Sinh viên FPT học CNTT nhưng chơi thạo 5 loại nhạc cụ dân tộc

Khéo léo hòa quyện những âm hưởng hiện đại và truyền thống, chàng sinh viên ĐH FPT gây sốt khi có khả năng chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Thật không thể tin nổi đây là một sinh viên ngành CNTT – ngành học được cho là toàn chàng trai khô khan và chỉ thích các loại máy móc.


Quốc Đạt đã thể hiện tài năng chơi nhạc cụ dân tộc trong nhiều cuộc thi và chương trình nghệ thuật

Quốc Đạt đã thể hiện tài năng chơi nhạc cụ dân tộc trong nhiều cuộc thi và chương trình nghệ thuật

Là sinh viên năm cuối trường ĐH FPT, hiện Quốc Đạt đã mang trong mình tình yêu lớn với nhạc cụ truyền thống được hơn 3 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, Đạt có thể chơi được 5 loại nhạc cụ: Đàn tranh, đàn nguyệt, đàn guitar, đàn tỳ bà và trống trầu. Lần đầu tiên lướt tay trên những dây đàn, cũng giống như bao sinh viên trước khi học nhạc cụ dân tộc tại ĐH FPT, Đạt không biết bản thân mình sẽ đam mê và gắn bó với những loại nhạc cụ này đến thế.

Bắt lửa đam mê

Ngay từ ngày học cấp 2, Quốc Đạt đã rất năng nổ trong các hoạt động văn nghệ của trường. Thấy Đạt có năng khiếu với âm nhạc, cô giáo quý mến, tặng hẳn cho cậu một cây đàn guitar. Đó là lần đầu Đạt tiếp xúc với nhạc cụ, và cũng là bước đệm đầu tiên giúp cậu dần nhận thấy sự gắn kết của bản thân với các loại nhạc cụ dân tộc sau này.

Bước vào đại học, Đạt chọn theo ngành Kỹ thuật phần mềm tại ngôi trường bậc nhất về Công nghệ thông tin - ĐH FPT. Những tưởng, sinh viên trường công nghệ thì chẳng bao giờ phải học các môn năng khiếu liên quan đến âm nhạc. Thế nhưng trong chương trình đào tạo, ĐH FPT yêu cầu mỗi sinh viên theo học đều phải hoàn thành môn Nhạc cụ dân tộc. Sau hai tháng luyện tập, các sinh viên sẽ thi hết môn dưới hình thức chơi một bài nhạc truyền thống bằng một trong sáu loại nhạc cụ: bầu, tranh, nguyệt, nhị, tỳ bà và sáo.

Đường gồ ghề

Hồi mới học đàn, Quốc Đạt không tránh khỏi những lần nản chí vì độ khó và việc đòi hỏi các kỹ thuật khéo léo của bộ môn này. Đàn tranh và đàn tỳ bà hầu như dành cho các bạn nữ, tay dẻo mới đánh hay được. Bàn tay nam giới thô cứng hơn, đặt trên dây đàn trông có phần không phù hợp. Mọi người nhận xét, chơi các nhạc cụ dân tộc khác đã khó rồi, học chơi hai loại này còn đặc biệt khó. “Nhưng cái gì càng khó thì mình càng muốn chinh phục”, Đạt tâm sự. Đó cũng là lý do Đạt dành nhiều thời gian gắn bó và theo đuổi đàn tranh và đàn tỳ bà.

Từ một sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm suốt ngày cắm mặt vào máy tính, sau mỗi giờ học Đạt lại kiên nhẫn dành thời gian tập đàn. Cậu tập đến nỗi các đầu ngón tay đau rát. Những ngón tay sưng tấy ấy vẫn mải miết tập luyện mỗi chiều.

Càng dành nhiều thời gian cho nhạc cụ dân tộc, Đạt càng nhận ra món nhạc có vẻ “xưa cũ” này có sức hút. Bên cạnh rèn độ khéo léo, rèn trí nhớ, chăm chỉ chơi đàn còn rèn cho Quốc Đạt tính kiên trì nữa. Càng chơi càng thấy hay, cậu bắt đầu nhen nhóm tình yêu với từng thanh âm tuyệt diệu phát ra từ dây đàn. Rồi hai tháng gắn bó với môn nhạc cụ dân tộc cũng kết thúc, thế nhưng vẫn còn quá nhiều loại nhạc cụ Đạt chưa có cơ hội tìm hiểu. Cậu quyết định theo đuổi những âm hưởng truyền thống để thỏa niềm đam mê của mình.


Ngoài giờ học, Đạt tự tìm hiểu cách chơi các loại đàn truyền thống khác và nhờ thầy cô bộ môn Nhạc cụ dân tộc tại ĐH FPT hướng dẫn thêm.

