Teen Hà thành và những cuộc nhậu xuyên đêm - Bài 2: Quán nhậu "vây" cổng trường đại học

Bủa vây cổng trường đại học cao đẳng, nơi tập trung số lượng lớn người trẻ, những quán nhậu này đã tạo nên thói quen “ăn nhậu vỉa hè” và đã trở thành sàn diễn tự nhiên giúp các "đệ tử lưu linh" phô diễn cái tôi...

Nhậu 4 -5 ngày/tuần

 

Điển hình nhất trong số đó phải kể đến những con phố như Tạ Quang Bửu, Đại Cồ Việt, Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Kim Liên, Xã Đàn (Đống Đa) nơi tập trung đông khá nhiều trường đại học, cao đẳng và là địa điểm tập kết nổi tiếng của dân nhậu.

 

Với ưu thế nằm cạnh các trường đại học lớn, có đông nam sinh như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa, Đại học Xây dựng, lượng khách luôn nườm nượp đổ về các quán ăn từ hàng có thương hiệu, tên tuổi như Nhắng nướng, lẩu đêm, đến những quán cóc lụp xụp, liêu xiêu. Đa phần trong số đó là những cô cậu sinh viên.

 

Mồi nhậu ở mức giá bình dân nên những quán ăn này khá được lòng khách hàng teen. Để tiện cho khách hàng cân đối chi tiêu, các quán ăn còn treo sẵn bảng giá được in sơ sài trên miếng bạt cỡ 1 mét vuông: lòng, nầm, bò, ba chỉ đều có giá chung từ 45 - 50.000 đồng/đĩa.

 
Giới trẻ Hà thành đắm chìm bên bàn nhậu.
Giới trẻ Hà thành đắm chìm bên bàn nhậu.
 

Theo Nguyễn Công Mạnh, một nam sinh trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ thì có đến 4 -5 ngày trong tuần cậu tụ tập cùng chiến hữu của mình ở đây.

 

Đầu tháng, khi mới nhận trợ cấp của bố mẹ, bữa nhậu của Mạnh và bạn bè cũng vì thế mà đàng hoàng hơn, xôm tụ hơn. Thực đơn chính thường là một nồi lẩu thập cẩm có giá 300 nghìn đồng, một vài món rau cùng dăm chai rượu voodka. Bữa nhậu rẻ nhất "ngốn" khoảng 50 – đến 150 nghìn đồng/người.

 

"Cuối tháng kinh tế eo hẹp hơn thì chỉ cần bát ốc luộc, dăm chiếc nem chua rán cùng với đĩa củ đậu cũng có thể thành "mồi" để anh em tỉ tê tâm sự", Mạnh nói.

 

Càng về đêm những quán nhậu càng trở nên tấp nập, ồn ào hơn, tiếng hò dô không ngớt, xen vào đó là những câu khích bác, cà khịa trong hơi men. Rượu, bia không chỉ hấp dẫn với nam sinh mà nhiều nữ sinh cũng đắm mình trong hơi men để thể hiện cái tôi của mình.

 

"Yêu không được đáp lại, cũng uống. Bị người yêu chia tay, lại càng phải uống. Theo em thấy, con trai uống rượu "nát" một thì con gái say rượu "nát" mười. Mè nheo, khóc lóc, la hét, đập phá... cấp độ nào cũng có cả. Chỉ nhìn thấy cũng đủ rùng mình rồi", bạn Đạt (sinh viên Học viện Ngân hàng) chia sẻ.

 

“Ô nhiễm” môi trường học đường

 

"Bát ngát" trong các cuộc nhậu cùng chiến hữu, ngốn không ít tiền bạc nhưng Đinh Văn Linh (Đại học Kinh tế kĩ thuật Công nghiệp Hà Nội) mặc nhiên coi đó là nhu cầu thiết yếu của bản thân.

 

Mới bước sang năm thứ hai đại học nhưng thành tích ăn nhậu của cậu còn được bạn bè biết đến nhiều hơn là bảng kết quả học tập với không ít môn thi lại mỗi học kì. Đã 2 lần say rượu, bị ngã xe phải nằm viện nhưng vẫn chưa đủ để làm bài học cho cậu trai trẻ tránh xa bia, rượu.

 

Nổi bật hơn cả là cái tôi nói lớn với dàn đồng thanh “dzô dzô”, nói tục chửi thề và những cú “kungfu” khi xô xát bên bàn nhậu. Mớ âm thanh lớn hỗn tạp từ quán nhậu cộng thêm mùi bia rượu, mùi thức ăn… theo gió “tra tấn” cả một khu vực dân cư xung quanh cho đến tận quá nửa đêm, có nơi gần sáng đến khi quán nhậu đóng cửa.

 

Chủ quán nhậu vỉa hè thường bỏ ngoài tai tất cả những than phiền và bất bình về những ảnh hưởng tiêu cực của quán nhậu đến cuộc sống sinh hoạt bình thường của cộng đồng dân cư để "chiều lòng" thượng đế trẻ.

 

Không ít những cuộc xô xát, án mạng giữa sinh viên đã xảy ra chỉ vì sự tác động của hơi men trên bàn nhậu.

 

“Chỉ cần bước chân ra khỏi cổng trường, nhà trọ là dịch vụ được phục vụ đến tận răng, quán nhậu mọc lên san sát.

 

Sự tiện lợi này vô tình đã trở thành hiểm họa khôn lường đe dọa môi trường học đường và lối sống xa hoa, hưởng thụ của một bộ phận giới trẻ, đồng thời là điều kiện để phát sinh những hệ lụy đáng tiếc”, một nam sinh viên chia sẻ.

 

 (còn nữa)

Theo Ngọc Linh

Tuổi trẻ thủ đô