Sinh viên “quý tộc”, họ là ai? - Bài cuối: Khi cuộc chơi đã tàn

Khi sa vào các cuộc chạy đua thể hiện đẳng cấp, vùi đầu vào các cuộc ăn chơi “không ngại mưa rơi”, nhiều cô cậu sinh viên “quý tộc” tự ném mình vào đủ thứ lụy phiền. Thê thảm hơn có lắm “anh tài” đang được gia đình cho “an trí” tại các trại cai nghiện.

Vào chùa… vượt cạn

Trong tiết trời oi nồng của những ngày cuối tháng 10, chúng tôi ghé chùa Diệu Pháp ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Chùa nằm giữa rừng cao su vắng lặng buồn đến nao lòng. Gần 40 năm qua, ngôi chùa này đã nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ, phần lớn là “kết quả” của những mối tình chóng vánh của sinh viên , thậm chí có cả học sinh.

Dắt chúng tôi về phía dãy phòng nằm sau chánh điện, sư Huệ Đức cho biết đứa trẻ sơ sinh đang khóc là con của Mai, sinh viên năm thứ hai, trường đại học Sư phạm TPHCM. Nhờ sư Huệ Đức tác động, Mai đồng ý giãi bày tâm sự.


Bà mẹ trẻ tá túc ở chùa Diệu Pháp để sinh con.

Bà mẹ trẻ tá túc ở chùa Diệu Pháp để sinh con.

Mai lớn lên ở dải đất miền Trung nắng gió. Để thoát cái nghèo, ba mẹ dắt con cái bỏ quê vào Bình Phước lập nghiệp. Ngày lên Sài Gòn nhập học, ba mẹ dặn Mai đủ điều..., trong đó có chuyện giữ mình trước vô số cám dỗ ở chốn thị thành.

Một thân một mình nơi đất khách, Mai ấp ủ nhiều dự kiến cho tương lai. Ngờ đâu cô sinh viên được trời phú cho vẻ đẹp hút hồn này rơi vào “bẫy’ của một “cậu ấm” ở quận Bình Thạnh chuyên đi “săn rau sạch”.

Mai nói, hôm thông báo mình có thai, cứ nghĩ bạn trai vui mừng, hai người sẽ tiến đến hôn nhân như những lời hứa hẹn trước đó. Nào ngờ nghe xong tay chơi này ừ cho qua chuyện rồi đánh bài chuồn. “Trước khi cao chạy xa bay, anh ta lấy hết những món đồ đắt tiền trước đó tặng em”, Mai nói trong nước mắt. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với bà mẹ trẻ này nhiều lần ngắt quãng bởi tiếng khóc của đứa trẻ.

Loan, học lớp 11, trường THPT Marie Curie, TPHCM, kể về cuộc đời mình như một tấn bi kịch. Loan sinh ra trong gia đình nghèo, ngày em ra đời thì người cha đưa đơn ly dị. Em lớn lên bữa no bữa đói với đồng tiền ít ỏi làm thuê của mẹ. Năm cuối cấp 2, mẹ Loan đi bước nữa với người đàn ông vừa mới phất lên sau khi trúng mẻ lớn từ trầm kì.

Có tiền, Loan gia nhập nhóm con nhà giàu ăn chơi, đàn đúm. Sau chuỗi ngày góp gạo thổi chung cùng “thiếu gia” học cùng trường, Loan báo mình có thai thì “ông bố” trẻ thẳng thừng chối bỏ: “Mày ngủ với thằng khác rồi đẩy trách nhiệm cho tao hả...”.

“Điều mà bản thân sư rất buồn là sau khi để con mình lại cho chùa nuôi dưỡng thì chưa có một ngày cha mẹ những đứa trẻ quay lại thăm con. Chuyện gặp lại con mình hầu như không tồn tại trong suy nghĩ của những bà mẹ trẻ, bởi các cô muốn quá khứ qua nhanh để với đời, họ vẫn là người trong sạch”, sư Huệ Đức khép lại câu chuyện về những thai phụ học sinh, sinh viên vào chùa vượt cạn.

Ngày tàn của quí tử

“Chuyện gặp lại con mình hầu như không tồn tại trong suy nghĩ của những bà mẹ trẻ, bởi các cô muốn quá khứ qua nhanh để với đời, họ vẫn là người trong sạch”, sư Huệ Đức khép lại câu chuyện về những thai phụ học sinh, sinh viên vào chùa vượt cạn.

Trại cai nghiện ma túy Tiêu Vĩnh Ngọc ở ấp Thuận Hoà, xã Sông Thao, huyện Trảng Bom, Đồng Nai là nơi “hội tụ” không ít “cô chiêu”, “cậu ấm”. Tại đây, người đến cai nghiện có đủ thành phần, từ dân anh chị hết thời đến các nam nữ sinh viên từng đắm mình trong làn khói trắng.

Trong hơn 100 con người đang nỗ lực đoạn tuyệt với nàng tiên nâu, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một học viên tên Minh, có dáng vẻ thư sinh, khuôn mặt sáng láng, đang trầm mình dưới vòi nước chảy mạnh để… cắt cơn. Hỏi ra mới biết cậu nay mới 20 tuổi, là quý tử của một chủ tiệm vàng có tiếng ở chợ Bến Thành.

“Em nghiện từ hồi 16, lúc đó em đang học lớp 10. Nhóm bạn em gồm năm đứa, đứa nào cũng như em thôi. Có đứa thì chết vì sốc thuốc, có đứa ông bà bô đưa đi du học cho khuất mắt… còn em thì đi cai”- cậu ấm từng lập chiến tích có đêm phê thuốc hơn chục triệu đồng khi ở tuổi 16, trò chuyện. Em đi cai mấy lần rồi? Sao mà nhớ,  nói chung là vô số. Cai xong về tái nghiện, tái rồi đi cai, đi cai rồi về tái. Nói chung, bỏ cũng được, nhưng buồn nên chơi cho quên! Em buồn chuyện gì? Minh không trả lời.

Sau này, qua trò chuyện với anh Tiêu Vĩnh Ngọc, người giúp hàng ngàn người nghiện tìm lại cuộc đời nhờ quy trình cắt cơn và “phác đồ” đoạn tuyệt với ả phù dung, mới biết quý tử kia buồn chuyện cha mẹ đường ai nấy bước: “Họ mê làm ăn kinh doanh, chẳng quan tâm gì đến thằng bé. Rồi ông bố ăn chả, bà vợ tức quá đi ăn nem, rồi gia đình lục đục, rồi mạnh ai nấy bước. Sốc quá, vậy là em nó lầy”-anh Ngọc, ngắn gọn.

16 tuổi, Minh đã là con nghiện, đã nếm đủ mùi ăn chơi trụy lạc, đã “đốt” không biết bao nhiêu là tiền và quần áo hàng hiệu, xe xịn, rượu Tây, bồ bịch và những đêm thâu bất cần thân thể. Sợ thằng con lầy, bố mẹ Minh liên tục đưa con vào trường trại cai nghiện ở khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng không ăn thua: “Lần này vào đây, nói thiệt em cai cho ổng bả vui thôi,  chứ chắc gì…”, quý tử con nhà giàu có chuyện gia đình lâm ly, bộc bạch.

Theo Đình Đình

Tiền phong