Tân sinh viên tăng tốc “cuộc đua” tìm nhà trọ

(Dân trí) - Vừa biết điểm thi Đại học nhiều tân sinh viên đã mau chóng bước vào “cuộc đua”… tìm nhà trọ.

Đến thời điểm này, mặc dù hầu hết các trường chưa công bố điểm chuẩn chính thức nhưng nhiều thí sinh đã nhận định được phần nào khả năng đỗ, trượt của mình.

 

Đầu tháng 8, hầu hết các trường ĐH chưa bước vào năm học mới, đây cũng là thời điểm nhiều sinh viên tốt nghiệp trả phòng về quê, cơ hội tìm nhà trọ dễ hơn. Cũng vì thế mà nhiều thí sinh tỉnh lẻ ngay lập tức cùng bố mẹ một lần nữa “khăn gói quả mướp” lên thủ đô để tìm nhà trọ.

 

Thời gian gần đây các phòng trọ thuộc dạng căn hộ chung cư mini đang là mục tiêu săn tìm của sinh viên. Sở dĩ là vì chung cư mini thoáng mát, vừa đủ diện tích sử dụng, không quá rộng và đắt đỏ như các chung cư thông thường.

 

Tân sinh viên tăng tốc “cuộc đua” tìm nhà trọ - 1
Các nhà trọ cấp 4 theo kiểu nhà dãy, lợp fibro xi măng, vệ sinh chung, bức bối, nóng nực ở khu Xuân Thủy thấp nhất cũng đã có giá 800.000đ/tháng.

 

Các phòng thuê trong chung cư mini có mức giá dao động chủ yếu từ 1.700.000đ – 3.500.000đ hoặc hơn. Thậm chí nếu chịu khó tìm kiếm, nhiều bạn còn tìm được những phòng có giá 1.500.000. Diện tích các phòng dao động từ 12m2 - 25m2.

 

Nguyễn Thị Cẩm Linh, cựu học sinh lớp 12 Pháp - THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương dự thi khoa tiếng Pháp, ĐH Hà Nội đạt 28,5 điểm. Nếu chiếu theo điểm chuẩn từ các năm trước thì điểm của Linh thừa đỗ.

 

Nắm bắt được thực tế càng gần đến ngày nhập học phòng trọ càng khan hiếm, gia đình đã vội vã đi tìm nhà trọ cho Linh ngay sau khi biết điểm.

 

Giống như nhiều bạn khác, Linh bị rơi vào một “mê cung” những nhà cho thuê nhưng không nhiều nhà trọ phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Nhà đẹp, tiện nghi thì lại không cho nấu nướng, nhà thì chỉ nhận nam sinh viên thuê trọ,…

 
Tân sinh viên tăng tốc “cuộc đua” tìm nhà trọ - 2
Các phòng trong chung cư mini đang được nhiều SV hướng tới.
 

Nguyễn Hằng vừa có em họ thi xong CĐ Công nghiệp HN, thậm chí ngay khi chưa có kết quả Hằng đã được người nhà khoán cho đi tìm nhà trọ 2 triệu - 2 triệu rưỡi cho 2 chị em ở.

 

Hằng đã lên mạng tìm thông tin nhà cho thuê thì hiện ra một loạt địa chỉ, tuy nhiên không ít địa chỉ trên mạng, mặc dù có ghi “miễn trung gian” nhưng khi gọi đến lại là dịch vụ nhà đất.

 

Vậy là Hằng phải nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè, gặp ai cũng hỏi, để status tìm nhà trọ trên Facebook, Y!M,.. Cuối cùng một cô bạn cấp 3 của Hằng cho biết còn thừa một phòng trong căn nhà 3 tầng mà nhóm bạn thuê chung. Giá điện, nước nhà thuê dạng này lại được tính theo giá Nhà nước nên Hằng đã quyết định hết hạn nhà trọ cũ sẽ chuyển đến ngay.

 
Tân sinh viên tăng tốc “cuộc đua” tìm nhà trọ - 3

Càng bước vào năm học mới, những thông tin về chỗ ở ngày càng nhiều.
 

Vân Trang (Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết: “Nhóm bạn thân của em đỗ ĐH, CĐ gần hết, bạn không đỗ thì cũng sẽ đi học Trung cấp nên chúng em cũng đang tìm một căn nhà khoảng 4 triệu đổ lại.

 

Có hai chỗ chúng em đang cân nhắc, đều biệt lập với chủ. Điện, nước không bị tính giá điện kinh doanh nhưng phải đóng tiền nhà 3 tháng một lần luôn. Nếu đồng ý thuê thì chúng em phải chấp nhận để không nhà mà vẫn phải đóng tiền trong gần tháng vì đã đứa nào nhập học đâu, nhưng muốn chắc chắn có chỗ thì phải vậy”.

 

Chỗ ở vẫn luôn là vấn đề làm đau đầu không ít tân sinh viên và phụ huynh mỗi mùa nhập học bởi số lượng phòng trong KTX có hạn, chưa kể đến việc nhiều trường “trắng” KTX, nhiều dự án nhà ở cho SV còn đang chậm tiến độ. Bao giờ nhà trọ được niêm yết giá? Bao giờ SV hết khổ vì kiếm tìm chỗ ở vẫn còn là câu hỏi chưa dễ trả lời trong một sớm một chiều.

 

Một số kinh nghiệm “bỏ túi” cho tân SV tìm nhà trọ

 

Hãy cảnh giác trước những thông tin từ “cò” đất. Một kinh nghiệm cho bạn nếu muốn biết thông tin giới thiệu trên mạng có phải là từ “cò” hay không, bạn có thể copy dòng thông báo hoặc địa chỉ đó rồi tìm kiếm trên google.

 

Nếu những thông tin đó xuất hiện nhiều lần và với tần suất dày đặc, có nhiều nhà cho thuê và khi gọi điện tới họ không miêu tả rõ được cho mình đặc điểm của ngôi nhà thì nhiều khả năng là cò nhà đất.

 

Để tìm được nhà ưng ý, thay vì ngồi nhà tìm trên mạng bạn nên trực tiếp dạo một vòng quanh những khu trọ sinh viên để tìm kiếm. Những lưu ý thiết thực cho tân SV khi tìm nhà là nhà phải cao ráo, nếu phòng quá thấp, hệ thống thoát nước không tốt, cẩn thận bạn sẽ phải “tát nước” sau mưa đấy.

 

Khéo léo hỏi thăm các phòng bên cạnh hoặc hàng xóm xem tình hình an ninh có tốt không, ở mùa hè có nóng bức không,…

 

Yêu cầu chủ nhà dọn phòng sạch sẽ trước khi bạn chuyển đến vì đó là quyền lợi của bạn. Khi đặt cọc tiền, nên yêu cầu chủ nhà viết giấy cam đoan, trong đó rõ ràng điều khoản nếu mình không thuê nữa thì số tiền đặt cọc có được nhận lại hay không.

 

Nhiều bạn cho rằng số tiền đặt cọc nhỏ nên cũng bỏ qua luôn việc này. Nhưng trên thực tế nhiều chủ trọ thấy lợi trước mắt, nhận tiền đặt cọc của nhiều người cùng lúc nên đến lúc bạn chuyển tới thì phòng đã có người khác thuê mà tiền đặt cọc cũng “một đi không trở lại”.

 

Khi đã quyết định thuê phải làm hợp đồng rõ ràng và nên có sự tham dự của bố mẹ hoặc các anh chị có kinh nghiệm đi thuê nhà. Kiểm tra kĩ tình trạng các thiết bị trong nhà và làm rõ khi đường điện, nước hỏng thì phía nào sẽ có trách nhiệm sửa chữa. Chốt số điện ngay từ ngày đầu tiên chuyển đến, tránh trường hợp phải trả thêm lượng điện tiêu thụ của người ở trước đó.

 

Phương Nhung