"Singlism": Khi người độc thân bị phân biệt đối xử
(Dân trí) - Sự kỳ thị dành cho người độc thân dường như vẫn tồn tại khắp nơi, phổ biến đến mức có thuật ngữ cho riêng là "singlism".
"Singlism" nghĩa là gì?
"Singlism" được định nghĩa là thái độ hoặc hành vi đối xử không công bằng với những người độc thân, chưa kết hôn.
Thuật ngữ này được nhà tâm lý học xã hội người Mỹ Bella DePaulo đặt ra vào năm 2005, DePaulo ban đầu muốn dùng từ "marital-statusism" (phân biệt đối xử dựa trên trạng thái hôn nhân - PV) để đảm bảo sắc thái trung lập.
Tuy nhiên nó dài và khó đọc, vì vậy bà quyết định dùng từ "single" làm gốc để sáng tạo ra "singlism".
Bà đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu về những người độc thân và lối sống của họ. Bà đã từng xuất bản cuốn sách "Singlism - What it is, Why it Matters" và "How To Stop It" nói về việc phân biệt đối xử với những người độc thân vào năm 2011.
Nhà tâm lý học DePaulo đã nhận ra vấn đề về sự phân biệt với những người độc thân không nguy hại bằng những hành vi vi phạm bắt nguồn từ phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt giới tính.
Nhưng bà đã chỉ ra những thành kiến về người độc thân có thể lan rộng, chỉ là mọi người đã quá quen với những thành kiến đó nên phớt lờ và coi đó là bình thường.
"Singlism" đang diễn ra trong xã hội như thế nào?
Dù thế kỷ 21 đã đi qua được hơn 20 năm, sự kỳ thị dành cho người độc thân dường như vẫn tồn tại khắp nơi. Nó phổ biến đến mức có thuật ngữ cho riêng là "singlism".
Chỉ bằng 8 chữ ngắn gọn, "singlism" đã "chỉ mặt đặt tên" được những nỗi bất công trong cả công việc lẫn cuộc sống mà người độc thân gặp phải.
"Mọi người trong công ty thỉnh thoảng nhờ mình tăng ca vì họ có việc gia đình hoặc những hôm cần phải đi tiếp đối tác mình cũng hay phải đi. Thật ra mình khá thoải mái với việc này vì những người có gia đình họ còn vướng việc con cái nên mình coi đó là giúp đỡ họ", Đỗ Bích Thủy (22 tuổi, nhân viên kinh doanh) chia sẻ.
Vũ Khánh Ly (25 tuổi, nhân viên văn phòng) tâm sự: "Trong công việc, mình thấy những người đang độc thân khó xin nghỉ hơn những người đã có gia đình.
Họ có lý do gia đình, chồng con để xin nghỉ và được tạo điều kiện nhiều hơn về việc đi công tác, đi tiếp khách... Còn trong cuộc sống hàng ngày, mình hay bị mọi người bảo đến tuổi rồi không lấy chồng là ế, lớn đầu rồi vẫn để bố mẹ phải lo lắng.
Mình thấy không thoải mái với việc này vì người mỗi người đều có những công việc riêng để giải quyết, không kể là người độc thân hay đã lập gia đình.
Còn về việc bị mọi người xung quanh bảo "lấy chồng đi", mình thấy khá phiền phức vì đối với mình hôn nhân là chuyện quan trọng, không thể chỉ vì đến tuổi mà phải lấy chồng được".
Chu Thảo My (24 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng có ý kiến tương tự: "Mình nghĩ độc thân không phải tồi tệ, mình chưa tìm được một người thực sự hợp để gắn bó và mình thấy 24 tuổi vẫn còn trẻ nên muốn trải nghiệm nhiều hơn.
Về công việc, khi tìm hiểu về "singlism" mình mới nhận ra mình đã từng bị như vậy, chỉ là mọi người coi đó là chuyện hiển nhiên nên ai cũng phớt lờ".
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội với người độc thân có ở mỗi thời kỳ. Theo quan niệm cũ, "yên bề gia thất" là đích đến của những người trưởng thành, như vậy mới là giữ trọn đạo hiếu.
Ngày nay, tuy "yên bề gia thất" đã phần nào bớt gay gắt hơn thời trước nhưng sự phân biệt vẫn xảy ra phổ biến với những người độc thân.
Độc thân hay kết hôn là quyết định của mỗi người
Câu hỏi độc thân có tốt hay không dường như không có đáp án chính xác vì mỗi người có một quan điểm riêng về vấn đề này.
Với nhiều người, họ kết hôn vì mong muốn có người đồng hành nhưng ngược lại, giới trẻ hiện nay nhiều người ngại lập gia đình, họ muốn đầu tư cho công việc, bản thân và gia đình hơn là chuyện kết hôn.
"Mình chưa tính đến chuyện kết hôn vì muốn dành thời gian nhiều hơn cho bản thân và công việc, nhưng không đồng nghĩa là mình sẽ cứ mãi chấp nhận làm tăng ca nhiều hơn chỉ vì còn đang độc thân. Mình sẽ tập để ngoài tai những lời nói không hay về việc chưa lấy chồng của những người xung quanh để sống vui vẻ hơn", Khánh Ly chia sẻ.
Bích Thủy cũng cho biết: "Độc thân hay kết hôn, mỗi người sẽ có câu trả lời riêng. Đối với bản thân mình, mình sẽ kết hôn khi đã chuẩn bị sẵn sàng về tài chính, tinh thần.
Phân biệt đối xử với người độc thân tuy không để lại nguy hiểm như phân biệt chủng tộc hay phân biệt giới tính nhưng nó sẽ làm một số người độc thân cảm thấy mệt mỏi, áp lực vì không phải ai cũng có thể tích cực khi đối diện với sự phân biệt đó".
Dù xã hội có sự thiếu công bằng với người độc thân nhưng sẽ tốt hơn nếu đó là cuộc sống bạn muốn. Những người chọn độc thân, họ hạnh phúc với quyết định của mình, họ tận hưởng khoảng thời gian khi ở một mình, kết nối nhiều hơn với bạn bè, anh chị em.
Thời gian gần đây, người trẻ đang có xu hướng thích một mình: Đi du lịch một mình, làm việc một mình, ăn một mình. Sự thoải mái đó người đã kết hôn khó mà có được. Nếu đang tìm kiếm một nửa còn lại, hãy kiên trì và sáng suốt bởi kết hôn là chuyện quan trọng, tránh vội vàng dẫn đến sai lầm.