Nữ tiến sỹ xinh đẹp bình về đám cưới "đồng tính" tập thể
(Dân trí) - Theo đánh giá của Tiến sỹ xã hội học kiêm giảng viên ĐH, Đỗ Thị Vân Anh, Việt Nam có thể sẽ là nước thứ 30-40 trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính.
Là một người quan tâm tới những vấn đề của giới trẻ và có những công trình nghiên cứu xã hội học cấp quốc gia, Tiến sỹ xã hội học kiêm giảng viên, bí thư Đoàn của ĐH Công đoàn, Đỗ Thị Vân Anh đã bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề liên quan tới người đồng tính và sự kiện mới đây nhất ủng hộ người đồng tính tại Hà Nội.
Dưới góc độ nghiên cứu xã hội học, Tiến sỹ có nhận định như thế nào về sự kiện đám cưới "đồng tính" tập thể tại Hà Nội cuối tuần vừa qua?
Theo tôi được biết, sự kiện này là một đám cưới giả định do các tình nguyện viên ICS Hà Nội tổ chức chào mừng ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, song tính và chuyển giới (IDAHO), kêu gọi ủng hộ hôn nhân đồng giới tại Việt Nam.
Xét về mặt ý tưởng là độc đáo, là sự tâm huyết để hy vọng cải thiện cái nhìn của xã hội về hiện tượng chưa được chấp nhận và thiện cảm này. Nhưng xét về mặt ý nghĩa dường như sự kiện đó chưa đạt được mục đích các bạn mong muốn và cũng chưa đi đúng với định hướng giá trị sống trong xã hội.
Mặc dù tổ chức đám cưới đồng tính giả ở Việt Nam là một hiện tượng lạ chưa bao giờ có trong lịch sử nước nhà, nhưng dường như xã hội cũng không quan tâm, họ chỉ đánh giá đó là một trong những trò nghịch ngợm của giới trẻ hiện nay, thỉnh thoảng xuất thần có những hoạt động kỳ cục.
Nếu nhìn nhận về góc độ giá trị hay chuẩn mực xã hội, câu chuyện tổ chức đám cưới giả ở Việt Nam là một hành vi lệch chuẩn. Trên thực tế, thiết chế hôn nhân và gia đình vẫn luôn là điều gì đó rất thiêng liêng đối với loài người và không nên mang ra làm giả.
Trong một xã hội vốn đang có rất nhiều vấn đề phức tạp như hiện nay mà định lấy một điều giả để kỳ vọng mọi người chấp nhận sự thật thì là điều không nên, thậm chí sẽ phản cảm và đưa đến kết quả ngược lại.
Cũng đã có ý kiến rằng đám cưới thật sẽ ý nghĩa hơn, vậy có nên tổ chức một đám cưới đồng tính thật để kêu gọi ủng hộ hôn nhân đồng tính hay không?
Hôn nhân đồng tính mặc dù không được pháp luật công nhận nhưng cũng chưa có điều khoản nào cấm cuộc hôn nhân này nên xét về mặt luật pháp, cuộc hôn nhân này không vi phạm.
Dù vậy, hỏi rằng tổ chức đám cưới đồng tính thật để kêu gọi sự đồng tình của dư luận là nên hay không thì quả thật rất khó trả lời.
Chúng ta đều hiểu rằng cuộc hôn nhân sẽ xuất hiện khi hai người hài lòng với nhau và muốn sống với nhau. Khi họ đã muốn, họ thấy cần thiết và hợp lý khi kết hôn thì ta cũng không thể cấm được. Như vậy, vấn đề ở đây không phải có nên hay không nữa mà là chúng ta ứng xử và có thái độ như thế nào với hiện tượng không thể dập tắt được.
Những bạn trẻ tình nguyện vào vai cô dâu chú rể trong sự kiện vừa rồi, họ có phải là những người dũng cảm?
Các bạn trẻ muốn tuyên truyền để xã hội chấp nhận hôn nhân đồng tính và hy vọng xóa bỏ hoặc giảm bớt sự kỳ thị với những người đồng tính. Đối với ai đó thì cho rằng các bạn tình nguyện trẻ này dũng cảm hay liều mạng. Nhưng giới trẻ là vậy, họ sẵn sàng làm những gì họ muốn, họ thích thử nghiệm và đôi khi muốn thách thức xã hội.
