Sáng tạo vì chất lượng cuộc sống - đề tài truyền cảm hứng cho những nhà sáng chế tài năng
Ngày 02/12 vừa qua, năm dự án đầy sáng tạo và mang tính ứng dụng cao đã xuất sắc vượt qua hàng trăm bài dự thi để đoạt những danh hiệu cao nhất của cuộc thi Thiết kế ứng dụng với MCU (vi điều khiển) do công ty Texas Instruments tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Điều đặc biệt là tất cả những đề tài này đều chung một mục tiêu hướng đến việc chăm sóc sức khỏe cho công đồng.
Vượt lên trên 167 đội thi đối thủ trong nhiều vòng loại trên khắp cả nước, 9 đội mạnh nhất đã vào đến vòng chung kết của cuộc thi năm nay. Lấy cảm hứng từ chính những tình huống trong cuộc sống hàng ngày, các nhà sáng chế “sinh viên” đã mang đến những dự án có tính ứng dụng thực tiễn cao từ lĩnh vực nông nghiệp (Sử dụng sóng siêu âm để làm giảm lưu lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng trong nông sản sau khi thu hoạch), một dự án đã chạm đến vấn đề rất nóng hổi của xã hội về các loại thuốc có hại cho sức khoẻ đang bị làm dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu được đầu tư phát triển, dự án này thực sự giúp giải quyết rất nhiều mối lo ngại cho cộng đồng. Kế đến là những dự án giúp chăm sóc sức khoẻ (Ứng dụng Android theo dõi điện tâm đồ để kiểm tra sức khoẻ từ xa hay cánh tay Robot điều khiển qua cử chỉ của con người). Và nâng cao chất lượng cuộc sống (Đồng hồ thông minh đếm nhịp tim, bước đi hay dự án Ghế tiện ích)…
Truyền “nhịp đập” vào chiếc đồng hồ nhỏ thông minh
Đội PIF.Deadline đến từ Đại học Bách Khoa Tp.Hồ Chí Minh đã giành giải quán quân Toàn Quốc một cách đầy thuyết phục với dự án Đồng hồ thông minh đếm nhịp tim và bước đi- Smart Watch. Chiếc đồng hồ thông minh này có thêm bộ cảm biến ở ngón tay cái, trực tiếp truyền thông tin về nhịp tim, đếm bước đi, giúp cho người sử dụng biết được những thông số quan trọng của cơ thể như: nhịp tim, huyết áp, chiều cao, cân nặng… Đồng thời, việc thiết lập chế độ tập luyện phù hợp hơn với chỉ số sức khoẻ một cách đơn giản.
Ba chàng trai trong đội PIF mới bước vào năm thứ 3 đại học nhưng đã sớm quan tâm đến việc biến những đề án thành hiện thực. Mặc dù học ba chuyên ngành khác nhau, thường xuyên bị lệch giờ, nhiều bài tập trên lớp, rất khó để có thể họp nhóm và dành thời gian cho phát triển sản phẩm, nhưng các thành viên đều hết sức nỗ lực vì một mục tiêu chung. Các bạn chia sẻ: “ Ý tưởng về chiếc đồng hồ giúp chăm sóc và kiểm tra sức khoẻ này đến từ suy nghĩ về việc học tập nhiều, không có thời gian rèn luyện sức khoẻ và nỗi lo sợ bị béo phì. Những ngày cuối trước hôm diễn ra cuộc thi, các thành viên đều thức trắng để chỉnh sửa nhiều lần cho việc hoàn tất sản phẩm.”
Ông Nguyễn Hữu Quốc - Giám đốc kinh doanh khu vực của TI, thành viên Ban Giám Khảo nhận định: “ Dự án Đồng hồ thông minh này có mức độ hoàn thiện sản phẩm tương đối vượt trội, sản phẩm chạy thử cho số liệu ổn định, chính xác. Để quy tụ nhiều tính năng phức tạp trong 1 chiếc đồng hồ nhỏ, khối lượng công việc, khả năng tổ chức và ứng dụng các linh kiện của nhóm rất đáng khen ở trình độ và cơ cấu chỉ gồm 3 sinh viên. Đặc biệt ấn tượng khi chúng ta so sánh với các công ty, tập đoàn lớn có hàng ngàn nhân sự để thực hiện sản phẩm.”
