Sự thật về “gái gọi sinh viên”

Công an Hà Nội vừa bắt một đường dây gái gọi chuyên cung “hàng” cho đại gia. “Má mì” và một số “đào” của đường dây là sinh viên. Đây là vụ duy nhất trên địa bàn TP mà gái gọi là sinh viên “xịn”. Còn những vụ khác, khi điều tra ra thì đều là “hàng nhái”!

Trung tá Hà Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra PC14 (Công an TP Hà Nội), cho biết.

 

Sự thật về “gái gọi sinh viên”  - 1

Một cô gái "ăn sương" ở đường Tông Đản, Hà Nội. Ảnh chụp lúc 23h45, ngày 22/5/2009.
 
Nhân viên “Dịch vụ cảm xúc” là sinh viên

 

Nhận được chỉ thị từ lãnh đạo Công an thành phố yêu cầu điều tra làm rõ về một đường dây gái gọi là sinh viên, mang tên “Dịch vụ cảm xúc”, tại Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội), Phòng PC14 đã ngay lập tức cử trinh sát đi điều tra.

 

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, manh mối về đường dây này dần dần lộ diện. Chưa đầy 2 tháng kể từ khi biết thông tin sơ bộ và nhận chỉ thị của Công an thành phố, các trinh sát đã nắm được đầy đủ mánh khóe, thủ đoạn đến cách thức hoạt động của đường dây này.

 

Nhiều cuộc họp khẩn cấp liên tục được diễn ra giữa phòng PC14 Công an quận Đống Đa, Cục C14 Bộ Công an, Công an phường Trung Liệt… nhằm triệt phá đường dây “gái gọi sinh viên” nhanh nhất. Cuối tháng 7/2008, ban chuyên án đã bắt chủ Dịch vụ cảm xúc Nguyễn Cao Cường và hơn 30 tiếp viên khai là sinh viên trường A, trường B nhưng khi điều tra thì không phải.

 

Qua công tác trinh sát, bằng các nghiệp vụ, các chiến sĩ phòng PC14 cùng Công an quận Hai Bà Trưng đã phát hiện vợ chồng Trần Thị Giang (còn gọi là Trang đen) và Nguyễn Ngọc An trú tại 14 xóm Chùa, Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng có tổ chức môi giới gái mại dâm là sinh viên tại các nhà nghỉ, khách sạn.

 

Phòng PC14 báo cáo lên Giám đốc Công an thành phố, xin lập chuyên án trinh sát mang bí số 296P và tiến hành các biện pháp đấu tranh chống tội phạm.

 

Sau một thời gian theo dõi, các chiến sĩ đội 2, phòng PC14 đã túm gọn đường dây của vợ chồng Trang đen. Quá trình điều tra làm rõ, những gái mại dâm trên cũng không phải là sinh viên.

 

Thủ đoạn và cách thức hoạt động

 

Trung tá Hà Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra phòng PC14 Công an thành phố Hà Nội cho biết: Những đường dây này đều núp dưới hình thức “dịch vụ cung cấp tiếp viên chạy xô”, “dịch vụ cảm xúc”, có khoảng 20-30 tiếp viên, 16 tuổi trở lên, chuyên cung cấp cho các quán karaoke, nhà nghỉ, khách sạn...

 

Họ truyền tay nhau số điện thoại liên lạc và tự giới thiệu là sinh viên. Khi khách có yêu cầu, chỉ một cú điện thoại, “hàng” sẽ được chở tới. Nếu chỉ đi hát ở các quán karaoke thì mỗi lần tiếp viên đi, về phải nộp từ 20-40 ngàn đồng, bán dâm thì nộp từ 100-200 ngàn đồng và có sổ sách theo dõi cụ thể. Nếu ngay từ đầu, khách muốn mua dâm thì sẽ “ngã giá” với chủ, được giá, chủ điều gái đến. Giá từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. 

 

Sự thật về “gái gọi sinh viên”  - 2

Nhiều "gái gọi" gắn mác sinh viên để dễ câu khách
 
Phó Chi Cục trưởng Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, Nguyễn Đình Hiền cho biết: Có những thời điểm đã bắt được tới 40 đôi đang có hành vi mua bán dâm tại một khách sạn trên địa bàn quận Thanh Xuân. Cũng có đối tượng là sinh viên thực, nhưng đa phần là giả sinh viên. Khi bị bắt, thủ đoạn của bọn chúng: ngoan cố khai là vợ chồng sắp cưới chứ không phải mua bán dâm.

 

Cũng theo ông Nguyễn Đình Hiền, nhiều tụ điểm gái mại dâm bị truy quét thì chuyển sang hình thức “di động”.

 

Thời gian trước, trước cổng Học viện Y học dân tộc cổ truyền trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân lúc nào cũng tấp nập nhiều “hàng” gắn mác sinh viên. Các má mì ngụy trang bằng quán bán trà đá ven đường hoặc xe ôm… Nhưng gần đây, chúng không đứng cố định một chỗ mà đi xe máy, thậm chí đạp xe đạp đi “chào khách”.

 

Ông Hiền khẳng định, trên 50% “má mì” bị bắt, sau một thời gian ra trại về nhà, tổ chức hoạt động mại dâm mạnh hơn nhiều lần và tinh vi hơn nhiều lần vì những đối tượng này đã trao đổi được kinh nghiệm với nhau nên rất khó quản lý.

 

Nhận diện “hàng nhái”

 

Theo chỉ dẫn của một chiến sĩ công an trinh sát, tôi được đi mục sở thị một “chợ người” trên địa bàn Hà Nội: ngõ 110 đường Trần Duy Hưng là một “tụ điểm” lớn của gái “tiếp viên”. Vì được “bảo kê” trước, tôi được tiếp cận với một dân chơi khoe chuyên xài “hàng xịn”.

 

Tôi hỏi, làm sao để biết gái gọi là sinh viên thật hay giả? Người nói chuyện cười nhạt “thường dân chơi kiểm tra thẻ sinh viên hoặc tin tưởng vì do các tay đàn anh chơi trước giới thiệu. Đó là cách nhận diện. Với những tay sành sỏi, sẽ căn cứ trên dịch vụ tâm sự, tri thức, thậm chí cả tư vấn và kỹ thuật… Nhưng thường là dân chơi hay bị lừa hoặc cố ý để mình bị lừa nếu body các em OK, xinh, bắt mắt”.

 

Trung tá Nguyễn Quốc Hùng, Đội phó Đội cảnh sát điều tra về tệ nạn xã hội Công an quận Hai Bà Trưng cho biết: Thường thì khách và gái không bao giờ quan hệ tại các quán karaoke mà sẽ hẹn nhau ở khách sạn hay nhà nghỉ nào đó. Để tạo sự tin tưởng, các “má mì” còn cho “tiếp viên” mặc đồng phục của trường A,B,C nào đó để giả danh học sinh, sinh viên tới tiếp khách.

 

Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số II, Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội được coi là "trường học đặc biệt" nơi tập trung cải tạo lao động phục hồi nhân phẩm cho các đối tượng nữ tham gia hoạt động mại dâm, ma túy.
 

Ông Lê Tiến Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết tính tới nay (5/2009) Trung tâm hiện quản lý hơn 600 đối tượng nữ từng tham gia hoạt động mại dâm, nhưng đa số các đối tượng này đều có trình độ từ cấp II trở xuống, một số ít có trình độ cấp III và chỉ có chưa tới 3% trong tổng số đối tượng đã từng là sinh viên.

 

Theo Nguyễn Hương, Việt Khánh
Sinh Viên Việt Nam