Quá khứ buông thả đeo bám cuộc đời thiếu nữ
Người phụ nữ đó là một trong rất nhiều người mà tôi từng tư vấn, nhưng cô ám ảnh tôi bởi câu chuyện và ánh mắt quá buồn của cô…
Cô tên H., 33 tuổi. H. sống ở một quận trung tâm của TP.HCM, chồng là một chủ doanh nghiệp tư nhân giàu có. H xinh đẹp, đi đâu có tài xế đưa rước, chồng H. còn mua cho H. một chiếc xe hơi riêng để nếu H. thích có thể đi chơi với bạn. Chồng H. lớn tuổi rồi nên rất cưng chiều vợ, H. gửi khá nhiều tiền về giúp cho gia đình hằng tháng. Chồng H. cũng không “cấm cung” gì mà rất yêu thương, tôn trọng cô.
H. gần như có tất cả những điều mà mọi người phụ nữ khác phải ao ước. Trừ một điều là H. chưa có niềm vui được làm mẹ. Vợ chồng H. đã đi khám nhiều lần, và kết quả là do phía H.. Nhưng bác sĩ không nói rõ nguyên nhân với chồng H., chỉ nói riêng với H., là chuyện có con của H. rất rất khó, xác suất hầu như bằng không. Nguyên do là thành tử cung của cô quá mỏng, tổn thương nhiều lần, khó mà đậu thai được.
Còn nguyên nhân sâu xa thì H. càng biết rõ. Nó bắt nguồn từ quá khứ không mấy trong sạch mà H. vẫn giấu kín với tất cả mọi người. Sinh ra ở một vùng quê nghèo miền Bắc, H. như nhiều người con gái khác, lên Hà Nội học đại học. Rồi yêu một nam sinh cùng khóa. Nhẹ dạ, buông thả theo trào lưu thời ấy, H. và người yêu dọn đến sống chung như vợ chồng. Hai năm sống thử với người yêu, do bất cẩn, H. đã mang thai hai lần và cả hai lần đó đều phải phá bỏ đứa con của mình.
Đáng buồn là bao lời hứa hẹn cưới nhau khi ra trường đều không thực hiện được. Vừa ra trường, người yêu H. có việc làm nhờ một mối quen biết, anh ta đã sớm chia tay với H. để chạy theo một cô gái khác gia đình giàu có và hộ khẩu thành phố.
Chán đời, thất nghiệp, H. theo bạn bè đi làm tiếp viên một quán bia ở Tây Hồ trong lúc chờ nộp hồ sơ xin việc khắp nơi. Xinh đẹp, cao ráo, làm phục vụ quán nhậu, môi trường đầy phức tạp, H. nhận không ít lời trêu ghẹo, mời mọc, rủ rê của cánh đàn ông. Trong đó có Nam, thiếu gia một doanh nghiệp buôn sắt thép. Trong lúc cô đơn, không có gì trong tay, H. ngã vào thiếu gia này như một chỗ nương tựa mà cô nghĩ là sẽ bền vững.
Ai ngờ, H. lại bị gã công tử trác táng đưa vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng ở các sàn nhảy với bia bọt, rượu mạnh và cả thuốc lắc. Lúc giật mình tỉnh ra, H. phát hiện một lần nữa mình lại mang thai đứa con của Nam. Khi báo cho người tình, cô chỉ nhận ánh mắt khinh bỉ của anh ta, với câu nói quen thuộc của bao gã sở khanh: Chắc gì đấy là con tôi? Từ đó, gã thiếu gia lặn mất tăm, chỉ nhờ người bạn đem đến phòng trọ cho H. 20 triệu để đi “giải quyết”.
Cầm tiền, H. thấy đau và nhục nhã, nước mắt tuôn như mưa. Đi khám, bác sĩ bảo cô đã phá hai lần, nếu lần này phá nữa, thành tử cung mỏng, sau này khó lòng mà mang thai được. H. thấy lo sợ vô cùng. Nhưng nếu giữ con lại thì cả mẹ cả con sống làm sao? H. không có nghề nghiệp, hai bàn tay trắng, không có người thân quen ở đây. Về quê thì cha mẹ sẽ từ mặt, không bao giờ chấp nhận.
Một lần nữa H. quyết định đi phá thai, làm lại cuộc đời. Tiền Nam cho, sau khi đến bệnh viện bỏ con, H. nghỉ ngơi một thời gian rồi lên xe vào Sài Gòn, tìm một cuộc sống mới, quên đi quá khứ buồn và lem luốc của mình.
