SV kinh tế tranh thủ "xin kinh nghiệm" các CEO và "GS Xoay"
(Dân trí) - Vẫn với giọng điệu hóm hỉnh, giỏi pha trò, “GS Cù Trọng Xoay” - Đinh Tiến Dũng trong vai trò MC buổi trò chuyện giữa các SV và CEO đã khiến cho các bạn SV bị cuốn hút vào buổi tọa đàm chủ đề việc làm và kinh tế.
Ngày 17/4, hàng nghìn sinh viên chuyên ngành kinh tế đã có mặt tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội để trò chuyện với các CEO trẻ trong chương trình "Chat với CEO". Đặc biệt, sự kiện lần này có sự tham dự của MC - GS Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng, một nhân vật được rất nhiều bạn trẻ yêu quý.
Hai diễn giả của chương trình là Tổng GĐ Công ty Bán lẻ FPT Phạm Thành Đức và GĐ đơn vị phần mềm chiến lược số 1 Công ty Phần mềm FPT Hoàng Việt Anh. Đây là những lãnh đạo trẻ, tài năng, giàu kinh nghiệm song cũng rất hài hước.
Do đó, cả hai đều sẵn sàng chia sẻ, trò chuyện với các bạn trẻ giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp, chỉ cách để các bạn tự khám phá bản thân và đưa ra những quyết định đúng đắn cho con đường phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Cuộc trò chuyện xoay quanh những vấn đề kinh tế và việc làm, là vấn đề sát sườn với các bạn trẻ nên đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của SV đến từ nhiều trường: ĐH Bách khoa, ĐH Thương mại, HV Tài chính, ĐH KTQD...
Bên cạnh những kiến thức bổ ích, sinh viên còn được cười thả ga với lối nói chuyện hài hước của anh Đinh Tiến Dũng. Đó là lí do khiến cho hội trường hàng trăm chỗ ngồi của ĐH KTQD không còn chỗ trống, thậm chí, nhiều bạn còn chịu khó ngồi bệt xuống sàn để tham gia buổi trò chuyện.
Cố gắng "thử" nhiều nhất có thể khi bạn còn trẻ
Rất nhiều bạn sinh viên đặt câu hỏi cho các CEO về chuyện tìm kiếm việc làm thêm và cơ hội cho tương lai khi còn là sinh viên. Đối với thắc mắc này, Tổng Giám đốc Phạm Thành Đức chia sẻ: “Tôi nhìn thấy có rất nhiều cơ hội mới dành cho các bạn trẻ và tôi tin các bạn sinh viên có đầy đủ năng lực và tố chất để nắm bắt các cơ hội này.
Anh cũng cho rằng, các bạn sinh viên thời nay phải chủ động tạo ra cơ hội, tự mình phấn đấu và không ngại thử thật nhiều để tìm ra đam mê thực sự của mình và theo đuổi nó. "Hãy thử nhiều nhất có thể khi bạn còn trẻ, bạn sẽ biết mình muốn gì. Và cũng phải có một thời gian đủ lâu, ít nhất là 1 năm tới 18 tháng cho lĩnh vực mà bạn chọn lựa để biết nó có hợp với mình hay không".
Giám đốc Hoàng Việt Anh, người từng là SV khoa CNTT ĐH Bách Khoa đưa ra lời khuyên: “Nhiều bạn sinh viên ra trường, đặc biệt là sinh viên CNTT đều muốn xây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng. Điều này rất đáng khuyến khích, tuy nhiên các bạn nên cân nhắc thực lực của mình. Để thành công, cần thực sự yêu công việc, yêu nghề mình làm mà trong tình yêu có lúc hạnh phúc, nhưng có lúc cũng rất đau khổ”.
Đã từng đến và làm việc tại gần 30 quốc gia trên thế giới, bí quyết thành công trước tiên của anh Hoàng Việt Anh là phải có sức khỏe tốt để duy trì được sự tỉnh táo qua nhiều chuyến đi. Ngoài ra, anh Việt Anh cũng tiết lộ, “Nỗ lực cá nhân là yếu tố tiên quyết nếu muốn thành công, bên cạnh đó, cần có thêm thời cơ và sự hỗ trợ của tổ chức và gia đình".
Muốn được tuyển dụng phải biết hát, đá bóng
Có một thực tế là các nhà tuyển dụng thời nay có những câu hỏi rất hóc búa dành cho các ứng viên khi đi phỏng vấn. Do đó, các bạn sinh viên muốn tham khảo kinh nghiệm từ hai CEO đã từng tuyển dụng hàng trăm người vào các vị trí khác nhau.
Bất ngờ thay, khi một SV Học viện tài chính đặt ra câu hỏi với nội dung nêu trên, anh Hoàng Việt Anh trả lời rằng: "Câu hỏi hóc búa nhất tôi từng hỏi ứng viên là: Em có biết hát không, nếu hát được tiếng Anh thì hát một bài.
Tôi đánh giá rất cao kĩ năng mềm của nhân viên, kể cả khi có kĩ năng chuyên môn tốt mà không tự tin, không có khả năng làm việc theo nhóm, giao tiếp với đồng nghiệp kém thì đó cũng là người nhân viên tồi. Tôi sẽ không có ấn tượng khi phỏng vấn".
Anh Phạm Thành Đức tiếp lời: "Tiêu chí ra sao phụ thuộc vào nhu cầu của nhà tuyển dụng. Các bạn cần nắm rõ nhà tuyển dụng cần người như thế nào, ví dụ như tuyển nhân viên bán hàng thì phải có kĩ năng giao tiếp tốt, nhân viên lập trình thì chuyên môn phải vững, làm việc theo nhóm hiệu quả...
Hội trường ĐH KTQD không còn chỗ trống trong buổi trò chuyện với các CEO
Khi đi phỏng vấn vào công ty, anh Hoàng Việt Anh cũng bị hỏi một câu hóc búa đó là "Em có biết đá bóng không?". Anh trả lời rằng có và là chân chủ lực trong đội bóng ở trường. Vậy là anh Việt Anh được tuyển. Đó là một câu chuyện vui được CEO kể ra để các bạn sinh viên thấy được tầm quan trọng của kĩ năng mềm trong môi trường làm việc này nay.
Trong lúc hai diễn giả chia sẻ nhiều điều thú vị thì GS Xoay - Đinh Tiến Dũng luôn biết cách dẫn dắt và bày tỏ quan điểm của riêng anh đối với những vấn đề mà sinh viên quan tâm.
Sự hài hước nhẹ nhàng của GS Xoay mang lại bầu không khí thân tình cho cuộc trò chuyện. Khán phòng chật ních người tham dự nhưng các bạn trẻ đều cảm thấy thoải mái, ngập tràn tiếng cười.
Mai Châm