trí) - Trung biếu mẹ 3 triệu đồng tiền Tết. Bà bũi môi đẩy lại rồi đưa cho anh 30 triệu đồng để mừng tuổi cho xông xênh và quan trọng hơn là cho mẹ ... đỡ mất mặt.
Làm biên tập viên tại một nhà sách ở TPHCM, Nguyễn Văn Trung, 30 tuổi về quê ở miền Trung đón Tết với tâm lý nặng nề.
Bản thân anh hài lòng với công việc và cuộc sống của mình, dù thu nhập không cao, nhất là năm rồi khó khăn hơn vì bị ảnh hưởng. Với công việc này, anh được sống đúng với sở trường, năng lực, đặc biệt là được thỏa sức đam mê đọc sách của mình.
Vậy nhưng, với mẹ anh, đó là một sự thất bại, là nỗi xấu hổ, là sự giày vò. Bà chán chường khi con làm việc ở Sài Gòn nhiều năm, vẫn ở nhà thuê, không giàu có như nhiều người.
Gặp bạn bè con, những người có nhà có cửa, xe cộ là bà khó chịu, thở dài, tràn trề thất vọng: "Hắn cũng ở Sài Gòn như bây mà giờ..."
Mọi năm về quê, anh đưa vài triệu biếu mẹ liền bị mẹ chê lên chê xuống. Rồi việc anh chỉ mừng tuổi cháu chắt 20.000 đồng kèm cuốn sách, không sắm cái này cái kia, không có gì để khoe họ hàng với mẹ anh là "làm xấu mặt bố mẹ".
Biết quan điểm, suy nghĩ của mình với mẹ trái nhau nên anh chỉ cười mong qua chuyện. Nói gì ra mẹ anh cũng sẽ giận hờn, khó chịu.
Vậy nhưng, năm nay về Tết, mọi thứ đã vượt quá khả năng chịu đựng của anh khi mẹ ngày càng hình thức.
Khi anh vừa xuống sân bay, mẹ anh đã yêu cầu con đi taxi về tận nhà chứ không được đi xe bus vì "người ta cười cho". Anh tính mặc kệ nhưng taxi đã đón tận nơi do mẹ anh đặt từ trước.
Về nhà, anh ngơ ngác khi nghe bà con lối xóm chúc mừng đã mua được nhà, năm nay ăn Tết to. Hóa ra, mẹ anh khoe con trai lên chức trưởng phòng, đã mua nhà Sài Gòn. Bà nói con: "Trong đó ai biết thế nào, đừng hở ra mà xấu mặt mẹ".
Trung biếu mẹ 3 triệu đồng tiền Tết. Bà bĩu môi đẩy lại rồi đưa cho anh 30 triệu đồng để mừng tuổi cho xông xênh và quan trọng hơn là cho mẹ ... đỡ mất mặt. Bà bắt Trung cầm tiền của mình cho vợ chồng anh chị 10 triệu đồng, còn lại lì xì cho cháu chắt, hàng xóm ít nhất phải 50.000 đồng... để mẹ đỡ mang tiếng.
Anh thấy vô cùng khó xử, nói mình không thể làm vậy được. Mẹ anh uất ức: "Tao phải đi vay tiền để cho mày đỡ mất mặt rồi, chỉ việc tiêu thôi. Nghèo không làm được gì ra hồn còn sĩ diện".
Điệp khúc "tuổi này con nhà người ta nhà lầu, xe hơi báo đáp cha mẹ, còn mày thì..." lại được mẹ lặp lại đầu uất ức, đau khổ.
Anh hiểu, những gì mẹ làm không phải vì con mà vì bà quá thất vọng về anh theo tiêu chí thành công của mình là phải giàu có, nhiều tiền. Mẹ làm vậy để khỏi mất mặt, sợ mang tiếng nọ kia...
Những giá trị khác của anh như lối sống giản dị, sống tử tế, đàng hoàng không những không được mẹ ghi nhận mà còn xem đó như là nỗi ngượng với hàng xóm.
Tránh dịch, anh Trung dự tính năm nay ở nhà đến hết tháng Giêng âm lịch mới tính tiếp nhưng anh quyết định đổi vé, quay lại thành phố sớm với nỗi đau đáu trong lòng, với khoảng cách với mẹ rất khó hàn gắn...
Áp lực với rất nhiều người có khi không đến từ bên ngoài mà đến từ chính cha mẹ, người thân. Điều khó nhất với những đứa con chính là làm hài lòng mẹ cha.
Nhiều khảo sát chỉ ra, con trẻ bị stress, trầm cảm chủ yếu xuất phát từ yếu tố gia đình, từ kỳ vọng, đòi hỏi đến cay nghiệt của mẹ cha.
Nhiều đứa con không dám sống thật là chính mình, không chia sẻ hoàn cảnh thật của mình với chính gia đình cũng vì áp lực.
Nhiều đứa con ở thành phố làm công nhân, chạy xe ôm nhưng phải nói với cha mẹ là làm việc này việc kia, ông này bà nọ. Về nhà phải gồng mình lên thật cho sáng láng, phải thể hiện mình dù rằng có thể phải đi vay mượn đủ kiểu để chiều lòng mẹ cha, thể hiện với làng xóm.
Họ không dám từ chối, nói không trước những đòi hỏi, yêu cầu kể cả vô lý của bố mẹ.
Sự hiếu học, thành công ngay này được nhiều người hiểu là phải kiếm được nhiều tiền - chứ không phải là hạnh phúc! Báo hiếu nghĩa là phải báo bằng nhà lầu, xe cộ.
Trong khi, cách tốt nhất báo hiếu với cha mẹ là con cái phải sống hạnh phúc, sống đàng hoàng, sống an toàn, sống thật, sống tử tế. Nhưng có khi, để làm được vậy, có khi con cái phải bước qua được đòi hỏi, kỳ vọng từ mẹ cha.
Tết nhất, không ít đứa con không dám hoặc nặng trĩu bước chân khi trở về nhà vì không đối diện nổi với ánh mắt so sánh, thất vọng từ chính người thân của mình...