Tại đây, sau hai tháng thất nghiệp, H. may mắn được nhận vào chân bán hàng ở một công ty nước giải khát, sau đó, nhờ lanh lợi và đã tốt nghiệp khoa quản trị, H. được nhận vào phòng kinh doanh. Vậy là H. trụ được ở Sài Gòn, có một cuộc sống mới yên ổn, sáng sủa hơn.
Với ngoại hình của mình, H. được nhiều người đàn ông ở công ty và cả bên ngoài đeo đuổi. Nhưng ám ảnh bới quá khứ không trong sạch, cộng với tâm niệm phải làm lại cuộc đời, sống đàng hoàng, tử tế, nên H. đều từ chối những lời bông đùa tán tỉnh, chỉ chuyên tâm làm việc.
Rồi H. gặp chồng cô hiện nay. Anh là giám đốc một công ty cung cấp nguyên liệu cho công ty H. đang làm. Gặp H., đem lòng yêu H. Ban đầu H. không chú ý gì đến người đàn ông lớn hơn mình đến 15 tuổi và ngoại hình không có gì đặc sắc này. Thế nhưng, dần dà, sự chân thành, tình cảm hết lòng của anh đã khiến H. dần cảm động, rung động và thương yêu. Một lần nữa, H. mở lòng ra đón nhận tình yêu. Về làm vợ, H. được chồng hết mực thương, trân trọng và chiều chuộng…
Nhưng H. kể với tôi rằng, đoạn đời đã qua, dù H. cố quên đi, nó vẫn luôn dằn vặt H. H. vẫn thấy mình không sao gột rửa được sự nhơ nhuốc của bản thân. H. thấy mình không xứng đáng với chồng, và như vậy, cô càng cố gắng chăm sóc, yêu thương, bù đắp cho chồng. Rồi đến khi biết được mình khó lòng có con, H. càng đau khổ và ám ảnh hơn nữa.
Cô biết chồng cô buồn lắm. Anh đã lớn tuổi rồi, khao khát có tiếng cười tiếng khóc trẻ thơ trong nhà. Nhưng thương H., anh luôn an ủi vợ. Còn H., đêm đêm, trong giấc mơ, hình bóng những đứa con mà H. vứt bỏ vẫn trở về khóc với cô. Nó khiến H. mất ngủ và muốn suy sụp. Cuối tuần, H. thường đến những ngôi chùa để cầu cho vong linh các con được siêu thoát…
Nghe câu chuyện của H., lòng tôi trầm xuống. Tôi biết, H. cần một người để lắng nghe, để cô trút mọi bí mật và nỗi đau của mình. Còn lời khuyên… nó thật khó cho những nỗi đau như thế này. Tôi chỉ biết khuyên H., rằng quá khứ đã qua rồi. H. đã làm sai trong quá khứ, đó là cái sai đi cùng sự bồng bột của tuổi trẻ, cái sai mà không ít người trẻ tuổi đã mắc phải.
Và H. đã phải trả giá rất nhiều cho sai lầm của mình, phải vứt bỏ con, phải chịu đau khổ, và bây giờ là khó có thai. Cuộc sống rất sòng phẳng, H. đã gây ra và đã phải gánh chịu, coi như bù trừ. Nay H. đã thành người khác, sống đàng hoàng, yêu thương, vì vậy, H. không nên dằn vặt bởi những điều đã qua trong quá khứ nữa. Hãy để cho quá khứ ngủ yên, bởi càng đào bới, cáng oán trách, dặn vặt thì chẳng giải quyết được gì mà chỉ càng làm khổ mình, khổ cả người bạn đời của mình.
Giờ H. khó có con, bác sĩ bảo xác suất thấp, nhưng không hẳn là hết cách. H. và chồng hãy cứ nỗ lực hết mình. Còn nếu không được như ý nữa, thì còn rất nhiều cách giải quyết khác, ví dụ như nhận con nuôi. Chồng H. thương H. như thế, thì có lẽ sẽ chấp nhận sự thật này. Cũng đừng vì điều này mà càng dằn vặt, khổ sở nhau, bởi cuộc sống luôn đẹp, dù ta có đạt được điều mình muốn hay không. Luôn có những con đường khác để rẽ, khi ta đi đến đường cùng.
Lần đầu tiên trong cuộc nói chuyện, H. mỉm cười. Từ đó, tôi không gặp lại H., nhưng thật tâm, tôi vẫn cầu chúc cho H. thoát khỏi ám ảnh để tìm được bình an và niềm vui trong tâm hồn…
Theo Phạm Hà My
Pháp luật Việt Nam