“Phép thử” Unisex
Những cậu trai mặc hệt con gái và những cô gái phục sức mạnh mẽ đầy khí chất nam nhi. Xu hướng ăn mặc được coi là mới này của các bạn trẻ thành thị - UNISEX - có phải là một cách để họ biểu dương cái Tôi, đòi hỏi sự chú ý, và thể hiện cá tính?
Tôi thì nghĩ đơn giản hơn: Đó chỉ là một trong vô vàn những phép thử về biên độ sáng tạo thời trang của giới trẻ mà thôi!
Không khó hiểu vì sao xu hướng thời trang Unisex (thời trang trung tính, phi giới tính) lại thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ và những người quan tâm tới đời sống của họ trong một thời gian ngắn đến vậy.
Phóng sự về xu hướng thời trang này của VTC được truyền nhan nhản qua các forum, YM!. Nhiều ý kiến của những nhà thiết kế chuyên nghiệp (dù không trực tiếp) về cách ăn mặc này có thể dễ dàng search được trên mạng. Người ủng hộ, người lo ngại.
Unisex dường như đã đẩy sự chấp nhận thử cái mới của các bạn trẻ tới mức kịch kim và những định kiến về cách ăn mặc của giới trẻ ngày nay trong mắt xã hội nói chung tới mức... báo động. Ai lại: “trai mà mặc như gái, gái mặc giống hệt trai”!?
Phóng sự của VTC bình: “Với Unisex mọi lằn ranh về giới tính dường như không tồn tại và không còn ý nghĩa”. Theo tôi, nhận định này… không được ổn cho lắm.
Bóc tách “Unisex” theo nghĩa từ vựng thì “Uni” có nghĩa là một, đồng nhất (như Uniform: đồng phục) và Sex (giới tính). Unisex, theo nghĩa rộng, có thể hiểu là: tính từ chỉ vật chia sẻ được cho cả hai giới, ví dụ: một cái đồng hồ mang phong cách Unisex, hay một cửa hàng cắt tóc Unisex (cửa hàng cắt tóc cho cả nam và nữ).
Còn nếu bạn dùng tính từ này cho chủ thể người thì lại có nghĩa người đó có giới tính không xác định được! Như vậy, Unisex (trung tính), theo ý nghĩa một xu hướng thời trang, là chỉ tính chất của quần áo chứ không ám chỉ giới tính của người mặc nó.
Có vẻ như những bạn trẻ đang theo xu hướng này đã có sự nhầm lẫn ở đây, họ dùng quần áo và trang sức Unisex để “thay đổi” giới tính (?), hơn là chọn những sản phẩm “trung tính” này để trung hoà phong cách thời trang của mình, đúng theo như lý thuyết trên một tờ báo: “đưa sự khoẻ khoắn vào trang phục nữ khiến các cô gái trở nên mạnh mẽ hơn. Đưa sự mềm mại vào trang phục nam làm các chàng trai thanh lịch và quyến rũ hơn”.
Sự nhầm lẫn này dễ dàng biến xu hướng mặc Unisex thành “Gay-Appeal”, tức là mặc theo lối của người đồng tính. Nhiều bạn trẻ trên diễn đàn Thehe8x (chủ đề: Unisex - Thời trang phi giới tính) đã quy kết những bạn nam ăn mặc theo xu hướng Unisex là... đồng tính hết, cho dù hiển nhiên cách ăn mặc này không thể kết luận về giới tính của ai cả.
Đơn giản vì theo “chuẩn” của người Việt, đó là những “ám hiệu mặc” của người đồng tính! Cũng như vậy, H.O.T, hay Lee Yung Ki... dưới con mắt của số đông giới trẻ Việt sẽ mang nhiều yếu tố đồng tính, hơn là biểu tượng cho một xu hướng thời trang nào đó!
Thực ra, nếu ở châu Á có xu hướng thời trang Unisex bắt đầu từ Nhật Bản thì phương Tây từ lâu cũng có Metrosexual - xu hướng một anh chàng có cách sống quá để tâm tới vẻ bề ngoài và dành nhiều thời gian, cũng như tiền bạc để chăm chút bản thân. Những việc mà theo quan niệm truyền thống của phương Tây thì đàn-ông-đích-thực không làm!
Một anh chàng theo xu hướng Metrosexual cũng được phép thể hiện nhiều hơn khía cạnh nữ tính của bản thân, ví dụ mềm yếu, hay dễ xúc động hơn một chút. David Beckham chính là hình ảnh Metrosexual hoàn hảo mà giới truyền thông đã dựng lên với mục đích khiến các cô gái và người đồng tính nam cảm thấy gần gũi với anh hơn.
Tuy nhiên, ranh giới giữa một hình ảnh metrosexual và gay-apeal là rất mong manh. Nếu hôm nay Becks mặc một chiếc sơmi hồng thật điệu, sơn móng tay đen, có khi mặc cả quần da - vài ám hiệu của gay-appeal theo “chuẩn” phương Tây - thì có nghĩa Becks sẽ chỉ xuất hiện trên các tạp chí thời trang; còn để xuất hiện ngoài đời thực cùng lắm Becks chỉ diện áo sơmi điệu màu hồng mà thôi! Đó là ranh giới. Trong ranh giới đó, Becks vẫn phải thể hiện hết chất đàn ông của mình.
Với Unisex, một ranh giới tương tự cũng có thể được vạch ra như vậy!
Lựa chọn - thử rồi bỏ - là đặc quyền của giới trẻ. Quan trọng là, sau mỗi xu hướng, cách mặc của giới trẻ Việt sẽ thay đổi ra sao? Bởi xu hướng thì sẽ qua nhanh còn cá tính mặc lại ghi dấu ấn. Mọi xu hướng nếu chỉ rập khuôn một cách thủ công thì kết quả cuối cùng tốt đến mấy cũng sẽ chỉ là những bản sao hoàn hảo. Một bạn trẻ Việt ăn mặc Unisex hoàn hảo đến mấy thì đó cũng vẫn chỉ là văn minh ăn mặc của giới trẻ Nhật, nếu không có thay đổi nào cho phù hợp với văn hoá (mới) của người trẻ Việt.
Tất nhiên, để tìm cho mình được một “fashion-code” (mật mã thời trang) thay vì học hỏi nguyên xi, trước tiên đòi hỏi bạn phải thông minh và văn minh trong việc chọn lựa những xu hướng thời trang thực sự phù hợp. Như với xu hướng thời trang Unisex, liệu sự cầu kỳ, yếu ớt trong trang phục có thích hợp với một bạn nam có vẻ bề ngoài thiếu nam tính? Và một bộ đồ chẳng hề mềm mại liệu có hơi quá với một bạn gái đã thừa mạnh mẽ?
Theo Nguyễn Danh Quý
Sài Gòn Tiếp Thị