Sinh viên là đại sứ văn hóa, tri thức trong hội nhập

Đại diện cho thế hệ trẻ và tri thức, sinh viên được xem là đại sứ quảng bá hình ảnh của quốc gia dân tộc trong hội nhập quốc tế. Nhưng để hội nhập tự tin và hiệu quả, họ cần gì?

Nằm trong khuôn khổ Đại hội sinh viên toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2013-2018), sáng 28/12, tại trường ĐH Ngoại thương Hà Nội diễn ra trung tâm thảo luận số 2 với chủ đề “Sinh viên Việt Nam tự tin hội nhập” với sự tham dự của 100 đại biểu.

 

Đây là một trong số 5 chủ đề thảo luận (cùng xây dựng Hội sinh viên Việt Nam vững mạnh; Đạo đức, lối sống và tác phong sinh viên Việt Nam; Sinh viên Việt Nam rèn luyện sức khỏe xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Sinh viên tình nguyện).

 

Với chủ đề hội nhập, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất ý kiến về lĩnh vực hội nhập, điều kiện để tự tin hội nhập và kiến nghị đối với tổ chức Đoàn, Hội sinh viên.
 
Đại biểu Nguyễn Tất Toàn chia sẻ tại chương trình.
Đại biểu Nguyễn Tất Toàn chia sẻ tại chương trình.

 

Muốn biết người, phải hiểu mình

 

Trải qua thời gian gần hai tiếng, trung tâm thảo luận thu nhận được 18 ý kiến, đề xuất. Trong đó, các đại biểu đều nhấn mạnh tới ba lĩnh vực hội nhập phù hợp với sinh viên, gồm: văn hóa; chuyên môn học tập, nghiên cứu khoa học; các hoạt động của sinh viên thanh niên Việt Nam.

 

Đại biểu Nguyễn Tất Toàn (Chủ tịch Hội sinh viên ĐH KHXH&NV TPHCM) khẳng định: “Sinh viên là đại diện của thế hệ trẻ, tri thức. Do đó, trong quá trình hội nhập mỗi sinh viên là đại sứ của tri thức, đại sứ của văn hóa Việt Nam”.

 

Tại buổi thảo luận, các đại biểu thẳng thắn chỉ ra một số điểm hạn chế của sinh viên Việt Nam trong quá trình hội nhập. Đó là những điểm tồn tại từ lâu như trình độ ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn, giao lưu quốc tế. Mới hơn là sự thiếu hiểu biết về kiến thức văn hóa - chính trị - xã hội, mất cân bằng, thiếu bản lĩnh khi giao lưu.

 

Đại biểu Văn Quyền (đoàn sinh viên Hà Tĩnh) cho rằng: Thực tế hiện nay, có không ít sinh viên thanh niên Việt Nam là những “anh hùng bàn phím”, “nhà đạo đức online”, nhưng lại thiếu tự tin để trao đổi, bày tỏ ý kiến trong cuộc sống, học tập.

 

Không ít người mất cân bằng giữa hiểu biết kiến thức văn hóa – lịch sử dân tộc và văn hóa nước ngoài;chú trọng rèn luyện kỹ năng sử dụng ngoại ngữ mà xem nhẹ việc nâng cao hiểu biết tiếng Việt...

 

Để tự tin trong quá trình hội nhập, bên cạnh việc nắm chắc kiến thức chuyên môn, chuyên ngành theo học và nghiên cứu, sinh viên phải biết trang bị cho bản thân kiến thức văn hóa – lịch sử dân tộc.
 
Đại biểu Nguyễn Anh Vũ (TPHCM) phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Anh Vũ (TPHCM) phát biểu.

 

Đại biểu Nguyễn Anh Vũ (đoàn sinh viên TPHCM) cho rằng: “Ngoại ngữ là chìa khóa để hội nhập. Nhưng để tự tin, sinh viên cần sâu về trình độ chuyên môn sâu và rộng về kiến thức văn hóa dân tộc. Đây là cơ sở để thu nhận nền văn hóa bên ngoài”.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tú (ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông - ĐH Thái Nguyên) khẳng định: “Chúng ta cần có kiến thức nền tảng, am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa của dân tộc mình để hội nhập, chứ không“hòa tan”.

 

Thêm nữa, các đại biểu để sinh viên tự tin hội nhập cần hiểu biết pháp luật của quốc gia và thông lệ của quốc tế để hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của bản thân, quốc gia, dân tộc; Kỹ năng về xử lý thông tin và rèn luyện về sức khỏe thể chất, tâm hồn.

 

Đại biểu Phan Thị Hà My (ĐH Đà Nẵng) cho rằng: “Bản thân mỗi sinh viên cần thường xuyên trau dồi, cập nhật thông tin quốc tế để sinh viên Việt Nam không bị lạc lõng, cô lập trong vòng hội nhập”.

 

Đại biểu Nguyễn Anh Vũ (TPHCM) phát biểu.
Kiều Trang đề xuất ý kiến cần làm tốt công tác kết nối giữa du học sinh Việt Nam với sinh viên trong nước.
 

Là đại biểu sinh viên Việt Nam đang học ở nước ngoài, Kiều Trang – du học sinh Hà Lan, đóng góp cần đẩy mạnh kết nối giữa các bạn du học sinh Việt Nam với sinh viên trong nước. Đồng thời, trở thành cầu nối đưa văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

 

Ngoài ra, nhiều ý kiến góp ý tại thảo luận đề cập tới vấn đề hậu giao lưu, những sinh viên quốc tế cần được trang bị, định hướng về công tác hậu giao lưu, giữ quan hệ với các đại biểu trong nước và quốc tế.

 

Những mô hình, cách làm hay

 

Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu còn đóng góp những mô hình hoạt động, cách làm hay trong việc nâng cao kỹ năng giao lưu và chuyên môn của trường giúp sinh viên tự tin hội nhập.

 

Đại biểu Nguyễn Thái Ân (đoàn sinh viên TPHCM) chia sẻ về các khóa học hội nhập. Khóa học hội nhập thường xuyên được tổ chức với những chuyên đề khác nhau như: Ngoại giao để giới hiệu về kỹ năng giao tiếp, cách bắt tay, trao đổi danh thiếp…; Cơ sở văn hóa Việt Nam đối với sinh viên học các ngành kinh tế, kỹ thuật; Kiến thức hội nhập và xung đột văn hóa giúp sinh viên hiểu biết sự tương đồng, khác biệt giữa các nền văn hóa, tôn giáo, giảm bớt nguy cơ sốc văn hóa; Kiến thức pháp luật đại cương.

 

Đại biểu Nguyễn Tất Toàn lại chia sẻ về mô hình câu lạc bộ giao lưu quốc tế của trường ĐH KHXH&NV TPHCM: Thông qua mô hình câu lạc bộ này, các hoạt động trao đổi văn hóa ngôn ngữ giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên nước ngoài được tổ chức.

 

Quá trình gắn kết, trao đổi này không chỉ trong hoạt động học tập nhóm mà còn có thời gian ăn, ở và các hoạt động thể thao, giải trí. Bên cạnh đó, còn có các nhóm sinh viên các khoa ngành ngoại ngữ sẽ giúp đỡ, bổ trợ sinh viên những khoa ngành khác về kiến thức và sử dụng ngoại ngữ.

 
Đại biểu Nguyễn Anh Vũ (TPHCM) phát biểu.
18 ý kiến đóng góp tại trung tâm thảo luận số 2 là tiếng nói đại diện cho đông đảo các bạn sinh viên để tự tin hội nhập.
 

Để sinh viên Việt Nam tự tin hội nhập quốc tế, các đại biểu kiến nghị: Tổ chức Đoàn, tổ chức Hội Sinh viên tăng cường các hoạt động dẫn dắt, định hướng và giáo dục chính trị cho giới trẻ nói chung và thanh niên nói riêng.

 

Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên các cấp tạo điều kiện, môi trường hoạt động cho sinh viên rèn luyện hội nhập; Quan tâm thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên những nơi không đủ điều kiện, trong đó có hội sinh viên ở nước ngoài; Quan tâm tới cơ chế chính sách, phát huy nhân tài trẻ, tạo sự lan tỏa đến các đối tượng nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng.

 

Theo Xuân Tùng

Tiền phong