Tâm sự của những thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc

Miên Miên

(Dân trí) - Sinh viên tốt nghiệp đại học đang chìm trong muôn vàn nỗi lo lắng về học tập, công việc, tình cảm và về cuộc sống sau này.

Tốt nghiệp 7 năm, tài khoản chỉ có 200 tệ (khoảng 700.000 đồng)

Triệu Đậu Đậu - 30 tuổi chia sẻ:

Khi còn ở đại học, tôi học chuyên ngành Trung Y kéo dài trong 5 năm. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã thi lên thạc sỹ nhưng không may lại thiếu một vài điểm để vượt qua kỳ thi này. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y mà người khác chỉ cần 1 năm sau khi ra trường là có được thì tôi lại mất tận 6 năm và thi tận 3 lần.

Đến bây giờ sau khi đã tốt nghiệp được 7 năm, số dư tài khoản của tôi chỉ có 200 tệ (khoảng 700.000 đồng). Nhưng đây không phải là khoảng thời gian tồi tệ nhất của tôi.

Thời điểm khó khăn nhất là khi tôi vừa mới tốt nghiệp đại học và vừa từ bỏ công việc thực tập tại khoa ngoại trú của một bệnh viện công nào đó ở thành phố. Lý do nghỉ việc là vì lương của công việc này còn chưa đến 2000 tệ (gần 7 triệu đồng) mà hôm nào cũng phải làm việc liên tục trong suốt 4 tiếng.

Do không có đủ học vấn và kinh nghiệm, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc trong vòng 1 năm sau khi nghỉ việc. Vì vậy, ngày nào tôi cũng nằm dài ở nhà, ít khi ra ngoài và hầu như không giao lưu với bạn bè.

Tâm sự của những thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc - 1
Cuộc sống thất nghiệp khiến nhiều thanh niên cảm thấy chán nản (Ảnh: Freepik).

Sau đó, gia đình giúp tôi tìm được công việc thứ hai - bác sĩ sức khỏe cộng đồng ở một bệnh viện công. Công việc này tương đối nhàn hạ và ổn định, thu nhập tuy không cao nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tôi lại lâm vào cảnh thất nghiệp.

Nhìn lại 7 năm kể từ ngày ra trường, tôi vẫn luôn lạc lối trong những tháng ngày không có mục tiêu, mà không có mục tiêu thì lại càng không có động lực để cố gắng.

Hiện giờ tôi vẫn chưa có việc làm nhưng tôi quyết định sẽ không cảm thấy thất vọng về bản thân nữa. Tôi nghĩ rằng những người thất nghiệp vốn đã phải chịu đựng áp lực tâm lý vô cùng nặng nề, điều họ cần là sự ủng hộ thay vì bị đổ lỗi.

Vào cuối năm ngoái, tôi bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi công chức. Trong sáu tháng qua, tôi vừa ôn tập ở thư viện vừa tranh thủ nắm bắt các thông tin về vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành của mình, nếu không vượt qua bài thi này thì tôi quyết định sẽ tìm một công việc ổn định cho bản thân.

Tốt nghiệp 3 năm, "ngồi nhà" 3 năm

Tra Tra - 24 tuổi chia sẻ:

Tôi tốt nghiệp ngành Xây dựng dân dụng vào năm 2020, nhưng kể từ lúc ra trường cho tới nay tôi chưa từng đi làm. Kế hoạch trong năm nay của tôi là chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi công chức và thạc sỹ.

Thực ra, tôi không hẳn là kiểu người chỉ thích nằm ườn ở nhà. Trong 3 năm qua, không biết bao nhiêu lần tôi đã có ý định đi xin việc, nhưng mỗi lần tôi đề cập với gia đình thì gia đình đều khuyên tôi nên thi công chức trước thay vì đi kiếm việc làm.

Trong suốt mấy năm ôn thi ở nhà, tôi không gặp bất kỳ gánh nặng tài chính nào từ phía gia đình. Tôi cảm thấy khá may mắn vì bố mẹ tôi rất thoải mái về vấn đề việc làm và thu nhập của tôi.

Tuy nhiên, người nhà tôi lại cho rằng tôi đã chọn sai ngành đại học. Ngành Xây dựng dân dụng trước kia rất được ưa chuộng nhưng hiện nay thị trường bất động sản lại phát triển theo hướng không hề ổn định. Vì vậy, gia đình tôi cho rằng chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi công chức và có một công việc trong bộ máy nhà nước mới là hướng đi chính xác nhất.

Trên thực tế, trong đợt tuyển dụng mùa xuân năm cuối đại học, tôi cũng nhận được một vài lời mời làm việc, nhưng hầu hết là việc làm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nhà nước. Khi ấy tôi nghĩ rằng có một công việc ổn định sẽ là một khởi đầu tốt với một sinh viên năm cuối như tôi.

Nhưng trước khi ký hợp đồng, gia đình nhắc nhở tôi nên thận trọng và cân nhắc kĩ càng hơn, bởi lẽ những đơn vị mà tôi sẽ công tác cũng không hẳn là nơi lý tưởng để làm việc. Người nhà khuyên tôi nên bảo lưu kết quả với tư cách là thí sinh chuẩn bị dự thi để tập trung ôn thi một văn bằng khác.

Nhưng lý tưởng thì luôn xa rời với thực tế. Trong suốt những năm qua, tôi đã trượt tất cả các kỳ thi, và việc bảo lưu chỉ có thể duy trì trong hai năm nên năm ngoái tôi đã có ý định sẽ bỏ thi.

Tuy nhiên, gia đình tôi lại thuyết phục tôi nên đi học cao học. Thời điểm đó vào năm ngoái quá sát kỳ thi nên tôi dự định sẽ thi cao học vào năm nay.

Bởi vậy, áp lực của tôi trong năm nay là rất lớn. Tôi hi vọng bản thân có thể vượt qua kỳ thi một cách thành công, bởi vì nếu trượt thì dù gia đình có nói gì đi chăng nữa thì tôi cũng sẽ không tiếp tục nằm lì ở nhà mà sẽ đi tìm một công việc ổn định cho bản thân.

Theo NetEase

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm