“Quyết không độ xe gắn máy!”

(Dân trí) – Thời gian gần đây, “quái xế” tìm đến các tiệm sửa xe ở Q.8, TP.HCM nhờ “độ” xe rất dễ bị chủ tiệm từ chối ngay lập tức. Trên địa bàn quận có trên 100 tiệm sửa xe tham gia cuộc vận động “Không nâng độ xe gắn máy”.

Xuất phát từ tình hình thực tế, địa bàn Q.8 là điểm nóng về vấn nạn đua xe trái phép, lâu nay Ban Thường vụ quận Đoàn 8 đã đề ra một số giải pháp nhằm đẩy lùi tình trạng đua xe. Và lần này, phong trào vận động các chủ tiệm sửa xe “Không nâng độ xe gắn máy” rất được hưởng ứng.

Lâu nay, các “quái xế” thường tìm đến các tiệm sửa xe để đôn zên, xoáy nòng, nhằm tăng tốc độ cho chiếc xe của mình. Có thể nói, họ đã vô tình tiếp tay cho tình trạng đua xe máy nguy hiểm trong thành phố.

Tấm biển Không nâng độ xe gắn máy được treo tại 104 tiệm sửa xe ở Q.8, TP.HCM

Tấm biển "Không nâng độ xe gắn máy" được treo tại 104 tiệm sửa xe ở Q.8, TP.HCM.

Ý tưởng được manh nha từ tháng 2/ 2012, và được triển khai, phát động ở tất cả các phường của Q.8. Mục tiêu ban đầu của kế hoạch này là vận động thuyết phục khoảng 50 tiệm sửa xe cam kết treo bảng “Không nâng độ xe gắn máy”.
 
Nhưng thật bất ngờ là cuộc vận động đã được các tiệm sửa xe hưởng ứng tích cực và con số tiệm sửa xe cam kết treo bảng cho đến thời điểm hiện tại là 104.

Chị Vũ Yến Oanh, phó Bí thư đoàn Q.8 chia sẽ, việc “độ” xe lâu nay là “miếng cơm” của rất nhiềm tiệm sửa xe nên ban đầu, việc vận động cũng gặp nhiều khó khăn.

“Nhưng khi chúng tôi phân tích, nói về những hậu quả do các “quái xế” gây ra thì đa số chủ tiệm sửa xe đều nhìn nhận việc “độ” là không đúng và gây nguy hiểm cho xã hội. Sau đó họ cũng vui vẽ đồng ý gắn bảng “Không độ xe gắn máy” ngay trước cửa tiệm”.

Anh Nguyễn Quang Huy cam kết sẽ không lên đời cho bất kỳ chiếc xe gắn máy nào.

Anh Nguyễn Quang Huy cam kết sẽ không "lên đời" cho bất kỳ chiếc xe gắn máy nào.

Theo các chủ tiệm sửa xe, khi nhìn thấy tấm bảng, nhiều dân “độ” tự biết ái ngại quay đầu xe, không dám lên tiếng. Anh Nguyễn Quang Huy, chủ tiệm sửa xe Quang Huy bộc bạch, trước giờ mình chưa “độ” xe nên khi có người đến vận động cam kết cũng thấy ái ngại. “Nhưng sau đó, thấy việc này rất có lợi, sẽ giúp mình miễn nhiễm với dân “độ” nên tôi đồng ý ngay”.

Từng “độ” cho rất nhiều chiếc xe, anh Nguyễn Bình Phước hiểu rằng việc làm của mình đã gián tiếp mang lại nhiều hệ lụy không tốt, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của mẹ. Hơn nữa việc “độ” xe cũng mang lại khoản thu nhập khá lớn nên có lúc anh và nhiều tiệm sửa xe khác cũng bất chấp, không quan tâm đến hậu quả.

Thế nhưng, anh Phước lại ủng hộ cuộc vận động này vì nó như tháo gỡ cho anh khúc mắc: “Đôi khi mình không muốn “độ” nhưng rất khó từ chối vì dân “quái xế”  rất ghê. Nhờ tấm bảng này mình cũng dễ ăn nói hơn mỗi khi có khách yêu cầu”.

Mô hình này dự kiến kéo dài trong 5 năm và nếu có hiệu quả sẽ sớm được nhân rộng nhằm hạn chế tình trạng đua xe của TP.HCM

Thảo Trần – Hoài Nam