Ngoài giờ học, Đạt tự tìm hiểu cách chơi các loại đàn truyền thống khác và nhờ thầy cô bộ môn Nhạc cụ dân tộc tại ĐH FPT hướng dẫn thêm.

Đạt chọn những loại nhạc cụ dân tộc khó cũng như ít phổ biến để theo đuổi. Mong muốn mang hồn dân tộc đến gần hơn với mọi người, cũng như sống lại tình yêu, niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc, Đạt luôn ấp ủ những dự định và kế hoạch xây dựng nên những chương trình trải nghiệm cho các bạn trẻ về giá trị truyền thống đang dần bị mai một này.

Sau hai tháng học đàn, không chỉ riêng Quốc Đạt mà còn rất nhiều sinh viên FPT đã cảm mến tiếng hoa tiếng ngọc của những loại nhạc cụ này. Để nhân rộng niềm đam mê của mình, Đạt đã cùng với bạn bè có chung niềm đam mê thành lập Câu lạc bộ Nhạc cụ truyền thống. Ngày đi học, tan học cùng nhau tập đàn, tối lại ôn bài và làm thêm các công việc bên ngoài. Cuộc sống của cậu sinh viên CNTT ngày càng năng động hơn, và cũng khiến cậu phải dồn nhiều tâm sức hơn.

Dù phải chia thời gian cho những công việc khác, nhưng hiếm khi nào Đạt bỏ lỡ những lời mời biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong các chương trình lớn nhỏ. Giao lưu nhiều, Đạt được nhiều sinh viên mến mộ mời về các trường đại học và trường THPT chơi nhạc. Mỗi chuyến đi diễn Đạt phải di chuyển đến vài tiếng đồng hồ mới tới nơi, nhưng chỉ cần nhận được lời mời là cậu sẽ nhiệt tình chuẩn bị. Diễn xa, Đạt phải vác theo đạo cụ gồm một cái đàn và một giá đỡ đàn. Việc mang đạo cụ theo cũng trở thành bài toán nan giản khi cậu chỉ là một sinh viên, không đủ chi phí để thuê vận chuyển. Đi xe máy thì khó di chuyển, còn đi xe buýt thì không được phép mang đồ cồng kềnh lên xe, mỗi lần như vậy cậu phải vác đạo cụ đứng chờ xe cả tiếng đồng hồ, tuyến nào xe vắng mới dám mang đàn lên.

Không kể đến công sức bỏ ra, Quốc Đạt đi diễn không chỉ vì đam mê mà còn vì mong muốn đem hình ảnh và những thanh âm trong trẻo của nhạc cụ dân tộc truyền đến nhiều người trẻ hơn nữa: “Trước em không hề thích âm nhạc truyền thống cho đến khi được xem các thầy cô dạy nhạc biểu diễn. Cảm nhận trực tiếp mới thấy âm nhạc truyền thống thực sự rất cuốn hút. Chính vì thế, em muốn lan tỏa tình yêu nhạc cụ truyền thống tới nhiều người hơn, đặc biệt là các bạn trẻ”, Đạt tâm sự.

Đưa âm hưởng truyền thống bay xa hơn

Hiện tại, dù không phải là một nghệ sĩ chơi nhạc chuyên nghiệp, nhưng Quốc Đạt luôn cố gắng đưa những sáng tạo của mình vào trong các bài biểu diễn. Không chỉ chơi các bản nhạc truyền thống da diết, Đạt chọn nhiều bài nhạc trẻ, thậm chí là nhạc nước ngoài để thổi những âm hưởng mới lạ đến khán giả.

MV chơi đàn tranh trên nền nhạc “See you again” do Quốc Đạt và các sinh viên ĐH FPT thực hiện

Say mê nhạc cụ dân tộc, Quốc Đạt cho biết khi hoàn thành bậc cử nhân ngành CNTT, cậu sẽ tiếp tục theo đuổi chuyên nghiệp bộ môn này. Đặc biệt, cùng với việc sáng tạo để “trẻ hóa” thanh âm của các nhạc cụ dân tộc, Quốc Đạt đã có nhiều ý tưởng để đưa nhạc cụ truyền thống vào cuộc sống và biến những âm hưởng ấy trở thành niềm đam mê với nhiều người hơn nữa.

Quốc Đạt đại diện cho những người trẻ đa tài, sẵn sàng nỗ lực để theo đuổi đam mê. Hi vọng chàng sinh viên CNTT của ĐH FPT sẽ giúp nhân rộng thêm tình yêu với những nhạc cụ truyền thống tới với bạn bè đồng trang lứa.

Mai Mai

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm