Sinh viên và vòng xoáy nhậu nhẹt: Cần có điểm dừng!

Với thói quen "ăn là nhậu" ngày càng lấn sâu vào đời sống sinh viên đã có những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến hành vi, lối sống của bộ phận bạn trẻ khi không làm chủ được hành động chính mình. Nhắc đến vấn đề nhậu nhẹt, nhiều sinh viên đưa ra những quan điểm thẳng thắn.

Không nên lạm dụng

 

Việc uống rượu chỉ là vấn đề bình thường nếu chúng ta không lạm dụng -  đó là ý kiến của Thu Phương, hiện đang là sinh viên năm cuối của trường Đại học Giao thông vận tải (Hà Nội).

 

Phương bày tỏ quan điểm: “Thực ra uống rượu, bia không phải là xấu hoàn toàn. Mình nghĩ có thể uống nhưng ở mức độ vừa phải, có chừng mực. Các bạn nam cũng có thể uống nhưng miễn là phải đúng giờ, đúng nơi quy định và nhất là phải giữ được sự tỉnh táo, tránh gây gổ”.

 

Là sinh viên năm cuối nên càng về thời điểm cuối năm, phong trào liên hoan, tổng kết, chia tay với lí do "Tết cuối của đời sinh viên" nở rộ ở hầu hết các khối lớp của cô bạn.

 

"Cá biệt, lợi dụng kì thi học kì vừa kết thúc, rất nhiều bạn nam lớp mình rủ nhau nhậu la đà hết tuần này sang tuần khác. Lí do là "tập uống cho quen để khi đi làm đỡ bị... sốc", "không biết nhậu thì khó xin được việc lắm"", Phương cho biết.
 
Sinh viên và vòng xoáy nhậu nhẹt: Cần có điểm dừng!

 

Cho rằng, ngày càng có nhiều vụ ẩu đả, thậm chí án mạng xảy ra chỉ vì các bạn trẻ không làm chủ được hành vi của mình khi đang sẵn hơi men, bạn Nguyễn Đình Lâm, sinh viên năm thứ ba Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ: "Là con trai, thi thoảng mình cũng có tham gia vào các cuộc nhậu cùng bạn bè. Quan điểm của mình là "uống nhưng đừng... "nát"", nghĩa là uống vừa đủ sức mình.

 

Mình thấy nhiều bạn dù không uống được nhưng cũng cố "knock out", uống như uống thuốc độc mà...vì sĩ, vẫn cố cho bằng bạn bằng bè. Khi đó, chuyện chén rượu sẽ dễ trở thành nguyên nhân dẫn đến xích mích, mâu thuẫn, gây nên những hậu quả khó lường".

 

Lợi bất cập hại

 

Bản thân là một người tham gia khá nhiều buổi gặp mặt, tổng kết, gặp gỡ đối tác, khách hàng và cũng có lần “say mềm” nhưng anh Nguyễn Đức Lượng (Giám đốc kinh doanh của một công ty thời trang tại Hà Nội) không khuyến khích việc lạm dụng hay uống quá nhiều bia rượu dẫn đến tình trạng thiếu tự chủ, tỉnh táo.

 

Anh Lượng cho rằng: "Rượu bia cũng chỉ là cái cớ để bạn bè, anh em đoàn tụ gặp mặt hay để phục vụ cho công việc. Nhưng nó chỉ tốt nếu người dùng biết chừng mực chứ không phải coi rượu bia là thói quen để suốt ngày tụ họp, lê la ở các quán nhậu”.

 

Chia sẻ quan điểm về việc một số bạn trẻ có suy nghĩ, rèn kĩ năng uống rượu, bia để dễ dàng hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm sau khi ra trường, vị giám đốc kinh doanh bày tỏ quan điểm trái chiều: "Quan điểm của mình là không giải quyết công việc trong trạng thái không tỉnh táo. Khi tuyển dụng nhân viên cho công ty, mình không khuyến khích nhân viên phải giỏi uống rượu. Uống rượu ai cũng nên biết một chút nhưng cần có điểm dừng".

 

Tán đồng với quan điểm của anh Lượng, anh Nguyễn Thế Anh (26 tuổi, Hà Nội) cũng cho rằng việc nhậu nhẹt trở nên bất cập nếu như bạn không làm chủ được bản thân và không lường trước được tửu lượng của mình.

 

“Mình cho rằng khi đi nhậu các bạn nên uống trên tinh thần vui vẻ, giao lưu để vui chứ không nên quá chén. Các bạn nữ cũng nên biết uống một chút sẽ tốt hơn cho công việc và các mối quan hệ.

 

Tuy nhiên nếu đã không biết uống thì không nên ép và không nên uống quá nhiều. Cái gì cũng chỉ tốt nếu chúng ta biết điểm dừng và giới hạn. Cái gì lạm dụng quá sẽ lợi bất cập hại”, Thế Anh cho hay.

 

Không khuyến khích việc lạm dụng rượu, bia nhưng anh Nguyễn Đức Lượng cũng chia sẻ một số kinh nghiệm "bỏ túi" giúp hạn chế việc say xỉn khi nhậu: "Để đảm bảo sức khỏe và tránh bị sốc khi uống rượu, các bạn nên ăn no, uống từ từ, chọn những loại rượu có nồng độ cồn phù hợp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

 

Quan trọng nhất vẫn là làm chủ được bản thân mình và có lẽ chỉ nên uống khi cần và uống đúng điểm dừng".

 

Theo Ngọc Linh

Tuổi trẻ thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm