Phát ngượng vì bạn trọ dẫn người yêu về phòng

Nhà có độc một chiếc giường nên khi bạn cùng phòng dẫn người yêu về, 3 đứa đành phải ngủ chung.

Tính toán chi ti, lười biếng, bẩn thỉu, thích dùng “đồ chùa”… vẫn là những cái có thể góp ý với nhau. Chứ riêng việc bạn dẫn người yêu về nhà rồi hồn nhiên tình tứ thì… ôi thôi chỉ có nước nhìn nhau rồi cười ra nước mắt”, Kim Ngân, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội rầu rĩ chia sẻ.

Ngượng chín mặt vì chiếc quần lót nam

Phát ngượng vì bạn cùng phòng thường xuyên dẫn người yêu về nhà tình tứ không chỉ là nỗi khổ của riêng cô nàng sinh viên trường sư phạm. Không ít “ét vê” khác cũng lâm vào cảnh cuộc sống riêng tư bị “xâm phạm nghiêm trọng” chỉ vì bạn cùng phòng coi phòng trọ như công viên, nhà nghỉ.


Lối sống lộn xộn diễn ra trong nhiều phòng trọ sinh viên (ảnh minh họa)

Lối sống lộn xộn diễn ra trong nhiều phòng trọ sinh viên (ảnh minh họa)

Ngân ở ghép với một bạn nữ cùng lớp, khá xinh xắn, cao ráo và đã có người yêu. Cứ cuối tuần, cô nàng lại được dịp lao đao tìm điểm trú chân để cặp đôi “gà bông” có không gian riêng.

Anh ấy đi làm xa, cuối tuần mới được về gặp người yêu mà không về phòng mình nấu ăn, nghỉ ngơi thì cũng chẳng còn nơi nào khác. Mới đầu, mình thông cảm lắm, cứ ăn cơm xong là tìm cách tránh mặt để họ có không gian riêng.

Thế nhưng, một tháng 4 tuần, cuối tuần nào cũng vậy, mình chịu không tránh mãi được, cả tuần đi học rồi, được ngày nghỉ cũng phải có chỗ nghỉ ngơi. Thế nhưng, mình lại không nỡ nói với bạn ấy”, Ngân than thở.

Cuối cùng, nàng sinh viên sư phạm nảy ra ý tưởng tìm phòng có gác xép, mỗi người một “góc trời” bất chấp việc chi phí nhà trọ tăng lên. Ấy vậy mà sự thoải mái quá mức của cô bạn cùng phòng vẫn khiến cô phải khó xử.

Hễ anh chàng kia đến là mình trở thành người thứ 3 hoặc bị “bơ” coi như không tồn tại. Họ thoải mái một cách thái quá làm mình ngượng chín mặt, lắm lúc chỉ muốn độn thổ luôn. Có lần, từ quê lên, mình thấy một chiếc quần cộc và quần lót nam treo phất phơ trên dây phơi, trong khi xóm trọ toàn con gái. Hỏi ra mới biết đó là của người yêu cô bạn cùng phòng, mình vừa ngượng vừa bực”, Ngân kể.

Tình trạng này cũng không hiếm thấy ở các phòng trọ nam. Dương Hà (sinh viên năm cuối trường ĐH Điện lực, quê Nghệ An) đã phải chuyển trọ chỉ vì bạn cùng phòng thích sống kiểu lẫn lộn “bầy đàn”.

Người yêu bạn ấy làm công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, ngày nghỉ thường về đây chơi rồi nấu nướng, ăn uống. Nhưng ăn xong chẳng bao giờ về luôn, bạn cùng phòng toàn kiếm cớ nhà xa, đi đường nguy hiểm rồi phòng trọ đóng cửa nọ kia để người yêu ngủ lại qua đêm.

Nhà có độc cái giường, ba đứa ngủ chung, bạn mình nằm giữa. Khó xử bằng chết nhưng vẫn phải nhịn vì chẳng lẽ cứ cố tình đuổi họ đi chỗ khác”, Hà chia sẻ.

Nhưng đến khi, bạn cùng phòng dẫn cả bạn của người yêu về nhà thì Dương Hà buộc phải lên tiếng phản đối. Hà cho hay, anh không chịu được cảnh sống “bầy đàn”, 2 nam, 3 nữ chen chúc nhau trên chiếc giường chật hẹp cho dù chẳng có chuyện gì xảy ra.

Tôi góp ý thì bị nói là ích kỷ, không thương mấy đứa con gái đi đêm về hôm. Đã thế thì đường ai nấy đi, thà mang tiếng ích kỷ còn hơn bị người khác nhìn vào với con mắt kỳ thị kiểu chơi bời, hư hỏng”, Hà bức xúc.


Việc thổi cơm chung nhưng không góp gạo cũng gây rắc rối cho các sinh viên ở ghép (ảnh minh họa)

Việc "thổi cơm chung nhưng không góp gạo" cũng gây rắc rối cho các sinh viên ở ghép (ảnh minh họa)

Thổi cơm chung nhưng không góp gạo

Sinh viên nghèo nên vấn đề liên quan đến tiền nong luôn được đặt lên hàng đầu. Cũng từ đây, câu chuyện “thổi cơm chung nhưng không góp gạo” của các cặp đôi sinh viên đem lại không ít ấm ức cho bạn cùng phòng.

Một tuần 7 ngày thì có đến 3 ngày chàng người yêu bạn cùng phòng sang nhà Thu Hường (sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Mỏ - Địa chất) ăn cơm nhưng không bao giờ đóng góp tiền ăn. Thời gian đầu, Hường và các thành viên còn lại không tính toán gì, chỉ nghĩ thêm người thì thêm bát, thêm đũa chứ chẳng thêm cơm. Thế nhưng, sự việc kéo dài, lại không thể thẳng thắn góp ý khiến khiến cho cô nữ sinh trường Mỏ rất bực bội.

Cậu bạn kia cũng là sinh viên, có vẻ cũng hoàn cảnh. Nhưng đã cùng là sinh viên thì phải hiểu cho nhau, bữa cơm thêm người là lại phải thêm đủ thứ, nào cơm, nào thức ăn… Thi thoảng đến ăn một bữa không sao chứ kéo dài mãi thì ai chịu được. Chúng mình chẳng yêu cầu bạn ấy phải tay xách, nách mang hoa quả đem đến, chỉ cần có ý một chút trong chuyện cơm nước là dễ chịu rồi”, Hường kể.

Đã vậy, Hường cho hay, bạn cùng phòng của cô còn có tính “người yêu là nhất, bạn bè xếp sau”.

Bạn ấy thường xuyên đem quần áo của người yêu về nhà giặt hộ. Đã tốn xà phòng, chiếm giây phơi rồi thì chớ, lại còn ích kỷ kiểu, quần áo người yêu phải phơi ở chỗ sáng nhất, được treo ở chỗ sạch nhất.

Phòng mình ở 4 đứa, có hai cái tủ quần áo. Mình là người chung tủ quần áo với bạn ấy, có lần, đi học về, mình thấy toàn bộ áo sơ mi của mình bị gấp xuống đáy đủ, còn quần cộc, quần sịp, quần bò của người yêu bạn ấy thì được treo ngay ngắn ở bên trên. Mình điên quá quạt cho một trận, tức nước thì vỡ bờ”, Hường bức xúc.

Vốn được xem là chuyện tế nhị, thế nhưng, trong một môi trường sinh hoạt chung việc các “ét vê” dẫn "gấu" về nhà và có cách ứng xử không đúng mực cũng dễ bị lên án.

Theo Hạ Nhiên

Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm