Sinh viên và vòng xoáy nhậu nhẹt: Nhậu và... “chém gió”

Khi rượu đã “no”, các “ngôi vị” trên bàn tiệc của sinh viên được hoán đổi từ "anh em" sang "tao - mày".... Từ bạn bè , họ có thể thành những kẻ thù hằn…

"Nó nói sai, phạt nó 1 chén!"

 

Nhiều sinh viên “nhậu dzô” thì không cần biết trời đất là gì. Sau những màn nâng cốc, với đủ các lý do chúc tụng, dân nhậu sinh viên sẽ “rượu vào lời ra”. Họ có đến “một nghìn lẻ một” những câu chuyện để nói.

 

Nhóm nhậu của sinh viên Đại học Thương mại đã ngồi hơn 3 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa hết chuyện. “Mang phao rồi mà không chép được, càng kỳ cuối càng coi chặt, đã thế lại còn ngồi cùng toàn “thằng ngu” chẳng “làm ăn được gì”, một sinh viên nói. “Vớ vẩn kỳ này tao được học bổng. Ngồi cạnh toàn các mấy em “lão luyện”, thế là được “ké”, nam sinh viên khác đỡ lời.

 

Một sinh viên khác, tóc húi cua, ngồi ngay bên cạnh vừa nâng chén rượu lên “cụng” vừa nói: “Ra tới đây rồi mà còn học với hành… uống đi anh em”. Rồi cứ vậy nhóm sinh viên đó nói hết chủ đề này sang chủ đề khác không đầu không cuối, những chuyện rất “sinh viên”. Rồi thì ai “chém sai”, “chém nhầm” thì bị phạt bằng rượu. Hình phạt tùy thuộc vào mức độ sai, nhầm của câu nói.
 
Một trong những bữa nhậu của những nam sinh viên Hà Nội.
Một trong những bữa nhậu của những nam sinh viên Hà Nội.

 

Không ra quán thì những “bợm nhậu” rủ nhau về phòng trọ “đập phá”. “Một tuần phải 2-3 lần là ít, ầm ĩ cả xóm, đâu phải nhậu 1-2 tiếng, lần nào cũng nhậu qua đêm tới 3 giờ sáng không thôi.

 

Rượu vào rồi hát hò ầm ĩ, hát đủ các thể loại nhạc từ nhạc trẻ, nhạc vàng rồi nhạc chế. Nhiều hôm em không thể nào học được, ngủ cũng không xong. Nhắc nhở thì chỉ yên lặng được một lúc rồi đâu lại vào đấy”, Thùy, sinh viên trường ĐH Thương mại khó chịu kể về một nhóm nhậu hay tụ tập ở phòng một nam sinh viên cùng xóm trọ.

 

"Chém gió" nên...phải đánh"

 

Khi đã “quá chén, lỡ lời”, “một “ly” đi một dặm”. Những câu chuyện không hồi kết, không làm chủ được bản thân, chỉ một ánh mắt nhìn thì cho là "nhìn đểu". Một lời nói lúc tỉnh thì cho qua, khi có rượu vào thì “mày dám nói như thế à". Họ sẵn sàng chấp nhau từng câu, “bới móc” những chuyện “ngày xửa ngày xưa”.

 

Từ những câu chuyện không hồi kết, rồi đến không ai nhường ai, rồi đến...đập bàn, đập ghế, túm tóc, giật áo. "Một người bạn chơi lâu năm cũng có thể không là gì cả chỉ sau một “bữa nhậu”. Trước lúc uống rượu là huynh đệ khi có “men” rồi thì “huynh đệ tương tàn”.

 

Khi ai cũng chếnh choáng hơi men, lại thêm những lời đôi co qua lại giữa các thành viên nên thường xảy ra những cuộc ẩu đả, đánh nhau, văng tục, chửi thề giữa các sinh viên, để lại những hậu quả không lường trước được", một nam sinh viên cùng trường ĐH Thương mại cho biết.

 

Cô gái tên Thùy vẫn còn sợ hãi, kể lại: “Lúc đó lần gần 1 giờ sáng rồi, cả xóm trọ đều đi ngủ, riêng nhóm sinh viên phòng bên vẫn nhậu, cũng không ai biết giữa họ đã có xô xát gì, bát đũa, xoong nồi ném tứ tung, khi mọi người sang thì 2 nam sinh viên máu chảy khắp mặt. Những nam sinh viên còn lại bị say nằm la liệt không biết gì. Cả xóm vào can mãi mới được. Say rượu mà, có biết gì đâu”.

 

Không ít “bợm nhậu” thì “quậy” chẳng thua kém gì đám côn đồ, những “yêng hùng” khi kẹp ba, kẹp bốn lên xe máy, không đội mũ bảo hiểm rồi chạy nghênh ngang rú ga ầm ĩ… gây sự với người đi đường làm mất an ninh trật tự.

 

Với sinh viên, “nhậu” đang trở thành “mốt” và “phong cách”. Họ bỏ qua quãng thời gian và sức trẻ của mình, thâu đêm suốt sáng với men rượu bia. Những hệ lụy mà thứ “ma men” đó làm họ bỏ bê học hành, không còn nghĩ tới gia đình, bạn bè, rồi tự rước bệnh tật vào người.

 

Sau những cuộc nhậu vô bổ đó thậm chí có những bạn phải trả cái giá quá đắt bằng cả tính mạng và vướng vào vòng tù tội.

 

(còn nữa)

 

Theo Nguyễn Hương

Tuổi trẻ thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm