Sinh viên làm biên đạo múa

Công việc của “biên đạo múa – sinh viên” là dàn dựng các tác phẩm theo yêu cầu của khách hàng, như xây dựng các tiết mục biểu diễn văn nghệ cho học sinh phổ thông, hay tập cho nhân viên công ty thi văn nghệ. Có tài năng, đam mê nghệ thuật và kỹ năng sư phạm, nhiều bạn sinh viên chọn nghề biên đạo múa kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Yêu cầu khắt khe

Từ lúc tập luyện đến khi biểu diễn (thường kéo dài từ 2 tuần cho tiết mục lớn – dài từ 7 đến 30 phút và một tuần cho các tiết mục nhỏ – từ 3 đến 7 phút), biên đạo múa có thể kiếm được vài triệu đồng.

Nhiều người nghĩ rằng, đó là part-time “ngon ăn” nhưng Vy Khanh (năm thứ hai, trường Trung cấp Múa TP. HCM, làm biên đạo múa thời vụ được một năm) thì không nghĩ vậy: “Muốn làm biên đạo múa, bạn cần rất nhiều yếu tố: Giọng nói tốt, có khả năng truyền đạt, sáng tạo, tính thẩm mỹ…

Là sinh viên, chưa có kinh nghiệm nên mình thường chỉ nhận những “show” nhỏ của các công ty, trường học. Đa phần mọi người đều không biết múa nên mình không thể hướng dẫn theo những bài múa ở trường. Sáng tạo một bài múa hoàn thiện, phù hợp tốn rất nhiều chất xám và thời gian nhưng lúc dựng lại cho mọi người, mình còn phải linh động điều chỉnh thêm lần nữa”.

Thực tế là nhiều bạn bè trong lớp Vy Khanh thử làm thêm giống cô nhưng rất ít người bám trụ lại được, vì không có khả năng sư phạm và biết cách đơn giản hóa động tác cho người không chuyên.

Nghề biên đạo múa không chỉ dành cho những bạn học múa. Nhiều bạn trẻ dựa vào năng khiếu, kinh nghiệm tham gia các chương trình vẫn thành công trong công việc làm thêm này. Đỗ Khôi Nguyên (ngành Ngôn ngữ học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) có kinh nghiệm 5 năm làm thêm từ ngành biên đạo múa.

Anh bạn tham gia Nhà thiếu nhi từ nhỏ, đi diễn ở nhiều nhà hát nên từ THPT đã tham gia dựng bài cho lớp, cho trường. Đến THPT, kinh nghiệm tăng dần, Khôi Nguyên được các thầy cô giáo cũ mời dạy cho các em (có thù lao). Sau những buổi diễn thành công như vậy, anh bạn dần được biết đến và có nhiều “show” hơn.


Khôi Nguyên (hàng ngồi, ngoài cùng, bên trái) dựng bài dự thi cho các em học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Khôi Nguyên (hàng ngồi, ngoài cùng, bên trái) dựng bài dự thi cho các em học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Đừng là “chiếc USB”

Khôi Nguyên tuy là “tay ngang” nhưng có khi “đắt show” hơn những bạn chuyên về múa. Anh bạn chia sẻ: “Nghề làm thêm này, quan trọng nhất là sự sáng tạo. Có nhiều bạn múa rất đẹp nhưng bạn ấy chỉ như chiếc USB – nhớ tất cả các bài múa. Nếu thế thì chỉ là người dạy bài thôi, chứ không phải là biên đạo”. Theo Khôi Nguyên, nhu cầu thị trường cho công việc này rất lớn. Công ty, trường học, nhà hàng tiệc cưới… đều cần người biên đạo cho các chương trình văn nghệ.

Vy Khanh chia sẻ: “Dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các trường học từ mầm non đến đại học đều có nhu cầu. Vào “mùa” này thì thu nhập của mình trong 2 tuần “chạy show” không bao giờ ít hơn 10 triệu đồng. Các nhà hàng tiệc cưới thường tập trung vào cuối tuần, yêu cầu bài biểu diễn đơn giản nên bạn nào “chạy show” cho 3 nhà hàng thì thu nhập hằng tháng khoảng 6 triệu đồng.

Bạn nào chuyên nghiệp, được nhiều người biết đến thường nhận biên đạo cho buổi diễn ra mắt sản phẩm, tiệc tri ân khách hàng, tiệc cuối năm của các công ty… thu nhập còn cao hơn nữa và khá ổn định”.

Khôi Nguyên chia sẻ “bí kíp” để tạo thương hiệu, hút khách hàng: “Mình dành thời gian rảnh rỗi để dựng nhiều tác phẩm. Cùng một chủ đề, mình sẽ có nhiều bài múa đa dạng. Nếu tác phẩm tạo được ấn tượng, người ta sẽ chủ động liên hệ. Ví dụ như mình dựng bài múa về phong trào thanh thiếu nhi, bài đó ít người dàn dựng nhưng nhiều tập thể lại cần để biểu diễn dịp lễ. Sáng tạo ở những chủ đề ít người làm, là một lợi thế”.

Vy Khanh cho rằng, để nghĩ ra chủ đề ”ít người làm” không đơn giản. Người dựng không chỉ cần hiểu về múa mà còn phải có kiến thức văn hóa – xã hội, biết đưa chất liệu cuộc sống vào tác phẩm. Điều đó không phải ai cũng làm được.

Khôi Nguyên tâm sự: “Đặc thù nghề làm thêm này phải tiếp xúc với nhiều người, ở nhiều ngành nghề, độ tuổi khác nhau. Có lúc tập cho các bé mầm non, có lúc là các anh chị, cô chú lớn tuổi nên cần sự linh hoạt trong cách ứng xử”.

Lúc dựng bài cho những người không chuyên, biên đạo múa rất dễ bực mình vì phải “căng não” để sửa bài. Tập luyện phải mở nhạc nên khi diễn viên làm sai thì biên đạo phải nói lớn hơn nhạc khiến đôi lúc, diễn viên nghĩ biên đạo đang la mắng.

“Với các bé còn nhỏ thì không sao nhưng với người lớn, họ thường tự ái, có thể đòi bỏ tập, nguy cơ bể “show”, mất tiền, nếu không biết cách xử lý kịp thời”, Khanh kể. Cô từng chứng kiến nhiều biên đạo dùng những từ ngữ thiếu tôn trọng như: “Múa thấy ghê!”, “Tay bị tật à?”… khiến cho buổi tập nặng nề. Làm sao để diễn viên làm đúng theo hướng dẫn, tập trung vào bài vẫn là câu hỏi khó trả lời nhất.

Theo Nguyên Nguyên

Sinh viên Việt Nam