Tết lại về, nhiều năm rồi con không được gọi hai tiếng "cha ơi"…
(Dân trí) - Tết đến Xuân về, người ta đoàn tụ sum vầy bên gia đình, cũng còn đó những cuộc "gặp gỡ" chỉ qua giấc mơ và nhớ thương. "Mùng 1 Tết cha", con trở về, mong dáng cha hao gầy trong tiềm thức mênh mang…
Ngày đầu năm, như một điều thường niên, con đều lật mở những bức ảnh cũ kỹ, đã bạc phếch vì thời gian chạy xoẹt qua. Năm ấy, con 17 tuổi, rồi cho đến khi con sang lưng chừng đoạn dốc tuổi trẻ, nét mặt cha thì vẫn mãi hồn hậu tuổi 56. Chục năm trôi qua ngỡ như một cái chớp mắt vậy.
Mỗi lần trở về nhà, trong ký ức của con là hình ảnh cha ngồi trước thềm nhà, bận bộ đồ màu xanh lá cây đã sờn vai, đôi tay sần sùi những vết chai, mái tóc cha lấm tấm sợi bạc.
Những mảnh kỷ vật cha từng trân quý, con vẫn luôn mang theo trên mọi hành trình. Bởi con an tâm rằng, dù giông gió, thử thách ập đến thì cha mãi cạnh bên, cho con động lực để vượt qua tất cả.
Dường như năm nào, con cũng dành một khoảng lặng đầy xúc cảm nhất để viết về cha. Nỗi đau mất đi người thân, chỉ những ai trải qua sinh ly tử biệt mới thấu hiểu.
Thời gian có thể khiến vết cắt ấy mờ đi đôi phần, nhưng những mất mát thì chẳng bao giờ nguôi ngoai. Những câu từ vỗ về nỗi nhớ, những xúc cảm ầng ậc thương mong ấy, ở nơi xa kia, chắc cha sẽ nhận được?
Tết dù ở năm tháng nào, cũng đều có những dấu ấn ngọt ngào đẹp đẽ, mà ấm áp nhất có lẽ là được ăn bữa cơm đoàn viên. Mấy năm nay, nhà mình ít người hơn, chỉ có mẹ và con. Gần chục năm cha đi xa, nhưng trong câu chuyện của cả nhà thì dường như cha vẫn ở đó, bên tách trà nóng, cười hiền như đất.
Mỗi năm, sau khi gói đủ những chiếc bánh vuông vức, cha đều làm thêm mấy chiếc bánh bé xinh cho các con thơ được thưởng thức trước. Bánh chưng cũng vì thế trở thành một phần ký ức gắn liền với bóng hình cha mà con trân yêu mãi suốt cuộc đời này.
Con nhớ, những đêm canh nồi bánh chín, cha lại kể những câu chuyện xưa cũ - đó là bài học về sự giản dị, về lòng biết ơn. Những chuyện cha kể, dường như bồi đắp phần nào tình yêu văn học trong con.
Khi con chưa hiểu hết sự đời, cha buông mặc thế giới đi về một nơi xa xôi, xa đến nỗi con không tưởng tượng được. Mỗi năm, con đều ngắm lại nét chữ cha khai bút ngày mùng 1 như một cách để vỗ về rằng, cha vẫn ở nhà. Năm ấy, tuổi 17, con trở thành đứa trẻ thiếu cha.
Mỗi người, dù trưởng thành, đi đến nơi nào thì vẫn mãi là những đứa trẻ trong mắt của mẹ cha. Tết trở thành dịp để chúng ta trở về, để yếu mềm trong vòng tay cha, để nũng nịu trong lòng mẹ.
Nhưng bạn cũng hãy nhớ rằng, thời gian không để một ai trở thành ngoại lệ. Vết chân chim hằn lên mắt mẹ ngày càng dày, đôi tay cha đầy những chai sạn cuộc đời.
Năm mới đến, là khi người ta dọn dẹp lại tàn dư của năm cũ, sắp xếp những điều chưa trọn vẹn để chào đón chặng đường mới.
Cũng chính dịp Tết, người ta bước chậm lại, hiểu được rằng, tình thân thiêng liêng và cao cả đến nhường nào. Yêu thương chưa bao giờ là muộn, có chăng cách thể hiện của mỗi người một khác mà thôi.
Đừng đợi đến khi mất đi rồi mới hối tiếc, mọi ăn năn lúc ấy chỉ còn là tiếng nấc nghẹn trong tim. Dù bận rộn đến đâu, cũng hãy sắp xếp để trở về bên gia đình. Tết sẽ vẹn nguyên ý nghĩa khi cả nhà quây quần, cùng nhau chào đón một năm mới bình an.
Và những đứa trẻ không may thiếu vắng hơi ấm của cha vào Tết này, hãy cứ kiêu hãnh sống một cuộc đời tử tế. Bởi ở nơi xa kia, cha là ngôi sao sáng, luôn dõi theo mỗi bước ta đi…