Sống ở Việt Nam: Chuyện tình như phim

Sau vài lần đi chơi với nhau, Denis quyết định ngỏ lời. “Tôi viết ra giấy: Em có yêu anh không?. Cô ấy lôi cuốn từ điển Anh - Việt ra ngồi tra cứu mất 15 phút rồi... cười thật tươi. Tôi chẳng hiểu thế là thế nào”...

Hàng ngày bạn hay nhìn thấy người nước ngoài trên đường phố. Nhiều người không phải là khách du lịch mà đang sống, tìm việc, làm việc, bỏ việc,... và tất nhiên cả yêu tại Việt Nam. Chúng tôi đã chọn và theo sát họ trong một thời gian dài để chuyển đến các bạn độc giả bài này.

 

Denis Bissonnette, quốc tịch Canada, hiện đang là giảng viên khoa du lịch - ĐH mở Hà Nội, Giám đốc Đào tạo tại KS Metropol Sofitel và Metropol Plaza.

 

Cách đây hơn 5 năm, sau khi kết thúc hợp đồng giảng dạy tại Thái Lan, Denis Bissonnette sang Việt Nam tiếp tục làm công việc mà mình yêu thích. Nhưng mỗi tuần anh chỉ có hai buổi dạy (hợp đồng lao động ký với Hiệp hội các trường ĐH Canada), thời gian còn lại Denis cũng bạn bè lang thang tại các điểm giải trí dành cho người nước ngoài ở Hà Nội. Anh hay đến một nơi có rất nhiều cô gái xinh đẹp, anh thấy có một cô gái không lẫn vào đâu được.

 

Cô tên là Vân Anh. Denis có cảm tình ngay sau lần gặp thứ 2 (lần đầu hai người chỉ kịp chào nhau Hello): "Tôi mạnh dạn một mình tiếp cận Vân Anh. Tôi để ý thấy ngón tay đeo nhẫn của cô ấy vẫn còn trống, có nghĩa là cô ấy chưa có gia đình. Nhưng khổ nỗi cô ấy không biết tiếng Anh còn tôi cũng chẳng nói được tiếng Việt. Tôi đành lấy giấy bút ra viết mấy câu đơn giản: "Tên em là gì? Nhà em ở đâu?". Lúc đó Vân Anh phải nhờ cô bạn dịch giúp.

 

Denis quyết định đến mời Vân Anh đi uống cà phê. Không may lần đó cô bạn làm nhiệm vụ phiên dịch giúp hai người không có mặt ở đấy. Nhưng đến nơi rồi thì anh vẫn ghi lời mời ra giấy. Vân Anh nhận lời: "Tôi không lý giải được lúc ấy làm sao cô ấy hiểu được thông điệp của tôi".

 

Sau vài lần đi chơi với nhau, Denis quyết định ngỏ lời: "Tôi viết ra giấy: Em có yêu anh không? Cô ấy lôi cuốn từ điển Anh - Việt ra ngồi tra cứu mất 15 phút rồi... cười thật tươi. Tôi chẳng hiểu thế là thế nào. Cô ấy phải lắc đầu hoặc gật đầu chứ, hay là cô ấy không hiểu thông điệp của tôi? Mãi sau này tôi mới hiểu cô ấy im lặng thế là đồng ý, mà cười thì lại càng tốt". Bạn sẽ hiểu kĩ hơn lý do kiệm lời của Vân Anh trong phần sau của câu truyện.

 

Vân Anh lần đầu đến thăm nhà Denis (anh thuê nhà cùng một giáo viên người Canada khác tại phố Đội Cấn) cùng bạn gái. Sau đó cô kéo cả đám bạn đến nhà Denis vào các ngày cuối tuần để nấu nướng. "Một lần cô bảo tôi: Cooking! Papa… Mama… Sister… Baby…come home! Chúa ơi, cả nhà nàng sẽ đến. Tôi loay hoay đi tìm sách học tiếng Việt cấp tốc. Gặp bố mẹ nàng không nói được nhiều cũng phải nói được mấy câu đơn giản chứ".

 

Sau một tuần đánh vật với tiếng Việt Denis thấy tự tin hơn. Đây là một trong những lần hiếm hoi Denis quyết tâm học tiếng Việt, bây giờ Denis vẫn chưa nói được tiếng Việt.

 

"Gia đình nàng đến đúng hẹn. Tôi chào bằng tiếng Việt và nở nụ cười thật tươi. Mọi người cười đáp lại, nhưng không nói gì. Tôi hơi lo. Tôi bật tivi, mọi người chăm chú ngồi xem. Tình hình có vẻ khả quan hơn. Nhưng vẫn chẳng thấy ai nói gì. Thỉnh thoảng họ lấy tay ra hiệu. Khỉ thật, mãi sau tôi mới biết bố mẹ Vân Anh bị câm điếc, cả chị gái và cháu gái của Vân Anh cũng thế. Sống trong môi trường như vậy nên Vân Anh rất ít nói và rất ít bộc lộ tình cảm”.

 

Sống ở Việt Nam: Chuyện tình như phim  - 1
 Rất nhiều người nước ngoài quyết định kết hôn với vợ/chồng
người Việt Nam

 

Denis thường ví mình là người lữ hành đơn độc vì thích đi đây đó, thích chinh phục các thử thách. Nhưng khi gặp Vân Anh thì anh như bị tai nạn, một tai nạn đáng yêu. "Tôi thích ở lại Việt Nam với nàng. Sáu tháng sau khi quen nhau tôi hỏi Vân Anh có muốn làm đám cưới không? Như thường lệ cô ấy vẫn im lặng.

