Làm việc đa nhiệm: Ngày ngủ 2 tiếng, bật khóc vì bất lực
(Dân trí) - Bạn trẻ suy giảm sức khỏe vì phải làm việc "đa nhiệm". Người một ngày chỉ ngủ 2 tiếng, người nôn thốc tháo và bật khóc trong nhà vệ sinh vì quá bất lực.
Multitasking (đa nhiệm - PV), tức là làm nhiều công việc cùng một lúc không xa lạ với các bạn trẻ thời đại ngày nay. Tuy nhiên, cách làm việc này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và chất lượng công việc.
Mệt đến lả đi nhưng không thể ngủ được
Bạn Lan Anh (23 tuổi, sinh viên năm thứ ba ngành Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: "Mình tự xây dựng một fanpage (trang được tạo ra từ một tài khoản Facebook - PV) để bán hàng. Tất cả những việc liên quan đến bán hàng đều chỉ có mình đảm nhiệm. Mình làm hết từ lên nội dung, thiết kế, quay chụp, vận hành quản lý, xuất nhập hàng, chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại,...
Thú thật với lượng khách hàng bình thường thì vẫn có thể đảm nhiệm, nhưng khi số lượng khách mua hàng quá nhiều thì không thể kiểm soát được. Có những ngày mình phải làm việc liên tục hai đến ba ngày mới đỡ việc rồi sau đó mới dám đi ngủ.
Song song với công việc đó mình còn nhận một công việc liên quan đến viết lách. Mình làm công việc ấy nhiều đến nỗi không có thời gian làm gì khác. Vì phải làm việc 12 tiếng một ngày, sau đó lại mất vài tiếng chuẩn bị nội dung cho ngày tiếp theo. Có hôm mình xong hết việc đã là 1 giờ sáng.
Có khoảng thời gian mình lại nhận thêm công việc hành chính vì muốn được trải nghiệm môi trường làm việc văn phòng. Mới đầu nhận việc mình nghĩ nó cũng đơn giản, nhưng sếp hay vặn vẹo, yêu cầu nhiều thứ để "hành" nhân viên nên mình đã xin nghỉ".
Chia sẻ về những ảnh hưởng tiêu cực khi phải làm việc đa nhiệm, Lan Anh nói: "Mặc dù thu nhập hàng tháng khá cao nhưng đổi lại sức khỏe của mình đã suy giảm rất nhiều. Mình mất ngủ nặng, đau dạ dày, hay đau đầu do ngủ nghỉ không đúng giờ giấc. Tầm hơn một tháng mình mất ngủ triền miên, mắt chỉ nhắm lại chứ không thể đi vào giấc ngủ được, đúng nghĩa mệt đến lả đi nhưng không ngủ được.
Có những hôm mệt lắm mình cũng chỉ ngủ được 2 đến 3 tiếng rồi lại tỉnh. Cộng thêm việc ăn uống không điều độ nên theo thời gian sức khỏe của mình kém đi rất nhiều. Mình từng là người ăn được ngủ được, nhưng bây giờ lại thành người chán ăn và khó ngủ".
Hiện tại, Lan Anh đã giảm thiểu và sắp xếp công việc tối ưu để có thể vừa hoàn thành công việc nhanh chóng, vừa đảm bảo chất lượng. "Hiện tại, mình vẫn đang đảm nhiệm việc kinh doanh, và cũng nhận thêm một công việc khác. Mình được nghỉ một ngày một tuần, vào ngày nghỉ đó mình có thể sắp xếp thời gian để lên lịch tất cả nội dung của fanpage trong tuần sau. Tốc độ viết nội dung, thiết kế ảnh của mình cũng khá lên nhiều, không còn chậm như trước. Cách phân bổ thời gian cho những việc quan trọng cũng tốt hơn nên mình không còn phải lao lực như trước nữa", Lan Anh nói thêm.
"Nôn thốc tháo và khóc không thành tiếng trong nhà vệ sinh vì quá mệt mỏi…"
Bạn Nguyễn Ngọc Trọng (19 tuổi, sinh viên năm thứ hai ngành Truyền thông Đa phương tiện, Trường Đại học FPT Hà Nội) chia sẻ: "Bản thân mình trong kỳ học vừa rồi đã làm việc tại 3 cơ quan ở 3 vị trí khác nhau, cụ thể là: Làm truyền thông cho trang thông tin việc làm dành riêng cho sinh viên, làm quản lý tại công ty phần mềm, làm biên kịch và diễn viên TikTok trong khi vẫn phải đảm bảo tiến độ học tập trên trường.
Thời điểm mình cảm thấy quá tải nhất trong quá trình làm việc đa nhiệm là vào nửa cuối của học kỳ. Khi ấy mình vừa phải chuẩn bị cho công tác đối ngoại của sự kiện lớn nhất dành cho cựu sinh viên của trường, vừa phải chuẩn bị cho các sự kiện nội bộ của công ty. Trong khi đó, mình vẫn phải đảm bảo tiến độ học trên lớp bởi đó là khoảng thời gian có rất nhiều bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, các bài báo cáo thuyết trình theo nhóm,... Các công việc ấy đến dồn dập cùng một lúc khiến một người luôn tự tin có thể kiểm soát thời gian tốt như mình lần đầu bị ngợp".
Đó cũng là khoảng thời gian mà Trọng cảm thấy khá yếu và mệt do đa nhiệm quá sức trong khoảng thời gian dài. "Đỉnh điểm là tối ngày hôm đó mình bất ngờ nhận được tin là khách mời của mình sẽ không đến tham dự và đưa tin về sự kiện hôm sau được. Vậy nên mình đã phải đi tìm các phương án dự phòng ngay trong đêm. Rồi trong lúc đó thì ban truyền thông cũng đẩy công việc mới cho mình yêu cầu hoàn thành gấp trong đêm hôm đó.
Lúc ấy thì mình bị căng thẳng quá nên đã ho sặc sụa và nôn rất nhiều. Trong lúc nôn thì mình lại nghĩ về công việc còn đang dở nên mình thấy bất lực đến bật khóc ngay trong nhà vệ sinh", Trọng chia sẻ thêm.
Theo Trọng, làm việc đa nhiệm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng công việc. Về sức khỏe, trí lực con người là có hạn và khi bạn dồn sự chú tâm vào một việc cũng là rút bớt nó đi ở một việc khác. Cho đến khi trí lực đạt đến giới hạn thì dần khiến cơ thể mình trở nên mệt mỏi và trì trệ.
Về chất lượng công việc, khi cơ thể mệt mỏi sẽ rất khó để hoàn thành tốt được công việc. Năng suất làm việc giảm đi rõ rệt và mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc so với khi chỉ tập trung làm từng đầu việc một.
Trọng nói về tác hại của làm việc đa nhiệm: "Mình đã từng vừa ngồi trong lớp nghe giảng, mắt thì kiểm tra email, tay thì viết nội dung. Khi ấy mình tưởng thế là giỏi lắm, mình có thể làm được tất cả mọi thứ thật hoàn hảo và sự thật thì trái ngược hoàn toàn. Mình không hiểu bài, gửi nhầm email, nội dung thì lộn xộn.
Hậu quả của việc đa nhiệm thì chắc ai cũng biết là nó sẽ khiến chất lượng công việc giảm sút, làm ta mất tập trung,... Nhưng thứ mình đang gánh chịu nhiều nhất chính là sự suy giảm cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Có những ngày mình ngồi thẫn thờ trước màn hình mà không thể nghĩ thêm được gì: Mắt thì khô, tay chân thì run rẩy, không muốn ăn uống gì, cơ thể uể oải đến mức đi ngủ cũng không thiết tha gì nữa. Và đó là khi mình thay đổi suy nghĩ về làm việc đa nhiệm".
Cá nhân Trọng cho rằng mặt tích cực của sự đa nhiệm sẽ khiến chúng ta hoàn thiện hơn, chúng ta có thể vừa viết được nội dung, có thể thiết kế được ấn phẩm truyền thông, có khả năng ngoại giao và năng lực ngoại ngữ. Hai cách dưới đây đã giúp Trọng tận dụng được sức mạnh của làm việc đa nhiệm, thoát khỏi sự quá tải và mệt mỏi:
"Thứ nhất là sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc. Mình chú tâm vào hoàn thành một việc trước khi đến với việc tiếp theo và khi đó mình sẽ không còn thấy quá tải hay nặng nề khi làm rất nhiều công việc phía trước nữa.
Thứ hai là học cách từ chối. Ví dụ, khi mình đang tập trung hoàn thành công việc mà có người khác đến bàn luận thì mình sẽ xin họ 10 phút để tiếp tục hoàn thành đầu việc sau đó mới thảo luận với nhau", Trọng gợi ý.