Tâm thư trải lòng nhân ngày Nhà báo của phóng viên trẻ

(Dân trí) - “Ngày còn bé, em đã mơ ước trở thành một nhà báo. Ước mơ ấy cứ theo dần qua năm tháng, cho đến khi trưởng thành. Và rồi, em hiểu, để có thể cầm bút vững vàng, cũng phải trải qua nhiều gian khó, khóc - cười ra nước mắt…”

Đó là những dòng đầu trong bức thư chúng tôi nhận được dịp ngày Báo chí Cách mạng của Diệp Thùy (SN 1992) - một nữ phóng viên trẻ mới bước vào nghề báo, có hơn hai năm cộng tác với một số tòa soạn tại Hà Nội.

 

Cô đã chia sẻ những suy nghĩ và trải nghiệm của mình trong suốt hai năm tiếp xúc và sống trong nghề báo. Có thể đây không phải là điều mới mẻ nhưng từng dòng bộc bạch của Diệp Thùy cũng chứa đựng đầy cảm xúc và niềm tin với nghề.

 

“Ngày còn bé, em đã mơ ước trở thành một nhà báo. Ước mơ ấy cứ theo dần qua năm tháng, cho đến khi trưởng thành. Và rồi, em hiểu, để có thể cầm bút vững vàng, cũng phải trải qua nhiều gian khó khăn, khóc - cười ra nước mắt…

 

Từng mất định hướng trong một thời gian dài vì nhìn thấy một màu xám, và nghề bản thân luôn mong ước theo đuổi, lại chẳng hoàn toàn như những gì mình suy nghĩ, mong đợi. Đây đó là những bài viết thổi phồng để câu view, là vô vàn tin tức “cướp, giết, hiếp”, “tiền, tình, tù, tội” khi lật giở nhiều trang thông tin hàng ngày.

 

Song khi bước vào nghề, em lại trải nghiệm những điều đáng quý, thậm chí mới mẻ, từ đó nuôi dưỡng dần niềm tin. Đó là những triết lý nhân văn khi ta dấn thân tìm hiểu.

 

Có thể là câu chuyện xúc động của một người bình thường, nhỏ bé, là tình yêu vượt lên trên sự phản đối gia đình và định kiến xã hội hay tấm lòng thơm thảo, hết lòng giúp đỡ những con người thiếu may mắn trong xã hội…
 
Tâm thư trải lòng nhân ngày Nhà báo của phóng viên trẻ

"Và mỗi câu chuyện sâu sắc của những cuộc đời nhỏ bé nhưng cũng đầy lớn lao ấy, dạy cho bản thân em thật nhiều điều trong cuộc sống. Đó là sự trân trọng về những gì bản thân đang có, là sự lạc quan và chân tình của những người công nhân, là niềm khao khát và đam mê theo đuổi điều mình thích của những người trẻ tuổi..."

 

Làm báo, cũng có nghĩa phải chuẩn bị tâm lý đối phó với những ánh mắt nghi ngờ, những câu nói chất vấn và thiếu niềm tin từ nhân vật, những người xung quanh. Đến tận giờ, trong vài cuộc gặp gỡ lớp cũ, em vẫn nghe vài câu định kiến kiểu như “Nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”.

 

Đã từng tức giận, “xù lông” để tranh cãi, thuyết phục đến cùng nhưng càng lớn, em càng luyện cho mình ánh mắt, thái độ bình thản và tự tin với ngành nghề, con đường mình đã chọn.

 

Và làm báo, cũng có nghĩa phải luôn đối mặt với những rủi ro trước không ít tai nạn nghề nghiệp khó tránh đỡ. Chẳng thiếu những lần thót tim khi bị đập máy ảnh, dọa đánh đập khi làm điều tra làm thực phẩm bẩn.

 

Đó là những giây phút, ngày tháng sống trong lo lắng, thấp thỏm trong người vì sợ bị trả thù, người thân bị liên lụy vì một bài phản ánh sự thực về nhóm, đường dây lạm dụng công quỹ, trục lợi cá nhân nơi mình sinh sống.

 

Từng nghe: “Sau những vất vả, hy sinh trong nghề, người làm báo sẽ nhận lại vinh quang không gì sánh được”, và em hiểu, vinh quang ấy không phải danh tiếng, phần thưởng lớn lao, mà chính bằng tình người, tình đời và cả niềm hạnh phúc khi được trải nghiệm, sẻ chia…

 

Làm báo, giản dị thế thôi nhưng đối với em là hai từ đẹp đẽ và thiêng liêng. Em được tiếp xúc với nhiều người, ở những môi trường khác nhau. Đó là những người lái xe ôm, là những người công nhân miệt mài, vất vả với trăm ngàn mối lo trong những khu công nghiệp lớn, là số phận vượt lên bằng nghị lực phi thường hay những chàng trai, cô gái tài năng có mong muốn được thể hiện bản thân mình…

 

Và mỗi câu chuyện sâu sắc của những cuộc đời nhỏ bé nhưng cũng đầy lớn lao ấy, dạy cho bản thân em thật nhiều điều trong cuộc sống. Đó là sự trân trọng về những gì bản thân đang có, là sự lạc quan và chân tình của những người công nhân, là niềm khao khát và đam mê theo đuổi điều mình thích của những người trẻ tuổi. Mọi thứ thật trong sáng và đẹp đẽ đến vô ngần.

 

Rồi em lại mong đợi mỗi ngày mới sẽ đến, để gặp gỡ, trò chuyện với những con người thú vị, truyền cảm hứng không chỉ trong công việc, mà trong cả cuộc sống đời thường.

 

Là một nghề đòi hỏi tính nhanh nhạy và có sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt, hằng ngày, đối mặt với những hạn định nộp bài, những ý tưởng, đề tài tưởng đâu cạn kiệt… có những lúc em chán chường, mệt mỏi. Hay những chuyến đi xa, liên tục khiến em mệt phờ, lại có suy nghĩ thoáng qua, hiện lên hai chữ từ bỏ.

 

Song tình yêu với nghề báo lại giúp em tìm lại thế cân bằng, hăm hở như con chim non đang tập những lần bay đầu tiên…và không quên mỗi ngày đều cố gắng để trở thành một người luôn vững tâm với nghề, có “trái tim nóng và cái đầu lạnh” theo lời một nhà báo lão thành đã từng nói”.

 

Diệp Thùy