Phát hoảng với tiệc tất niên triền miên của bạn trẻ
(Dân trí) - Trước khi về quê ăn Tết, các bạn sinh viên còn “say sưa” với chuỗi tiệc tất niên liên miên và kèm theo đó là những tác hại, hệ lụy khá nghiêm trọng.
Tiệc tất niên liên miên
Mặc dù đã được nghỉ học để về quê ăn Tết, Nguyễn Văn Thuận (trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) vẫn ở lại Hà Nội một tuần để “chạy sô” tiệc tất niên. Lịch liên hoan của Thuận dày đặc với các nhóm bạn khác nhau: bạn thân, cùng xóm trọ, chỗ làm thêm, bạn đại học...
Thuận cho biết: “Ngày nào mình cũng có hẹn ăn tất niên. Nguyên tắc của mọi người trên bàn rượu là phải uống hết sức nên tối nào, khi trở về mình cũng say sưa.
Cả ngày mình ngủ, tối lại đi uống rượu. Mặc dù mệt nhưng vui lắm. Cuối năm nên mình muốn buông thả một chút để ra Tết có “khí thế” học tập và làm việc”.
Không chỉ liên hoan tiệc rượu, thói quen của nhóm Trịnh Nam (trường ĐH Mỏ địa chất) còn “tới bến” với tăng hát karaoke với món “giải khát” chính là bia.
“Giờ đây rủ nhau đi hát karaoke đã trở thành “tập tục” của chúng mình sau mỗi cuộc rượu. Vào trong đấy, chắc không còn hát được mà chỉ có “gào” hoặc uống bia tiếp thôi.
Nếu như đối với những người như Thuận và Nam, tiệc tất niên như “cơ hội” và lý do chơi hết mình thì Trịnh Linh (trường ĐH Bách khoa Hà Nội) lại là “nỗi ám ảnh” nhưng vẫn phải theo cuộc chơi.
Linh bày tỏ: “Cùng học chung một lớp, nếu không tham gia tiệc tất niên thì bị đánh giá thiếu hòa đồng. Mình cũng từ chối ở xóm trọ để về quê sớm nhưng không ai đồng ý.
Mọi người không thông cảm, còn “phạt” rượu mình vì tội thiếu nhiệt tình với anh em. Bị chuốc rượu nhiều nên mình thường mệt mỏi, đau bụng kéo dài đến 1,2 ngày mới tỉnh hẳn.
Tuy nhiên, sau khi tỉnh lại phải tham gia cuộc liên hoan khác. Có lẽ năm sau, mình phải nhờ bố mẹ lên đón mới có thể về sớm và thoát khỏi những trận rượu triền miên, đáng sợ này”.
Tiền mất, tật mang
Vì chạy theo những cuộc chơi của bạn bè cuối năm, nhiều người đã “hi sinh” đồ đạc của mình vào quán cầm đồ hoặc nhập viện vì sức khỏe suy yếu.
Sau một tuần liên hoan, Thuận không những hết sạch tiền vé về quê, thậm chí còn phải vay mượn thêm. Bởi vậy, bạn đã cho vào tiệm cầm đồ chiếc điện thoại cảm ứng mới mua cách đây mấy tháng.
Vì sức khỏe và một ngày Tết an vui, các bạn trẻ không nên ham vui bia rượu quá đà. (ảnh minh họa, nguồn internet)
“Nếu xin được tiền bố mẹ, mình sẽ chuộc điện thoại ra trước khi về nhà. Còn không thì mình thông báo mất rồi, sau đó mua cái khác giá rẻ dùng tạm, ra Tết tiếp tục đi làm thêm rồi chuộc lại.
Mặc dù có hơi tiếc vì điện thoại còn mới nhưng mình không hối hận vì cả năm bận rộn, chỉ có cuối năm mới có thể tụ tập, thoải mái bên bạn bè”, Thuận nói.
Không dừng lại ở chiếc điện thoại, chi phí cho tăng 2,3 của Nam khá lớn nên chỉ sau vài ngày ở lại liên hoan, chơi bài, chiếc laptop bố mẹ mua đã “ra đi”.
Nam cho biết: “Cuối năm xoay sở tiền khó khăn vì ai cũng lo nhiều khoản chi tiêu, sắm sửa nên có lẽ mình phải nghĩ ra cách nói dối bố mẹ lý do “biến mất” của máy tính rồi ra Tết nghĩ cách. Nghĩ mình cũng sợ lắm nhưng dám chơi, dám chịu mà”.
Nếu không vì phải nhập viện thì giờ này chắc Linh đang phải nâng ly và say sưa trên bàn nhậu, trong một cuộc liên hoan. Vốn bị dạ dày, trong mấy ngày cuối năm uống rượu liên miên, ăn uống thất thường nên bệnh của bạn càng nặng hơn.
“Lần này nhập viện, mình sẽ có thái độ cương quyết khi từ chối những tiệc rượu “không biên giới” thế này. Bạn bè thấy tình trạng của mình như vậy cũng áy náy nên cứ xin lỗi mãi.
Nhìn sự lo lắng của bố mẹ, mình cảm thấy có lỗi nhiều lắm. Đau đớn vì bệnh tật rồi mình mới thấm thía và nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe. Có lẽ, bấy lâu nay mình đã vô trách nhiệm với bản thân”.
Cuối năm là dịp để tổng kết, để tụ họp, sum vầy nhưng hy vọng các bạn trẻ biết hạn chế và quan tâm đến tình trạng sức khỏe, “ví tiền” của mình để có được những bữa tiệc đầy ý nghĩa và thực sự ấm áp!
Hoàng Dung