Sinh viên và vòng xoáy nhậu nhẹt: Uống rượu thể hiện bản thân
Càng về các dịp cuối năm, nhu cầu nhậu của các sinh viên trở nên rầm rộ. Với nhiều sinh viên “tửu lượng” được đong... bằng lít. Có hàng tỷ lý do được các bạn sinh viên đưa ra để cùng “dzô… dzô” và chuyện sinh viên đi nhậu thì cũng rất “lê thê” …
“Mấy thằng đi nhậu để có được cảm giác thoải mái sau những giờ học căng thẳng, vui đi nhậu, buồn đi nhậu lại vui, mà chẳng cần có lý do gì cả. Thích thì nhậu thôi “ới” một tiếng là có 4-5 thằng, đủ mâm”, Mạnh, sinh viên Đại học Công nghiệp không ngại ngùng chia sẻ.
Hùng – Sinh viên ĐH Xây dựng, một thành viên quen thuộc của “hội nhậu” với gần một chục nam sinh viên. Hồi là sinh viên năm đầu Hùng mới uống một chén mặt đã đỏ tía tai, hoa mắt, chóng mặt. Vậy mà chỉ sau 2 năm gia nhập “hội nhậu”, Hùng đã thành “dân chuyên”.
Theo các sinh viên, cứ vào mâm nhậu thì không còn khoảng cách, đều trở thành anh em. “Chú cứ uống hết chén này, chúng ta quen nhau từ đây, không uống “Bắc Cạn” thì lần sau gặp nhau không cần phải chào hỏi nữa”, một sinh viên cùng những người bạn ngồi ở bàn nhậu trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) vừa nâng chén vừa nói. Người đối diện không còn cách nào khác vừa nhăn mặt vừa uống cạn chén rượu. Vậy là họ thành anh em.
Với sinh viên “ưa nhậu” thì ngày nào cũng sẽ trở thành ngày kỷ niệm để mở tiệc rượu. Kết thúc kỳ thi học kỳ, thằng bạn có người yêu, thậm chí là chia tay, chuyển tới phòng trọ mới. Nhậu vì thằng bạn ở quê mới lên, nghỉ để về quê ăn Tết...
“Mồi” nhậu của “ét vê”
Không quá khó để sinh viên để kiếm được “mồi nhậu”. Đầu tháng mới “lĩnh lương” từ quê nhà thì những “con nhậu” rủ nhau ra quán, có người bưng bê tới tận nơi. Những quán nhậu sinh viên giá rẻ mọc lên san sát trên vỉa hè cạnh ngay các cổng trường đại học. “Ra quán nhậu thì “mồi” gì cũng có, muốn uống bao nhiêu rượu cũng được.
Khi tiền không còn nhiều nữa thì mua đồ về nhà tự chế biến “mồi nhậu”, mùa đông ăn lẩu, uống rượu, mùa hè bia đậu phụ luộc, lạc rang”, Mạnh nói về ẩm thực nhậu của mình.
Cũng có những khi nhẵn túi, chỉ đủ tiền mua rượu thôi, mấy thằng ngồi “tào lao” chai rượu chuyển từ thằng này sang thằng khác cũng chẳng cần phải có “mồi nhắm” vậy mà chuyện vẫn “xôm”, chỉ cần có chút men vào người là tốt rồi.
“Thi thoảng có đứa bạn về quê kiếm được chai rượu nếp quê là cả “hội nhậu” học hành không yên, không làm được chuyện gì nên hồn, chỉ đợi hết ngày để cùng “đọ tửu”.
Với nhiều sinh viên nhậu là để thể hiện bản thân, cá tính của mình, nhậu để “không khác người”.
(còn nữa)
36% số người lái xe máy có nồng độ cồn vượt ngưỡng
Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1l khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1l khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1l khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tại Việt Nam, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái xe ôtô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. |
Theo Nguyễn Hương
Tuổi trẻ thủ đô