Sinh viên phát ngôn trên mạng xã hội: Đừng nghĩ "nhà tôi" tôi thích thì nói

Văn Hiền Vương Hồng

(Dân trí) - Dư luận "dậy sóng" trước những phát ngôn của sinh viên, giảng viên đã đặt ra nhu cầu cấp thiết các trường phải xây dựng quy tắc ứng xử, phát ngôn trên mạng xã hội đối với sinh viên, giảng viên.

Đừng nghĩ: "Nhà tôi", tôi muốn nói gì là quyền của tôi

Tháng 8/2021, nữ giảng viên Trường Đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng) đã bị đình chỉ dạy học vì có phát ngôn sai lệch về phòng chống dịch Covid-19 trong bài giảng của mình.

Hay gần đây nhất là trường hợp một số người gửi đơn tố cáo giảng viên của ĐH Luật TPHCM livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng, cho rằng giảng viên này đã vi phạm chuẩn mực về tư cách đạo đức của người thầy khi sử dụng từ ngữ dung tục, phản cảm… Những câu chuyện không mới nhưng một lần nữa đặt ra câu hỏi: Nên chăng cần có quy chuẩn phát ngôn trên mạng xã hội cho giảng viên, sinh viên?

Nhận thức được cái lợi của mạng xã hội, nhưng Nguyễn Vương Anh (học viên năm cuối, Học viện Cảnh sát nhân dân) cũng cảm thấy lo ngại nếu không có những quy tắc về phát ngôn trên mạng đối với sinh viên, giảng viên.

Vương Anh cho rằng: "Có không ít những bạn sinh viên phát ngôn, bình luận cũng như chia sẻ những nội dung hoặc ngôn từ chưa chuẩn mực, thiếu văn minh trên mạng xã hội. Điều này tác động tiêu cực đến tâm lý, thậm chí ảnh hưởng xấu đến đời sống của những người xung quanh, nhất là đối với những nạn nhân được nhắc tới".

Sinh viên phát ngôn trên mạng xã hội: Đừng nghĩ nhà tôi tôi thích thì nói - 1
Suốt thời gian chống dịch tại Long An, Vương Anh nhận thấy những phát ngôn của nhiều bạn sinh viên nhiều khi còn mang tính chống đối, phản động.

"Trong suốt những ngày hỗ trợ chống dịch tại Long An, mình thấy nhiều bạn sinh viên hùa theo những nghệ sĩ nổi tiếng để phát ngôn những tư tưởng sai trái về thành quả chống dịch của Đảng và Nhà nước, những phát ngôn đó mang tính chống đối với và phản động. Nếu không xử lý, ngăn chặn kịp thời thì hậu quả thật khó khôn lường", Vương Anh nói.

Vương Anh cho rằng, ngoài Bộ quy tắc ứng xử ra thì các trường cũng cần đưa ra những quy định về phát ngôn trên mạng xã hội của sinh viên, giảng viên. Quy tắc đó sẽ tạo thói quen suy nghĩ, đắn đo trước khi phát ngôn, bình luận hay chia sẻ một điều gì đó trên mạng, để không làm tổn thương đến mình và những bạn khác khi tham gia mạng xã hội. Đừng bao giờ có suy nghĩ: "Nhà tôi", tôi muốn nói gì là quyền của tôi.

Dư luận xã hội chỉ trích nhiều về việc giảng viên có những phát ngôn vi phạm đạo đức, Lê Minh Anh (sinh viên Học viện Ngân hàng) cũng cho rằng giáo viên là hình ảnh đại diện cho ngôi trường, một lời nói ra có thể ảnh hưởng đến cả một tập thể.

"Mới đây, mình cũng đã xem đoạn livestream bà Nguyễn Phương Hằng cùng giảng viên Đại học Luật TPHCM, thầy Đặng Anh Quân. Cá nhân mình không đánh giá sự đúng hay sai trong việc này, nhưng điều mình cảm thấy không hài lòng khi thầy Quân dùng chính tư cách giảng viên để phát ngôn, trong số những phát ngôn này có nhiều điều đã vi phạm chuẩn mực đạo đức. Đã là một giảng viên của một trường, mỗi lời nói ra cũng đại diện, ảnh hưởng đến cả một tập thể ở phía sau", Minh Anh bày tỏ.   

Sinh viên phát ngôn trên mạng xã hội: Đừng nghĩ nhà tôi tôi thích thì nói - 2
Minh Anh cho rằng, một giảng viên tốt không chỉ ở thể hiện ở thái độ sống mà còn cách phát ngôn, sử dụng mạng xã hội.

Nữ sinh bày tỏ: "Không chỉ mình mà rất nhiều bạn sinh viên cũng nhìn nhận một giảng viên qua thái độ hàng ngày mà còn ở trên mạng xã hội. Là một nhà giáo thì việc giữ chuẩn mực đạo đức là rất quan trọng, nhất là qua lời nói. Chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể bị dư luận ném đá, ảnh hưởng không chỉ đến thầy cô đó mà còn với nhà trường".

Hoàng Phương Dung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng với đặc tính hấp dẫn của các trang mạng xã hội thì rất dễ khiến lứa tuổi sinh viên sa vào "biển thông tin" hỗn loạn, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách.