Mục đích của nhóm tình nguyện viên ICS Hà Nội rất chính đáng và với suy nghĩ của tuổi trẻ, các bạn ấy sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên tôi e rằng sự nhiệt huyết của các bạn chưa hợp lý với văn hóa của người Việt Nam nên mục đích của các bạn khó thực hiện được.
Đâu là hướng đi đúng cho truyền thông trong vấn đề nhạy cảm này?
Theo sự quan sát của tôi, truyền thông về vấn đề này ở các kênh không đồng đều. Kênh báo mạng và phim ảnh phổ biến cho nhóm thanh thiếu niên và dân công sở.
Nhóm trung niên và người vùng nông thôn ít thông tin hơn nên sự kỳ thị của họ với người đồng tính còn rất lớn. Bên cạnh đó, truyền hình và phát thanh là hai kênh thông tin có lượng người xem nhiều nhất ở Việt Nam thì rất ít bàn đến vấn đề đồng tính.
Vậy theo tôi có ba giải pháp tuyên truyền giúp người dân tránh kỳ thị với người đồng tính như sau: Đưa vấn đề này vào chương trình thời sự; Dùng giới trẻ tuyên truyền hiện tượng đồng tính để xã hội hiểu biết hơn, cởi mở hơn và có hy vọng được chấp nhận hơn; Tuyên truyền bằng đời sống thực tế giới văn nghệ sĩ, họ có ảnh hưởng lớn và cũng là bộ phận có nhiều người đồng tính nhất, người thật việc thật.
Nhưng vấn đề ở chỗ, cần tuyên truyền như thế nào cho đúng, dễ hiểu và giúp người dân tránh khỏi những hiểu lầm đáng tiếc. Cá nhân tôi cũng lo ngại vì việc tuyên truyền không cẩn thận sẽ ảnh hưởng rất lớn trong việc định ra hành vi cho giới trẻ.
Theo chị, quan niệm của người dân về người đồng tính hiện nay ra sao?
Với Việt Nam thì có lẽ quá sớm vì đây là một vấn đề mới được đưa ra để dư luận nghiên cứu, đánh giá. Thường nước ta đi sau phương Tây 40 năm, trong khi nước Pháp mới là nước thứ 14 trên Thế giới chấp nhận hôn nhân đồng tính thì Việt Nam nên đứng ở thứ 30 hoặc 40 có lẽ sẽ hợp lý hơn vì việc thay đổi giá trị chuẩn mực văn hóa của người Việt Nam là điều không dễ dàng.
Hôn nhân đồng tính không phải là chuẩn mực nhưng nó là giá trị mới đối với một nhóm rất nhỏ trong xã hội. Và những ý tưởng mới thường gây sự tò mò, nhưng nó không đảm bảo tái tạo sức lao động và tái tạo con người, nên tính hợp lý của nó là không có. Giá trị này mới chỉ phù hợp với một nhóm trong xã hội, của nhóm bị khuyết tật bẩm sinh và khuyết tật trong lối sống.
Vậy tương lai tình yêu của các cặp đôi đồng tính ở Việt Nam sẽ về đâu?
Trên thực tế, tôi còn nhiều hoài nghi về tính bền vững của những cặp hôn nhân đồng tính vì chưa nhìn thấy cặp hôn nhân đồng tính nào trọn vẹn từ đầu đến cuối. Họ đã đang và sẽ phải đứng trước những thách thức của thời đại, từ những áp lực về công việc, kinh tế, giáo dục con cái, đời sống đến những sự kỳ thị của xã hội khiến cho hôn nhân trở nên căng thẳng.
Chưa nói về hôn nhân mà ngay khi đang trong giai đoạn tìm hiểu và yêu nhau trước hôn nhân, tôi cũng thấy các cặp đồng tính đều có sự thay đổi người yêu khá nhiều.
Nói tóm lại, tôi chưa thể khẳng định tương lai hiện tượng đồng tính sẽ lan truyền đến mức độ như thế nào nhưng cũng hy vọng rằng xã hội sẽ không kỳ thị mà chia sẻ với họ, định hướng họ hãy cân nhắc và lựa chọn cho mình một cuộc sống hạnh phúc, không trở thành một bộ phận cô lập với sự phát triển chung của xã hội.
Cám ơn chị về cuộc trao đổi này.