“Soái ca làng xiếc”
Hình thể đẹp, gương mặt điển trai, nghệ sĩ xiếc Trịnh Văn Thắng gây ấn tượng đặc biệt với khán giả về khả năng trình diễn các tiết mục độc đáo: Đu dây lụa, Thăng bằng đôi và Múa cột trên không. Sau ánh hào quang sân khấu, anh luôn nỗ lực tập luyện và trải lòng mình với những câu chuyện thú vị khi đến với nghề xiếc.
Gian truân với nghề
Hồi học THCS, Trịnh Văn Thắng đi xem xiếc và ấn tượng với loại hình nghệ thuật này. Một lần tình cờ, đoàn giáo viên thuộc trường Xiếc Việt Nam về trường nơi anh đang theo học để tuyển sinh, Văn Thắng đăng ký tham dự và trúng tuyển.
Nhận phiếu báo nhập học, Thằng vừa mừng, vừa lo, vì thời điểm đó, gia đình làm nông nên không đủ điều kiện kinh tế để hỗ trợ anh thực hiện giấc mơ. Nhưng cuối cùng, bố mẹ đã ủng hộ và tìm mọi cách lo tiền học phí để Thắng có thể nhập học tại Hà Nội.
Hai năm đầu, Văn Thắng được thầy cô chỉ dạy từ kỹ thuật cơ bản đến nâng cao, với 4 môn cơ bản: Nhào lộn, thăng bằng, tung hứng và thể thao. Kết thúc khóa học, nhà trường tổ chức thi cuối kỳ, nếu sinh viên nào yếu một môn sẽ không hoàn thành chương trình học.
“Thầy cô nhận xét mình có thế mạnh về các động tác thể thao, đu lượn trên không trung. Vì thế, 3 năm học chuyên ngành, mình tập trung bộ môn Xiếc thể thao. Để cơ thể đủ dẻo dải, mình phải dành thời gian tập luyện kỹ thuật uốn dẻo, hít đất, kéo xà… nhiều hơn.
Thời gian đầu, mình đau khắp người và phải mua uống thuốc giảm đau. Mình không nản lòng, cứ tập luyện thường xuyên. Khoảng 2 tuần sau, cơ thể thích ứng tốt và quen dần các động tác, mình không sợ khổ cực nữa”, Thắng nhớ lại.
Sau 5 năm học tại trường, Thắng đủ khả năng và có cơ hội trình diễn tiết mục Đu nhện. Lần đầu tiên ấy để lại cho anh nhiều kỷ niệm, cảm xúc hồi hộp khi đứng trước sân khấu lớn, đông khán giả và số tiền cátsê đầu tiên mà Thắng nhận được là… 100.000 đồng.
Từ lần đầu tiên đó, anh nỗ lực tập luyện, thuần thục thêm Múa lụa trên không, Thăng bằng đôi… Đó là những tiết mục mà anh đi lưu diễn thường xuyên và tạo được dấu ấn mới mẻ trong lòng khán giả. Bước chân vào nghề xiếc, anh đã xác định, bản thân sẽ phải đi trên con đường gian khổ đầy mồ hôi, nước mắt.
Đối với những kỹ thuật thăng bằng, anh phải làm trụ thật tốt cho người bạn diễn. Điều đó đồng nghĩa với việc, Thắng phải rèn đôi chân đủ cứng, cơ thể đủ dẻo dai và sức khỏe tốt để nâng đỡ bạn diễn. Khi tập luyện, với Thắng, việc sái tay sái chân là chuyện bình thường và phải mất 1 – 2 tháng để thích ứng, hồi phục. Nhưng điều may mắn trong nghề là anh chưa gặp phải chấn thương nặng.
Theo anh, để có một tiết mục xiếc biểu diễn công phu kéo dài 3 – 5 phút cho khán giả thưởng thức thì những người nghệ sĩ xiếc phải tập luyện 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tất nhiên, 2 tiếng này mới luyện tập được phần thô. Còn tiết mục bài bản, hấp dẫn, anh phải mất thời gian 2 năm tập luyện hoặc khó hơn thì 3 năm.
“Mỗi ngày, mình dành thời gian tập luyện chuyên môn và dợt lại toàn bộ tiết mục. Mình còn kết hợp tập thể lực, duy trì sức bền, độ dẻo dai khi lên sân khấu biểu diễn. Buổi tối, mình điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế thức ăn chứa nhiều tinh bột, chất béo, đường… để đảm bảo sức khỏe tốt.
Với mình, xiếc vừa là nghề, vừa là đam mê. Vì thế, mình luôn khắt khe với bản thân, luôn luyện tập chăm chỉ để thực hiện được động tác thăng bằng, đu trên dây sao cho chuẩn xác và đẹp mắt nhất”, anh chàng sinh năm 1991 thổ lộ.
Công phu “Múa cột trên không”
Hơn 10 làm nghề, Trịnh Văn Thắng có cơ hội lưu diễn nhiều nơi trong và ngoài nước: Pháp, Đài Loan, Canada… Một lần tình cờ, anh đuợc tận mắt xem tiết mục Múa cột trên không, do Đoàn xiếc Mặt Trời (Canada) biểu diễn. Thấy thích thú và nghĩ bản thân có thể thực hiện được, anh học theo. Thắng giữ nguyên ý tưởng và biến tấu những động tác khác cho bắt mắt hơn.
Múa cột trên không đòi hỏi nghệ sĩ sử dụng sức lực tốt. Các cơ tay, cơ bụng, phần vai… phải chắc, khỏe, dẻo dai. Hơn 6 tháng tự tập luyện, Thắng đã đạt được 70% kỹ thuật cơ bản, như: Nằm bay thăng bằng, kẹp chân ngả dẻo, kẻ ngửa và ke ngang trên cột… Trong đó, kỹ thuật làm khó anh nhất là động tác đánh xoắn, cất mình uyển chuyển, xoay người lên không trung.
“Đối với bộ môn này, mình phải có kỹ thuật khống chế tốt, tay bám chặt cột để giữ thăng bằng. Nếu cột xoay đều thì mình thực hiện động tác đánh xoắn và cất mình lên không trung dễ dàng. Ngược lại, cột xoay nhanh quá thì mình bị tuột ra khỏi cột và phải xử lý nhanh để bước xuống mặt sàn sân khấu.
Khoảng một tuần trước lịch diễn, mình cứ tập đi tập lại động tác đánh xoắn để hoàn thiện tiết mục tốt nhất có thể”, anh cho biết.
Văn Thắng đang biểu diễn tiết mục Múa cột trên không.
Với những tiết mục trình diễn trên không, càng hấp dẫn người xem bao nhiêu thì nguy cơ tai nạn càng tăng với diễn viên xiếc bấy nhiêu. Chỉ cần sơ sảy hay mất tập trung, nghệ sĩ có thể gặp tai nạn.
Trước mỗi đêm diễn, Thắng đều đến sớm 2 – 3 tiếng để kiểm tra cột đu đảm bảo khô ráo, dây xích treo cột phải chắc chắn… Nếu biểu diễn ngoài trời gặp mưa thì dừng lại ngay. Bởi cột biểu diễn ướt tạo độ trơn và khó giữ thăng bằng.
Với tiết mục “múa cột trên không”, Thắng tạo ấn tượng với khán giả từ những kỹ thuật thăng bằng điêu luyện cộng với gương mặt điển trai, thân hình “6 múi”. Điều đặc biệt, động tác đánh xoắn rất khó được Thắng xử lý nhẹ nhàng, uyển chuyển, mềm mại… Nhiều khán giả bất ngờ về kỹ năng và ngoại hình điển trai của Thắng và dành tặng anh biệt danh: “Hotboy làng xiếc”, “soái ca làng xiếc”…
Trịnh Văn Thắng từng đoạt Huy chương Bạc “Liên hoan xiếc quốc tế”, tại Huế, năm 2016, với tiết mục Cánh chim hải âu. Hiện tại, anh đang công tác tại Rạp xiếc TP. HCM (Nhà hát nghệ thuật Phương Nam).
Thời gian đầu theo đuổi nghề, Thắng chưa tạo được tên tuổi, ít nhận được lời mời diễn, thu nhập hằng tháng chưa ổn định.
Mặc dù nghề xiếc vất vả, nguy hiểm nhưng anh vẫn kiên trì bám trụ. Theo anh, một tiết mục xiếc hoàn hảo phải hoàn thiện từ con người cho đến kỹ thuật biểu diễn.
Từ mục tiêu đó, anh cố gắng tập luyện các kỹ thuật sao cho chuyên nghiệp, đẹp mắt, chăm chút hơn về ngoại hình… Thắng được biết đến nhiều hơn và nhận được lời mời tham gia các chương trình truyền hình thực tế, “gameshow”…
Từng lưu diễn trong và ngoài nước, khi hỏi, xiếc Việt Nam có thua kém so quốc tế, anh bày tỏ: “Nghề xiếc cần lòng dũng cảm, chăm chỉ và sự chịu khó khổ luyện. Điều đó phụ thuộc vào nghị lực, ý chí, kỹ năng của con người chứ không phụ thuộc vào máy móc hay công nghệ.
Mình nhận thấy, về kỹ thuật biểu diễn, nghệ sĩ xiếc Việt Nam chẳng thua kém nghệ sĩ xiếc thế giới. Tuy nhiên, điều thiệt thòi là ở nước ta, chế độ ưu đãi dành cho nghề xiếc chưa được chú trọng. Trường đào tào xiếc bài bản, chính quy chỉ có một trường duy nhất ở Hà Nội nên người đam mê xiếc rất khó tiếp cận.
Cơ sở vật chất còn thiếu, trang bị kỹ thuật, đạo cụ chưa được đầu tư nên người diễn viên khó tiếp cận với kỹ thuật mới”.
Theo Bình Nguyễn
Sinh viên Việt Nam