Sinh viên phát ngôn trên mạng xã hội: Đừng nghĩ nhà tôi tôi thích thì nói - 3

Phương Dung cho rằng hầu hết các trường đại học hiện nay vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc đưa ra quy định để kiểm soát phát ngôn trên không gian mạng.

Phương Dung chia sẻ: "Việc đưa ra những quy định về phát ngôn của sinh viên, giảng viên trong chính môi trường giáo dục chính là rào chắn cần thiết để kiểm soát hành vi, đào tạo không chỉ kiến thức mà còn rèn luyện phẩm chất cho sinh viên, giảng viên. 

Mọi sinh viên đều cần có trách nhiệm với phát ngôn, với hành động của bản thân trên mạng xã hội, cần nhận thức được cái mình thấy, cái mình đọc, cái mình làm trên mạng xã hội là thật hay giả, là tốt hay xấu, bởi mạng xã hội cũng là cách để chúng ta nhìn nhận một người có tính cách, phẩm chất ra sao thông qua cách phát ngôn mà người đó thường xuyên sử dụng".

Kiên quyết xử lý những vi phạm 

Thầy Nguyễn Văn Dung (Phòng Công tác sinh viên và Thanh tra giáo dục, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM) nói về vấn đề phát ngôn trên mạng xã hội của sinh viên, một thực trạng diễn ra ở tất cả các trường là sinh viên phản ánh không hài lòng bằng việc phát tán lên mạng xã hội và nhiều khi sai sự thật.

Sinh viên phát ngôn trên mạng xã hội: Đừng nghĩ nhà tôi tôi thích thì nói - 4

Thầy Nguyễn Văn Dung - Phòng Công tác sinh viên và Thanh tra giáo dục, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM.

"Nhằm thu hút dư luận quan tâm, câu chuyện được khuếch đại qua lăng kính chủ quan thêm vào đó là "tâm tư, tình cảm" của tác giả. Từ đó sinh viên tham gia tương tác, hình ảnh phản cảm và câu chuyện không có thật để đồng tình với phát ngôn trên. 

Việc này đã làm bản chất sự việc thay đổi gây ra hiệu ứng tiêu cực. Do đó, sinh viên phải phản ánh đúng với phòng ban chức năng chứ không được phát ngôn bừa bãi như vậy, sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của nhà trường", thầy Dung chia sẻ.

ThS. Nguyễn Thị Hằng (Trưởng bộ môn tâm lý - ĐH Nguyễn Tất Thành) đặt vấn đề, sinh viên khi like, share hay phát ngôn có nghĩ đến cảm nhận, cảm xúc của người được like, share không? 

Có những bình luận, chia sẻ, phát ngôn mang tính tích cực, khi được lan tỏa rộng trên mạng xã hội sẽ mang lại niềm vui hay nâng tầm giá trị của một người nào đó nhưng nếu mang tính tiêu cực sẽ hạ thấp giá trị của họ. Cho nên trước khi like, share, phát ngôn… các em cần cân nhắc kỹ, chú ý cảm xúc của người khác tránh làm thương tổn họ.

Sinh viên phát ngôn trên mạng xã hội: Đừng nghĩ nhà tôi tôi thích thì nói - 5
ThS. Nguyễn Thị Hằng (Trưởng bộ môn tâm lý - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) phát biểu tại tọa đàm "Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội".

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải) cho biết, đứng trước những yêu cầu của xã hội nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử phát ngôn trên mạng xã hội đối với sinh viên và giảng viên của trường.

"Hiện tại, nhà trường đang sử dụng quy chế "Các hành vi sinh viên không được làm thực hiện theo quy định tại Điều 88 Luật Giáo dục, Điều 61 Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan" do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. 

Nhưng nhận thấy những yêu cầu cấp thiết của xã hội, nhà trường đã lên kế hoạch xây dựng bộ quy tắc ứng xử phát ngôn trên mạng xã hội của sinh viên và giảng viên. Những trường hợp làm trái với quy định, nhà trường sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật", thầy Chương khẳng định.

Luôn đi đầu trong các công tác bồi dưỡng về tư tưởng sinh viên, PGS.TS Phạm Minh Sơn (Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ban hành quy chế ứng xử trên mạng xã hội với sinh viên và giảng viên.

Trong đó quy định: "Nghiêm cấm sinh viên phát ngôn, đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet".

Thầy Sơn khẳng định: "Toàn bộ sinh viên của Học viện đều thực hiện rất tốt quy chế đề ra. Ngay từ đầu năm học, Học viện cũng dành riêng thời lượng một buổi để phổ biến và phân tích những quy chế đó. Những sinh viên sai phạm sẽ bị xử lý theo mức độ từ khiển trách đến đình chỉ học, Học viện kiên quyết xử lý sai phạm và không bao che".

Sinh viên phát ngôn trên mạng xã hội: Đừng nghĩ nhà tôi tôi thích thì nói - 6
Quy tắc ứng xử mạng xã hội do  trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh ban hành.

Thầy Thái Doãn Thanh (Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM) chia sẻ: "Nhà trường đã thiết lập bộ quy tắc, quy định trong quá trình học tập, nghiên cứu, sử dụng môi trường mạng nhằm cụ thể hóa và tránh vi phạm những quy tắc và quy định. Nhờ có bộ quy tắc này sẽ giúp các em phát huy tối đa được tiện ích, chức năng trong quá trình học tập".