 

Tôi chờ đợi. Rồi tôi nhận được cú điện thoại (bằng tiếng Anh) của một người nói là chú của Vân Anh. Ông ấy hẹn muốn gặp tôi tại nhà hàng do tôi quản lý (lúc đó ngoài việc giảng dạy du lịch tôi còn tham gia sáng lập và điều hành công ty du lịch I love Vietnam Travel Coop và nhà hàng ở Hàng Bè.

 

Bốn người đàn ông là chú, bác của Vân Anh đến gặp tôi đều mặc complet, đeo kính đen, giày đen bóng, mặt lạnh tanh. Nhà hàng của tôi lúc đó khá đông khách. Tôi hơi căng thẳng vì trông họ chẳng khác gì mafia”.

 

"Họ ngồi thành một hàng dọc đối diện với tôi". Người chú trẻ nhất cũng là người duy nhất biết tiếng Anh làm công việc phiên dịch. Mỗi người hỏi Denis một câu. Câu thứ nhất: Anh muốn làm đám cưới ở Việt Nam hay Canada? "Tôi trả lời Việt Nam".

 

Câu thứ hai: Anh thích làm đám cưới theo kiểu truyền thống hay hiện đại?. “Tôi trả lời truyền thống”. Câu thứ ba: Cưới xong rồi thì hai vợ chồng ở Việt Nam hay bay về Canada? "Tôi trả lời Việt Nam".

 

Câu thứ tư: Cưới xong có muốn có con ngay không?. “Tôi trả lời nếu Vân Anh thích thì tôi cũng thích”. Ông bác già nhất, da đen nhất và có vẻ mặt lạnh lùng nhất hơi nhếch mép cười. Denis thở phào. Mỗi người hỏi một câu rồi đứng dậy cảm ơn rồi về luôn. Tất cả kéo dài trong 30 phút.

 

"Tôi ngồi bần thần mất một lúc lâu. Kiểu phỏng vấn quái gì mà kỳ vậy? tôi nhớ lúc đó là một buổi chiều. Hôm sau Vân Anh gặp tôi thông báo OK: You and me married. Gia đình Vân Anh bảo cứ để họ lo mọi thứ cho đám cưới, tôi chẳng phải chuẩn bị gì cả, chỉ việc chi tiền thôi".

 

Trước khi cưới phải đi đăng kí kết hôn. Sau khi hoàn tất một số thủ tục cho người nước ngoài cưới vợ Việt Nam, Denis cùng Vân Anh đến Ủy ban Phường. "Tôi ngồi ngay ngắn hết nhìn người cán bộ đóng dấu, ký liên tục lên hàng loạt giấy tờ lại nhìn Vân Anh. Hai người thỉnh thoảng lại nói chuyện với nhau (bằng tiếng Việt) nên tôi chẳng hiểu gì.

 

Vân Anh bảo tôi làm thế nào thì tôi làm thế. Bảo tôi ký vào chỗ nào thì tôi ký vào chỗ đấy. Cô ấy bảo đứng dậy đi về thì tôi làm theo. Thực ra là tôi đang chờ người cán bộ kia hỏi: Anh có đồng ý kết hôn với chị Vân Anh? Tôi sẽ trả lời: Có.

 

Người cán bộ nói lời chúc mừng, sau đó mọi người cùng vỗ tay. Nhưng mọi thứ diễn ra không đúng như tôi chờ đợi. Hay có vấn đề gì về giấy tờ nên chúng tôi chưa đăng ký xong? Đi được một đoạn khá xa tôi mới hỏi Vân Anh: Có phải chúng ta đã là vợ chồng không? Cô ấy gật đầu. Tôi ôm lấy cô ấy trên hè phố. Chúng tôi đã là vợ chồng của nhau được 30 phút rồi mà tôi không biết".

 

Hôm ăn hỏi Denis nhờ 2 người bạn Mỹ đi cùng làm đại diện cho họ nhà trai (theo yêu cầu của gia đình nhà vợ). Một người bạn Việt kiều nữa đi cùng Denis làm phiên dịch. Tất cả 4 người đi xích lô đến nhà Vân Anh. "Xe dừng và tôi thấy 6 cô gái cao phải đến 1m90 mặc áo dài rất đẹp đứng chờ sẵn. Tôi ớ người không hiểu. Làm sao có những cô gái Việt Nam cao thế nhỉ (cao hơn cả tôi và các bạn tôi, đều trên dưới 1m80).

 

Người bạn Việt kiều giải thích với tôi các cô đứng đó để đón lễ hỏi. Sau đó tôi mới biết các cô đó đều là VĐV bóng chuyền của đội tuyển quốc gia Việt Nam (Vân Anh có một cô bạn là vợ của một HLV bóng chuyền)".

 

Một người bạn làm việc tại đài truyền hình Canada đã yêu cầu Denis Bissonnette bán bản quyền để chuyển thành kịch bản phim chuyện tình của vợ chồng anh nhân dịp hai người về Canada năm 2007.

 

Theo Sinh Viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm