Sinh viên @ sành điệu, cá tính và…

Một anh bạn người Canada đã miêu tả sinh viên Việt Nam chỉ trong 3 từ: năng động - cá tính - hiện đại. Khoái chí, hãnh diện cộng thêm một chút... hoài nghi, tôi bèn lùng sục khắp các giảng đường để đi tìm chân dung những người trẻ được “gắn mác” thế hệ @. Và sau đây là kết quả.

Ai bảo học giỏi thì không sành điệu?

Thời hi-tech, người ta có thể nhận ra nhau qua những phụ tùng "treo" lủng lẳng trên cổ, tay và thậm chí cả dưới... chân. Một ví dụ rất đơn giản, bắt gặp một cô nàng mặc áo thun 3 lỗ bó sát, quần thụng thùng thình, kính mát xanh lè và mang đôi ba-ta màu đỏ cam rực rỡ, bạn có thể khẳng định đây là một tín đồ của trường phái hip-hop đang hùng cứ khắp đất Sài Gòn.

Bạn gọi mấy tiếng mà cô nhỏ vẫn "quăng cục lơ"? Đến gần hơn, bạn phát hiện ra 2 cái dây điện lủng lẳng thả xuôi trước ngực áo, hóa ra nàng “bận” thưởng thức một khúc nhạc nào đấy đang ầm ĩ trong chiếc MP3 nhỏ xinh dưới túi quần. Bắt chuyện thì nàng cười toe, bật mí về album hip-hop mới nhất của Linkin Park mà nàng đang tranh thủ nhâm nhi trước giờ vào học buổi chiều. Đó là một chân dung của dân Ngoại thương, những người nổi tiếng sành điệu và năng động.

Học tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, lướt web nhiều hơn đọc sách và gõ máy tính nhiều hơn cầm bút, đó là những đặc điểm của dân "ngoại" Việt Nam. "Cho điểm" những bạn trẻ này, các "giám khảo" (cũng trẻ nốt) thường dựa trên tiêu chuẩn đầu tiên là sành điệu. Nhưng sành điệu không chỉ bởi những phụ kiện bắt mắt bên ngoài, với những người trẻ @, mà còn thể hiện trong cách nghĩ và những gì bạn làm được.

Những ai lần đầu gặp Thanh Hương (khoa Ngữ văn - Báo chí  ĐH KHXH&NV TPHCM) đều ấn tượng trước phong cách Hàn Quốc của cô nhỏ: váy ngắn, áo lửng, giày gót cao, tóc high light duỗi thẳng và những vòng tay, vòng cổ độc đáo không đụng hàng. Hương đi con Piagio nhỏ xinh màu trắng bạc, điện thoại cầm tay là một "em" Samsung mỏng manh rất mốt. Nhưng đó vẫn chưa là "chân dung" hoàn chỉnh.

Nói chuyện với Hương, bạn sẽ bất ngờ bởi những suy nghĩ sâu sắc và có phần đột phá của cô bạn này. Điều bất ngờ hơn nữa, Hương đang là lớp trưởng lớp Cử nhân tài năng của khoa Ngữ văn. Con gái học văn, lại học rất giỏi, liên tục đoạt nhiều học bổng mà trông vẫn "ăn chơi" đến thế. Hương cười rất nhẹ: "Ai bảo học giỏi thì không sành điệu được?".

Dân công nghệ... xã hội

Nhắc đến khái niệm "công nghệ", hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến các cụm từ tiếp theo như thông tin, môi trường, sinh học, thực phẩm... những bộ môn khoa học tự nhiên khô khan. Thế nhưng dân "công nghệ" có khi lại là một chàng hoàn toàn "xã hội nhân văn" bởi chàng tự trang bị cho mình những "đồ chơi" cực kỳ "digital".

Ví dụ như Hoàng Hiệp, SV năm cuối khoa Báo chí (ĐH KHXH&NV). Chàng được bạn bè gọi đùa là Hiệp "lỉnh kỉnh" bởi những "trang thiết bị" lủng lẳng kèm theo: điện thoại Nokia 7280i, USB, máy ghi âm, MP3 và một máy ảnh kỹ thuật số Ricoh CAPILO-G300. Cục cưng Ricoh này luôn là đề tài tâm đắc nhất của Hiệp bởi đó là một trong 10 chiếc cùng loại có mặt ở Việt Nam, có thể vô tư chụp ảnh dưới nước hay giữa trời mưa to gió lớn. Nghe tôi hỏi về giá cả, anh chàng cười toét miệng: "Lúc mới mua hơn 8 triệu, nhưng bây giờ thì... vô giá, vì đâu còn dòng này trên thị trường".

Để có con máy ảnh xịn này, Hiệp đã cày ròng rã mấy tháng trên các trang báo mà chàng cộng tác, nhịn hẳn khoản chè cháo thường ngày chỉ để tậu được "em". Nói như Hiệp thì "tất cả vì sự nghiệp thân yêu", và đó cũng là phương châm của các bạn trẻ từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học.

...Và những @ tự nhiên

Dân xã hội lăn xả là thế, sinh viên các ngành tự nhiên cũng không kém "bon chen" trong khoản "kỹ thuật cao" này. Lâm Xuân Nhật, chàng sinh viên lớp cử nhân tài năng khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH KHTN TP.HCM), "sát thủ giải thưởng và học bổng", thường "xuất hiện" với chiếc laptop bên cạnh.

Chat trên mạng, thỉnh thoảng anh chàng lại hỏi tôi những câu hơi bị "ngố" kiểu "nhuộm tóc hai-lai là nhuộm làm sao?", nhưng nếu bạn hỏi về một dòng máy tính, một kiểu O2 mới nhất thì chàng sẽ trả lời vanh vách từ số hiệu, tính năng, giá thành đến cả những nhược điểm nhỏ nhất của từng sản phẩm một! Mới hôm nay còn ở Sài Gòn, sáng hôm sau đã thấy chàng vi vu ngoài Hà Nội để họp báo, buổi chiều lại đã ở tận Venezuela để dự Hội nghị Thanh niên.

Bận rộn, giỏi giang nhưng chàng sinh viên 3 tốt này luôn dành thời gian để "tám" với bạn bè và "xóa mù thời trang" (chẳng hạn như cập nhật thông tin về các kiểu tóc nhuộm!).

Tuấn Khải (SV khoa CNTT ĐHBK TPHCM) lại nổi tiếng "nghiện" đồ chơi kỹ thuật số một cách "không thể cuồng tín hơn". Chàng sẵn sàng "cày sâu cuốc bẫm", chạy show khắp các “cua” dạy kèm, tiếp thị, lắp ráp máy chỉ để đủ tiền mua một con chip bé tẹo về chế tạo thành hàng độc hoặc lùng cho được chiếc iPod loại nano mới nhất của Apple, trong khi ở nhà đã lủ khủ những MP3, iPod và máy DVD đủ loại. Để rồi vài ngày sau có hàng mới hơn, chàng lại "vật vã cày bừa" để... mua tiếp.

Giải thích cho sở thích tốn kém này, chàng chỉ nhe răng cười: "Tiếp cận công nghệ mới mà, bao giờ cho đủ!". Chiếc máy tính Pentium 4 của Khải đã được nâng cấp, thay thế, tháo lắp trên dưới... chục lần để trở thành một con PC đa chức năng, đa phương tiện và cũng cực kỳ... đa cảm (cứ hễ đụng vào không khéo là lại hỏng!). Các thiết bị điện tử trong nhà từ máy tính đến tủ lạnh, công-tắc đèn phòng khách và cả điện thoại bàn đều được Khải gắn bộ phận cảm ứng và "chế" hẳn một bộ điều khiển từ xa cho từng thứ một!

Nhà có nhiều remote điều khiển đến nỗi phải dành riêng một ngăn tủ cho remote, lâu lâu bấm lộn remote để tắt đèn là... tủ lạnh lại bật mở! Cô em học lớp 6 của Khải đã "tận dụng công nghệ cao" này một lần để... nhát ma mấy đứa bạn hàng xóm qua chơi và cô bé đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Điện thoại vừa đổ một hồi chuông đã im bặt, đèn đang sáng bỗng phụt tắt, tủ lạnh mở ra đóng vào như có ai đứng cạnh và con Pentium 4 đang tối thui bỗng lạch tạch khởi động, màn hình rực sáng. Mấy cô cậu nhóc ré lên, ôm nhau chặt cứng trong khi thủ phạm nhí ngồi cười rúc rích sau tấm màn.

Đi một vòng quanh thế giới @ của những người trẻ, tôi đã thấy "hơi bị choáng" trước "kho tàng phụ tùng" mà các bạn đã trang bị cho mình. Đóng lại file "Sinh viên @" và nhấn nút "turn off" cho chiếc laptop vừa... mượn được mấy ngày, tôi nhìn lại dãy nhà "hot spot" lộng lẫy, đường bệ của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, khu truy cập wifi miễn phí cho sinh viên. Một vài bạn đang mải miết rê ngón tay trên laptop, say sưa lướt trên những trang web ngồn ngộn thông tin và sức trẻ… 

Theo Đặng Hạnh
Thanh Niên