SV làm tình nguyện không chờ được vinh danh

(Dân trí) - Trước không ít “phán xét” có phần khắt khe đối với sinh viên khi làm tình nguyện, ThS Nguyễn Hữu Long nhắn nhủ các bạn trẻ hãy cứ bắt tay vào làm để thấy cuộc sống ý nghĩa, mỗi ngày trôi qua là trang sách thú vị do chính mình viết lên.

Những ngày qua, rất nhiều câu hỏi, vấn đề cộng đồng đặt ra về việc làm của sinh viên tình nguyện (SVTN). Mà thường, mỗi người chỉ đưa ra đáp án theo cách nhìn của mình nên không thiếu những cách nhìn quy chụp, phiến diện…

Trong khi theo ThS tâm lý Nguyễn Hữu Long (Trường CĐ Sư phạm TƯ TPHCM) mỗi câu hỏi, vấn đề được đưa ra có rất nhiều đáp án để thấy chúng ta cần nhìn rộng ra, mở ra trước mỗi vấn đề trước khi “phán xét”. Ngay trong cách nhìn của thầy Long cũng chỉ mới là một phần rất nhỏ.

ThS Nguyễn Hữu Long khuyến khích bạn trẻ hãy dấn thân vào công việc tình nguyện 
ThS Nguyễn Hữu Long khuyến khích bạn trẻ hãy dấn thân vào công việc tình nguyện 

Với câu hỏi: Sao cứ đến mùa thi hay mùa hè các đơn vị Đoàn thể tuyển nhiều chiến sĩ tình nguyện vậy, chỉ cần ít nhưng chất lượng? ThS Nguyễn Hữu Long chia sẻ, làm tình nguyện không chỉ đánh giá kết quả dựa trên những gì thu nhặt được. Ở đó, còn đánh giá cả tinh thần của chính các chiến sĩ tình nguyện.
 
Cuộc sống này rất rộng, đừng quá chăm chăm vào kết quả sau mội việc làm bằng những điều phải cân - đong - đo - đếm được. Có những giá trị vô hình nhưng lại vô cùng ý nghĩa với cả người cho và cả người nhận...

SVTN đông để làm gì ư? Để thấy rằng bên cạnh một bộ phận giới trẻ thờ ơ với công việc xã hội thì còn có rất nhiều bạn trẻ ngày đêm thích-muốn được trải lòng, để yêu thương mọi người bằng chính tinh thần tình nguyện, bằng hành động cụ thể. Vậy hãy để các bạn làm điều mà một số bạn khác đang thiếu để thấy cuộc sống của mình ý nghĩa.

Đúng, có nhiều bạn đi vì ham theo phong trào. Không phủ nhận điều đó nhưng hãy tin rằng đi hết mùa chiến dịch, họ sẽ nghĩ khác và nếu có lần sau chắc rằng bạn ấy sẽ đi đúng với tinh thần tình nguyện. Âu đó cũng là điều rất tích cực. 

Trước tranh cãi: Sao không làm hàng rào bằng dây theo cho hàng rào bằng người của các bạn SVTN tiếp sức mùa thi? ThS Nguyễn Hữu Long đặt vào tình huống thực tế khi chúng ta qua một đoạn đường nếu thấy một hàng rào người chúng ta sẽ chạy chậm lại? ngắm nhìn?... Thậm chí, có bạn sẽ đặt câu hỏi như các bạn đứng làm hàng rào ấy có mệt không? Mình đã bao giờ một lần làm như các bạn ấy chưa?...

Chỉ bấy nhiêu thôi thì bạn cũng đã tự rút ra cho mình nhiều bài học giá trị và trật tự đoạn đường ấy trở nên tốt đẹp hơn.

Khi thí sinh dự thi nhìn vào hàng rào, các bạn sẽ suy nghĩ về tương lai của mình để ước năm sau mình cũng có thể làm như các anh chị ấy! Vậy có phải cái hàng rào tưởng chừng đơn giản kia sẽ tiếp thêm 1 ngọn lửa tinh thần cho các bạn thí sinh sao?

Giữa ngỗn ngang lo toan bộn bề thì cái hàng rào ấy đồng hành cùng phụ huynh, cùng thí sinh để lòng người như ấm lại vì sự sinh động của những khuôn mặt niềm nở của các tình nguyện viên. 

Sinh viên tình nguyện giải toả giao thông trước cổng trường thi 

Sinh viên tình nguyện giải toả giao thông trước cổng trường thi 

Một điều quan trọng nhất trong tinh thần làm việc của các bạn SVTN chính là các “chiến sĩ” không chờ đợi được vinh danh. Vậy nên liệu có nên quá đặt nặng tính sáng tạo hay tính phong phú của những việc làm ấy?

Hơn nữa, chỉ cần một việc có ý nghĩa cho cộng đồng thì còn hơn cả nghìn lẽ việc mà chỉ vụ lợi cho cá nhân. Rồi chỉ riêng việc các chiến sĩ tình nguyện ngồi chuyện trò trong những lúc rảnh rỗi, cùng hàn huyên hay lúc bàn kế hoạch hành động thôi thì biết bao nhiêu kĩ năng sống được hình thành và phát triển. Việc làm này có ý nghĩa gấp ngàn lần cắp sách đi học các lớp kĩ năng sống mà chẳng ứng dụng vào thực tế.

Bởi từ những con người xa lạ đến với nhau chung một tấm lòng thiện nguyện rồi cùng nhau gắn kết nên một đội tình nguyện cùng nhau làm việc và cùng nhau phát triển thì đó là một điều ý nghĩa.

Chuyên gia tâm lý này nhắn nhủ, các bạn trẻ hãy cứ làm đi để thấy cuộc sống ý nghĩa, để mỗi ngày trôi qua là một trang sách thú vị do chính mình viết lên. Còn với những “phán xét” có phần khắt khe hãy nhẹ nhàng đón nhận để có thêm những kinh nghiệm cho sự trưởng thành của bản thân.

“Hoạt động Đoàn – Hội – Đội còn nhiều điều cần thay đổi để cho phù hợp với thực tế và chú trọng chất lượng. Những hoạt động này cần những góp ý chân thành, thiết thực để các hoạt động xã hội thật sự là cái nôi rèn luyện, bồi đắp lòng nhân ái của hàng vạn các bạn trẻ”, ThS Nguyễn Hữu Long bộc bạch.

Lê Đăng Đạt