Những dự án xuất sắc giải nhiều “bài toán sức khoẻ” khác nhau
Giải nhì và giải ba lần lượt được trao cho đội Scorpion đến từ Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với dự án King Chair- Ghế vua và đội SPARC_Heart với dự án Ứng dụng Android theo dõi điện tâm đồ để kiểm tra sức khoẻ từ xa đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội. Dự án King Chair ngay sau khi thuyết trình đã nhận được sự quan tâm, thích thú từ những nhà đầu tư cũng như khán giả đến tham dự cuộc thi. Chia sẻ về ý tưởng của mình, bạn Huỳnh Tấn Lĩnh, 1 thành viên trong đội Scorpion cho biết: “Xuất phát từ thực tế những ca học sáng và chiều tại trường nối liền nhau, buổi trưa ngồi học và nghỉ tại thư viện thường rất ngắn và buồn ngủ, em đã nghĩ đến ý tưởng có 1 chiếc ghế có thể thư giãn, nghe nhạc, massage, ngả ghế để nghỉ mà không tốn diện tích. Khi tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu thực tế của những người làm văn phòng thì dự án của e có thể phục vụ một nhóm đối tượng rất lớn và đặc biệt mang lại sức khoẻ cho mọi người”.
Dự án Cánh tay Robot điều khiển qua cử chỉ con người được thực hiện bởi đội BK-ARIGATO đến từ Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã gây xúc động lớn cho toàn bộ khách mời tham dự vòng chung kết bởi tính nhân văn sâu sắc và giành giải thuyết trình ấn tượng của cuộc thi năm nay. Trong video clip chia sẻ của một trong những người khuyết tật đã sử dụng thử sản phẩm; các bạn đều có một mong muốn từ khi sinh ra đó là có được một cánh tay như bao người bình thường, để làm những việc đơn giản nhất. Đội BK-ARIGATO khẳng định sẽ hoàn thiện sản phẩm cánh tay 3D để có hình dáng và cử chỉ gần nhất với tay thật. Sau đó, đội sẽ kết hợp với các tổ chức Phi Chính Phủ nhằm hỗ trợ sản phẩm đến những người khuyết tật.
Dự án Cánh tay Robot điều khiển qua cử chỉ con người
Tiếp sức cho những đam mê sáng tạo
Bà Lê Duy Loan (Senior Fellow, a rank equivalent to Senior Vice President of Texas Instruments), Cựu phó chủ tịch Tập đoàn TI, đồng thời cũng là người đã đồng hành cùng cuộc thi ngay từ những ngày đầu chia sẻ:“ Khi nhìn lại những ngày đầu tổ chức cuộc thi, phần lớn công tác tổ chức và quản lý đều do các thầy cô thực hiện. Đến hôm nay, các bạn sinh viên đã làm chủ cuộc thi. Các bạn chủ động sắp xếp công việc, tự tin thuyết trình bằng tiếng Anh. Đặc biệt, tôi vô cùng ấn tượng với khả năng sáng tạo và lập trình của sinh viên Việt Nam. Trên nền vi điều khiển của TI, các bạn đã lập trình và thiết kế ra vô vàn các ứng dụng hữu ích cho cuộc sống. Trên những chặng đường các em đi, sẽ có rất nhiều thách thức, cũng giống như trong cuộc thi ngày hôm nay. Tuy nhiên, chính những khó khăn, thử thách ấy cũng là cơ hội để các em dùng đam mê, nhiệt huyết, sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng để đạt được ước mơ của mình. Hãy cứ tiếp tục theo đuổi và làm nên những điều khác biệt!”
Texas Instruments (TI) là công ty thiết kế và sản xuất IC điện tử hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn. Các IC tương tự (analog) và IC số (digital) của TI là nền tảng cho hơn 100.000 khách hàng toàn cầu sản xuất ra những sản phẩm vì một thế giới thông minh hơn, an toàn hơn, xanh hơn và nhiều niềm vui hơn. Cam kết của TI trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn gắn liền với mọi hoạt động – thể hiện qua trách nhiệm trong việc sản xuất IC bán dẫn, quan tâm đến đời sống của nhân viên cho tới việc đóng góp trở lại cho cộng đồng. Cụ thể ở Việt Nam là cuộc thi sáng tạo hằng năm và hàng loạt hoạt động hỗ trợ đào tạo cho sinh viên khối các trường kỹ thuật kể từ năm 2009.