Sinh viên Trung Quốc "vỡ mộng" vì thất nghiệp

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt cùng với những hạn chế do dịch Covid-19 khiến nhiều người trẻ lựa chọn "nằm im" hoặc rời khỏi Trung Quốc để tìm kiếm tương lai tươi sáng hơn ở nơi khác.

Trong vài tuần tới, Trung Quốc chuẩn bị đón 10,8 triệu sinh viên tốt nghiệp, đây là con số kỷ lục về số lao động mới gia nhập thị trường lao động ở nước này. Những sinh viên mới tốt nghiệp cũng đối mặt với vô vàn khó khăn khi xây dựng sự nghiệp sau thời gian dài học tập trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp.

Hồi tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị nước này đã tăng lên mức kỷ lục 18,4%, và có thể đạt 23% vào mùa cao điểm tốt nghiệp vào tháng 8.

Sự kết hợp giữa số sinh viên tốt nghiệp kỷ lục và mức thất nghiệp cao đã tạo ra một thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt vào thời điểm mà các ưu tiên của cả nhà tuyển dụng và người lao động đều thay đổi.

Điều này đang đặt ra áp lực lớn đối với các trường đại học của Trung Quốc khi họ phải cố gắng đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có việc làm hoặc có thể học lên cao sau khi nhận bằng cử nhân.

Một số báo cáo cho thấy nhiều trường đang khuyến khích sinh viên nộp đơn du học sau tốt nghiệp, hoặc được cho sẽ hoãn xét tốt nghiệp cho đến khi họ nhận được thư mời làm việc.

Theo trang tuyển dụng Zhaopin, tính đến tháng 4, chưa đến một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học nhận được lời mời làm việc.

"Cơn sốt" thi công chức

Các ngành nghề mà sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc đang tìm kiếm việc làm đã có sự thay đổi. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng ngày càng mạnh mẽ của hiện tượng được gọi là "cơn sốt Cao Hùng" hay "cơn sốt công vụ" trên mạng xã hội.

Trong 28 năm qua, số lượng các vị trí trống có sẵn trong các cơ quan công chức nhà nước đã tăng 64 lần, trong khi số đơn xin vào các đơn vị này tăng tới 482 lần. Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử số người tham gia kỳ thi tuyển công chức vượt quá 2 triệu người.

Đây chính là sự đảo ngược xu hướng so với cách đây 20 năm - khi các sinh viên tốt nghiệp từ chối tham gia lĩnh vực dịch vụ công để theo đuổi sự nghiệp trong các doanh nghiệp tư nhân đang phát triển.

Sinh viên Trung Quốc vỡ mộng vì thất nghiệp - 1
Sinh viên Trung Quốc gia nhập thị trường việc làm với sự cạnh tranh khốc liệt (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Đằng sau sự gia tăng mạnh mẽ của "cơn sốt công chức" là sự mất niềm tin vào nghề nghiệp của giới cổ cồn trắng - chỉ những người có học vấn làm việc trong các văn phòng chuyên nghiệp. Nhiều người muốn tìm kiếm sự ổn định trong các cơ quan nhà nước.

Đại dịch đã làm tăng cảm giác chơi vơi của tầng lớp trung lưu. Dữ liệu khảo sát cho thấy hơn 1/4 nhân viên văn phòng cảm thấy bi quan về việc thăng chức hay tăng lương trong tương lai.

Mặc dù văn hóa 996 (ép nhân viên làm việc từ 9h sáng đến 9h tối trong suốt 6 ngày một tuần) đã bị cấm nhưng tỷ lệ nhân viên văn phòng quay cuồng với công việc vẫn tăng chứ không hề có dấu hiệu giảm trong những năm gần đây.

Các du học sinh Trung Quốc trở về nước lập nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Sinh viên quốc tế phải trải qua giai đoạn tìm việc với các hình thức tuyển dụng và ưu tiên khác nhau, buộc họ phải có các kỹ năng mới và cạnh tranh cho các công việc hàng đầu.

Bên cạnh đó, việc học tập trong bối cảnh đại dịch có thể khiến sinh viên Trung Quốc thay đổi quan điểm về những gì họ đang tìm kiếm ở một công việc và cả tham vọng nghề nghiệp của mình.

Sinh viên du học cũng tìm kiếm những công việc họ cho là thú vị, cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống, mang lại cơ hội phát triển nghề nghiệp và thời gian làm việc thoải mái hơn.

Sau những biến động của đại dịch, nhiều người chú ý đến lối sống cùng mức lương tốt hơn là những ưu tiên trước đây như văn hóa doanh nghiệp hay danh tiếng của nhà tuyển dụng.

Mặc dù lương thưởng, phúc lợi cho đến nay vẫn là điều quan trọng đối với những sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc, nhưng đã có một sự đánh giá lại về những điều ưu tiên trong cuộc sống, công việc của họ.

Người trẻ "nằm im" sau tốt nghiệp

Trở thành sinh viên tốt nghiệp trong năm 2022 được cho là thử thách lớn tại Trung Quốc. Thị trường việc làm siêu cạnh tranh cùng hàng loạt hạn chế kiểm soát Covid-19 đang diễn ra khiến nhiều người trẻ bàn luận về neijuan - "nằm im". Họ cho rằng bản thân không thể đạt được các mục tiêu, sự kỳ vọng của phụ huynh và xã hội.

Gần đây, giới trẻ cũng nói nhiều đến khái niệm "runxue" - mong muốn rời khỏi Trung Quốc để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn ở nơi khác. Lợi ích từ bằng cấp quốc tế không còn rõ ràng với nhiều người trẻ và gia đình của họ. Sinh viên Trung Quốc đang tìm kiếm nhiều hơn một tấm bằng quốc tế vào lúc này.

Những bạn trẻ đang tìm cách xây dựng kỹ năng tuyển dụng, kinh nghiệm làm việc để có thể trở về Trung Quốc với sự tự tin rằng họ đã sẵn sàng để theo đuổi sự nghiệp. Bên cạnh đó, sự thất vọng với "giấc mơ Trung Hoa" cộng với sự mệt mỏi vì phong tỏa đã khiến nhiều người rời khỏi quê nhà để sống ở nước ngoài.

Theo www.channelnewsasia.com