Sự kiên trì và khéo léo của chàng trai trẻ mê nghệ thuật đóng sách thủ công

Ngô Trung Dũng

(Dân trí) - Nhận thấy sự thú vị đến từ ngành nghề "Bookbinding", chàng trai trẻ Trần Trung Hiếu (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tự học hỏi và tạo ra những tác phẩm hút mắt người xem.

Sự kiên trì và khéo léo của chàng trai trẻ mê nghệ thuật đóng sách thủ công - 1

Trần Trung Hiếu ở góc làm việc của mình.

Đi tìm niềm đam mê

Từ khi còn nhỏ, Hiếu đặc biệt thích các nghề chế tạo, ngưỡng mộ những con người có khả năng hiện thực hóa những ý tưởng bằng chính đôi bàn tay của họ.

Hội họa cũng là điều Hiếu rất thích và có chút năng khiếu. Khi học cấp 2, Hiếu và một cậu bạn đã sáng tác và vẽ một loạt các bộ truyện với ý tưởng của riêng mình. Đến cuối cấp 3, anh đầu tư thời gian để ôn thi vào trường Mỹ thuật Công nghiệp.

Do không tìm hiểu kỹ lưỡng hay định hướng cụ thể, Hiếu đã thi vào khoa Nội thất, không phù hợp với nguyện vọng. Thời gian học đại học diễn ra vô cùng tệ với Hiếu, bởi sự chán chường và anh cũng nhận ra đây không phải nơi dành cho mình.

Tuy nhiên, quãng thời gian đại học của Hiếu không hoàn toàn u tối và vô nghĩa, bởi anh đã có những người bạn tốt, và một trong số đó đã giúp anh bước đầu tiếp cận với ngành đóng sách thông qua việc tự làm sổ tay. Bằng những video hướng dẫn trên Youtube, Hiếu đã hoàn thành được những cuốn sổ tay đầu tiên và từ đây anh cũng bắt đầu tìm hiểu nghề đóng sách thông qua kênh Bookbinder's Chronicle.

Khi đã biết tới đóng sách - Bookbinding, càng tìm hiểu, Hiếu càng đắm chìm và say mê nghệ thuật này. Trung Hiếu chia sẻ: "Khi xem được một phóng sự về xưởng đóng sách của John Newman & Son tại Dublin (Ireland), mình thấy được cách một xưởng đóng sách chuyên nghiệp hoạt động ra sao, các dụng cụ mình chưa từng biết, thuật ngữ mình chưa nghe bao giờ; tất cả đều thật mới lạ, thật đẹp mắt.

Có một khung cảnh khiến mình ấn tượng hơn cả là lúc bác Dessie Smith mạ các cạnh giấy của cuốn sách với vàng thật. Cắt cạnh, bôi dung dịch mạ, rồi cắt và đặt các tấm vàng lên trên bề mặt cạnh sách rồi đánh bóng nhẹ với viên đá mã não. Nhìn ánh mắt của bác tập trung, sáng lên bởi ánh vàng lấp lánh khiến cho mình phải thốt lên: Đây chính là nghề mà mình muốn theo đuổi!".

Nỗ lực học hỏi

Bookbinding (đóng sách) không phải là một ngành nghề được coi là truyền thống ở nước ta mà là của các nước châu Âu và Trung Đông. Nghề đóng sách đến Việt nam bởi người Pháp, và khi người Pháp phải rời đi thì nghề này cũng lụi dần. Thợ Việt vẫn có thể đóng sách, nhưng tiêu chuẩn ngày một thấp dần, và trải qua nhiều cuộc chiến tranh khiến sau này không còn ai có khả năng đóng một cuốn sách đúng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hiếu chia sẻ: "Cho đến hiện tại, hiếm có người làm nghề và cũng không có thợ nào trong nước có thể đạt tới trình độ chuẩn quốc tế. Mình phải bắt đầu với vốn kiến thức tài liệu bằng 0, đồ đạc dụng cụ để làm nghề cũng không hoặc rất hiếm. Thiệt thòi nhất có lẽ là mình không có một người thầy giàu kinh nghiệm ở bên để trực tiếp dạy nghề".

Sự kiên trì và khéo léo của chàng trai trẻ mê nghệ thuật đóng sách thủ công - 2

Cuốn sổ tay do Hiếu đóng sau 2 năm học hỏi.

Điều may mắn là vốn ngoại ngữ của Hiếu khá tốt, đủ để có thể tiếp cận các tài liệu hướng dẫn về đóng sách của nước ngoài. Tuy nhiên, có những từ chuyên ngành mà anh không hiểu được nghĩa hay những đoạn mô tả cách thức thực hiện mà anh không thể tưởng tượng, phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần mới vỡ ra. Hiếu đã mất hơn một năm để đọc tài liệu về đóng sách nhưng không hề nản chí, mà ngược lại, rất hào hứng khi mỗi ngày học được thêm một điều mới, có thêm hiểu biết về nghệ thuật đóng sách thủ công mà mình theo đuổi.

Là một sinh viên, vẫn đang đi học, không được bố mẹ ủng hộ theo nghề, lúc đó, không có cách nào để Hiếu có thể sở hữu được các dụng cụ chuyên dụng đắt tiền. Dẫu muốn trở thành một thợ đóng sách, nhưng Hiếu vẫn chỉ có thể làm sổ tay để tập luyện lẫn kiếm thêm chút tiền mua dụng cụ.

Sự kiên trì và khéo léo của chàng trai trẻ mê nghệ thuật đóng sách thủ công - 3

Những dụng cụ đầu tiên của Hiếu khi bắt đầu đam mê đóng sách.

Bác Mark Kirchner (Pháp) thông qua những hình ảnh, dòng trạng thái trên Instagram của Hiếu thấy được sự cố gắng, tự lực học hỏi của Hiếu và đã ngỏ lời hướng dẫn anh thêm các kĩ thuật đóng sách.

Trao đổi cùng bác Mark Kirchner, được bác chỉ dạy, Hiếu bắt tay vào thực hành, gửi sản phẩm qua Pháp để bác góp ý rồi lại chỉnh sửa hoàn thiện sản phẩm. Sau mỗi lần như vậy, Hiếu hiểu biết hơn, "chắc tay" hơn, nắm rõ những cách xử lý phù hợp cho từng công đoạn, chất liệu khác nhau.

Sự kiên trì và khéo léo của chàng trai trẻ mê nghệ thuật đóng sách thủ công - 4

Cuốn sách Trung Hiếu đóng trong những ngày đầu theo nghề.

Trải qua khoảng thời gian dài cố gắng vượt khó, kiên trì học hỏi, Trung Hiếu bộc bạch: "Mình có lẽ mất tới 2 năm để làm được một cuốn sổ ra hồn. Mình mới chỉ bắt đầu làm việc với sách được khoảng 2 năm rưỡi, và thành thực để nói thì cho đến bây giờ mình vẫn chưa thành thạo hết các kỹ năng trong nghề này. Mình dự định sẽ sang nước ngoài để học, tiếp thu tất cả các kiến thức về ngành bookbinding, lấy giấy chứng nhận "Master Bookbinder" ở quốc tế."

Kiên trì và khéo léo

Các công đoạn cơ bản để đóng ra được một quyển sách theo Hiếu bao gồm 5 công đoạn: đánh giá cuốn sách cần được đóng (tình trạng, thông số, cách làm), dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa, trang trí. Nghe thì đơn giản là vậy nhưng trong mỗi công đoạn này, lại bao gồm các công đoạn nhỏ khác khiến cho việc làm một cuốn sách rất lâu.

Trung bình, Hiếu thường mất khoảng 2 tuần làm việc để hoàn thiện một cuốn sách cơ bản. Còn với các cuốn sách phức tạp hơn trong trang trí và thiết kế thì có khi vài tháng mới hoàn thiện xong, tùy vào mức độ chi tiết của cuốn sách.

Sự kiên trì và khéo léo của chàng trai trẻ mê nghệ thuật đóng sách thủ công - 5

Cuốn sách Leonardo da Vinci được Trung Hiếu đóng lại bìa.

Để đóng được một cuốn sách đẹp, đúng tiêu chuẩn, bên cạnh nguồn nguyên liệu chất lượng được nhập về từ nước ngoài do chính Hiếu lựa chọn, còn cần sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì của người thợ.

Sự kiên trì và khéo léo của chàng trai trẻ mê nghệ thuật đóng sách thủ công - 6

Trung Hiếu thực hiện công đoạn tạo gân sách.

Trung Hiếu tâm sự: "Công đoạn tạo dựng cấu trúc sách là một trong hai công đoạn chính mà lại thường bị ngó lơ bởi sẽ chẳng ai nhìn được vào bên trong xem chúng cấu tạo ra sao. Nhưng với mình, đây là phần việc quan trọng nhất và được dành nhiều thời gian nhất chứ không phải công đoạn trang trí khi đóng bất cứ cuốn sách nào. Bởi mình tôn trọng tất cả các cuốn sách, cố gắng cho nó "cơ thể" khỏe mạnh để có thể vừa là một tác phẩm nghệ thuật, vừa mang tính thực dụng."

Sự kiên trì và khéo léo của chàng trai trẻ mê nghệ thuật đóng sách thủ công - 7

Cuốn sách được Trung Hiếu tỉ mỉ khâu với các đường chỉ và nút thắt đều tăm tắp.

Mong muốn lan tỏa

Trong vài năm trở lại đây thì nghề đóng sách đã có sự quay trở lại rất đáng mừng, chuyển từ một nghề mang tính "công nghiệp" thành một ngành nghệ thuật thực thụ với các nghệ sĩ trên toàn thế giới, mỗi người một vẻ. Tại Việt Nam, có lẽ bắt đầu từ những ấn bản sách đặc biệt của các nhà sách như Đông A và Nhã Nam.

Hiện tại, Trung Hiếu đang làm việc tại xưởng đóng sách Sao Bắc và hợp tác cùng Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, thực hiện những ấn bản sách đặc biệt với mong muốn đưa những cuốn sách đóng thủ công đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là khơi gợi sự hứng thú của thế hệ trẻ với đóng sách thủ công.

Sự kiên trì và khéo léo của chàng trai trẻ mê nghệ thuật đóng sách thủ công - 8

Ấn bản sách đặc biệt "Việt Nam sử lược" của Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam do Trung Hiếu thực hiện.

Trung Hiếu bày tỏ: "Nghề đóng sách là tổng hợp của những gì mình yêu thích - ABC, viết tắt của Art - nghệ thuật, Book - sách, và Crafts - thủ công. Mình có một nghề có thể thỏa mãn được nhu cầu sáng tác, lao động chân tay và lao động trí óc khi có rất nhiều kiến thức để học hỏi. Nghề đóng sách cũng như là một liệu pháp tâm hồn đối với mình, và chắc là rất nhiều người khác, có những công đoạn cảm giác như là thiền vậy".

"Sổ tay thợ đóng sách" trên Spiderum là một series Hiếu thực hiện nhằm chia sẻ và phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm cũng như ghi chép lại quá trình trưởng thành của mình với nghề đóng sách. Hiếu rất mong rằng qua những gì mình viết, mọi người có thể hiểu hơn về giá trị của một cuốn sách được làm thủ công, những khó khăn trong nghề, và cả những điều kỳ diệu của một ngành thủ công vốn đã tồn tại rất lâu này.