Tay kéo “lục thủ” và thu nhập 50 triệu/tháng
Có phần gàn khi quyết định không thi đại học mà chọn cái nghiệp cầm kéo sửa tóc cho thiên hạ từ hồi học phổ thông, nay Thanh Monaco lại giật gân khi mỗi ngày chỉ cắt 6 mái đầu.
Từ cột trụ lan can
Thanh Monaco (vì yêu CLB bóng đá Monaco nên mới có biệt danh như vậy) tên thật là Phạm Ngọc Thanh sinh năm 1986, ngay từ khi học lớp 10 đã chia sẻ với mọi người về ý định gắn bó với nghề cắt tóc. Gia đình và bạn bè đều ái ngại chuyện lập thân bằng kéo, tông-đơ của Thanh.
“Mình là đứa khá bướng bỉnh và để thuyết phục mọi người mình càng nỗ lực hơn”, Thanh nói. Không được học nghề bài bản, Thanh tự mày mò tập tành. Thanh dành tiền ăn sáng mua được một cây kéo; dùng cột lan can gác xép trong nhà làm ma-nơ-canh, xé ni-lông, giấy báo làm sợi tóc giả để tập cắt cho thẳng hàng. Anh còn tập luyện kỹ năng sử dụng kéo trên lông gà, lông vịt.
Tốt nghiệp PTTH, Thanh không thi đại học. Năm 2004, anh vay vốn mở một tiệm cắt tóc ở góc phố Tân Mai.
Tiệm cắt tóc đầu tiên của Thanh đơn giản với chiếc biển bằng gỗ có kích thước vừa đủ để viết chữ: Cắt tóc NT (cắt tóc nghệ thuật) và bộ đồ nghề chẳng mấy nhiều nhặn.
Không ngừng nỗ lực, giờ đây Thanh đã trở thành ông chủ của một cửa hàng tóc khá tiện nghi trên phố Lạc Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và có ba “đệ tử”. Cửa hàng trở thành địa chỉ quen đối với nhiều người.
Thanh cho biết, thời gian đông khách, mỗi tháng trung bình thu nhập không dưới 50 triệu đồng. Trên các diễn đàn mạng như Trái tim Việt Nam Online, webtretho, lamchame… Thanh Monaco được bình chọn là một trong số top 5, top 10 cây kéo nổi bật ở Hà Nội.
Bên cạnh đó, ông chủ salon tóc này cũng tự đặt ra quy định khá “oái oăm” là mỗi ngày chỉ tự tay cắt tóc, làm tóc cho 6 khách hàng.
“Đây không phải là sự kiêu căng mà là sự tôn trọng khách hàng, trách nhiệm với nghề và bản thân. Cắt tóc, tạo mẫu cần có sự sáng tạo và thời gian, không thể vì chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng”, Thanh chia sẻ.
Nói về bí quyết thành công, Thanh cho hay đó là sự đam mê và biết tận dụng những tiện ích của internet. Ngay từ những ngày đầu, để tạo được lối đi riêng trong nghề tóc, Thanh đã tự mày mò, quan sát và tìm hiểu tài liệu hướng dẫn các kiểu cắt, cách chăm sóc, phối màu… trên các trang web nước ngoài.
“Lúc đầu vốn tiếng Anh ít, mình tra từ điển, dịch từng từ, ghép lại thành câu, rồi ghi chép lại để thực hành”. Thanh mở điện thoại di động và khoe: “Ngay trong chiếc điện thoại của mình cũng có các chương trình phần mềm liên quan việc tư vấn cách chăm sóc các loại tóc, kiểu tóc, màu tóc đối với từng khuôn mặt. Điều này cùng với kinh nghiệm thực tế đã giúp ích cho mình rất nhiều”.
Đến giấc mơ salon tóc chuyên nghiệp
Đằng sau nguyên tắc mỗi ngày chỉ phục vụ 6 khách hàng của Thanh là dự định về một salon tóc có phong cách làm việc hoàn toàn mới và đầy “mạo hiểm”: phục vụ và thu tiền dựa trên mức độ hài lòng của khách hàng.
Ông chủ trẻ này cho hay: “Nếu khách hoàn toàn hài lòng, mình sẽ thu theo giá quy định; còn nếu không hài lòng với chất lượng phục vụ của cửa hàng, khách được quyền miễn trả công”.
Anh cho rằng, điều này sẽ tạo động lực cho bản thân mình cũng như nhân viên cửa hàng nỗ lực hoàn thiện hơn trong phong cách và thái độ làm việc.
“Đã xưa như Diễm thời một số ít người giỏi nghề muốn phục vụ khách hàng thế nào cũng được. Dần dần, mặt bằng tay nghề sẽ ngang nhau, nơi nào phục vụ tốt hơn sẽ thu hút và giữ chân được các vị khách”, Thanh lý giải.
Việc phục vụ 6 khách hàng một ngày cho phép ông chủ này có thời gian chăm sóc gia đình nhỏ của mình và quan trọng hơn là có thời gian cho những kế hoạch nhỏ để thực hiện giấc mơ một salon tóc chuyên nghiệp như học tiếng Anh một cách bài bản, hay đọc những cuốn sách về kinh doanh, kinh nghiệm thành công của các doanh nhân…
Ông chủ này cũng ấp ủ và từng bước chuẩn bị thực hiện dự định xuất ngoại để tiếp thu phong cách làm việc chuyên nghiệp của những thợ cắt tóc phương Tây. “Đó vừa là cơ hội học nghề vừa học lề lối làm việc, văn hóa phục vụ để có thể định hình phong cách cho sự nghiệp cắt tóc và salon tóc của mình”, Thanh nói.
Theo Mai Xuân Tùng
Tiền phong