Nữ sinh thực tập đỏ mặt vì đối mặt với lời cợt nhả, tục tĩu

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Lên gặp anh hướng dẫn nhờ ký nhận xét thực tập, anh cười cợt: "Anh chỉ biết nhận xét nhìn em.. ngon quá thôi!", Dung chỉ muốn cầm báo cáo để rời khỏi nơi đó thật nhanh.

Đây không phải là lần đầu tiên Lê Dung (tên nhân vật yêu cầu thay đổi), sinh viên Trường CĐ Phát thanh Truyền hình II gặp phải những lời bình phẩm trong thời gian thực tập. 

Nhiều anh ở công ty hay đùa cợt với các bạn nữ thực tập và nhân viên trẻ như "Nhìn em ngon quá!", có người có thêm những cử phải nói là thiếu văn hóa như liếm lưỡi, nuốt nước bọt... rồi cười phá lên.

Nữ sinh thực tập đỏ mặt vì đối mặt với lời cợt nhả, tục tĩu - 1

Nhiều bạn trẻ khổ sở vì bị khen... sexy, nóng bỏng (Ảnh minh họa)

Chưa kể, có những anh chị đùa quá trớn về các hình thể, các số đo, mập ốm của các bạn qua những câu hỏi thô lỗ như các vòng cơ thể bao nhiêu, mặc đồ lót cỡ nào, bàn chuyện sinh lý yếu khỏe..

Dung rất khó chịu nhưng là người đến thực tập, cô không biết nên ứng thế nào, chỉ biết cười cho qua hoặc tránh đi chỗ khác. Cũng may, Dung không phải lên công ty thường xuyên, chỉ khi cần thiết mới phải có mặt.

"Nếu phải lên mình ăn mặc kín đáo, ngồi vào bàn ngay, tránh những cuộc tụ tập nói chuyện. Thật ra là mình đang phản ứng bằng cách trốn tránh", Dung thừa nhận.

Nhận diện người có ý đồ xấu

Nguyễn Ngọc Quỳnh, nhân viên tại một công ty truyền thông ở Phú Nhuận, TPHCM, đi làm một thời gian, cô nhận diện được, một số người nói về vấn đề này như để có chuyện tám, họ cũng không ý thức được lời bông đùa của mình chứ chưa hẳn có ý xấu. Sau này, Quỳnh nói các anh chị mới biết đó là hành vi quấy rối nên họ cũng... bơn bớt đùa giỡn.

Tuy nhiên, nhận diện được người nào có ý đồ, Quỳnh sẽ phản ứng ngay. Tránh xa hoặc nói rõ: "Em không thích đùa như vậy!". 

Mới đi làm, Hồng Nhung, 23 tuổi, cựu sinh viên ngành Kinh tế cho biết, cô cũng nhiều phen đỏ mặt với những câu đùa mang tính "quấy rối" của nhiều anh đồng nghiệp lớn tuổi.

Họ đùa cợt về hình thể, số đo, tập trung nhiều vào các bạn nữ trẻ tuổi trong các cuộc nói chuyện như "ngon quá", "em sexy quá", "nhìn em chịu không nổi"...

Chưa kể, có một vài lần, có anh đồng nghiệp còn tạt qua chỗ ngồi của Nhung, nói nhỏ: "Hàng khủng thế em?" hay vài lời tục tĩu. Nhung rất khổ sở, mất tinh thần khi đến chỗ làm, còn tự hỏi mình có "lỗi" nào mà mình bị như vậy. Đi làm công sở mà cô chỉ dám mặc quần tây, áo sơ mi.

Sau này, Nhung phản ứng, đề nghị các anh không nói những lời sỗ sàng thì có người môi: "Em nhìn lại em đi!" rồi bị chê bai đủ thứ từ thái độ đến hình thể. 

Quấy rối tình dục bằng lời

Những vấn đề tế nhị như cơ thể, sex... thường được nhiều người đưa bông đùa, còn xuất phát từ việc đây là lĩnh vực hầu hết mọi người không được giáo dục, tìm hiểu nghiêm tức từ bé. 

Cũng như việc, Việt Nam thuộc top các quốc gia tìm kiếm về "sex" nhiều nhất trên thế giới.

Thiếu các kênh thông tin chính thống nên mò tìm kiếm, thiếu được trao đổi nghiêm túc nên đưa ra thành chuyện để đùa cợt. Có người nhem nhẻm những lời khiếm nhã nhưng không biết đó là hành vi quấy rối  tình dục. 

Một chuyên gia tâm lý ở TPHCM cho biết, có nhiều hình thức quấy rối tình dục như bằng thể xác, hình ảnh... Ít người biết rằng, việc sử dụng lời nói có liên quan đến tình dục, bình luận các bộ phận cơ thể, đùa cợt, châm biếm, miệt thị hình hài gây tổn thương danh dự và nhân phẩm người khác cũng là hành vi quấy rối tình dục.

Nữ sinh thực tập đỏ mặt vì đối mặt với lời cợt nhả, tục tĩu - 2

Bị quấy rối tình dục, nhiều bạn gái quay sang chán ghét bản thân (Ảnh minh họa)

Nhiều người bị quấy rối bằng lời dẫn đến tình trạng lo sợ, căng thẳng khi đến chỗ làm, mất ngủ sụt ký, không dám ăn mặc đẹp. Họ tìm mọi cách tránh mặt đối tượng và bị mang tiếng là lập dị.

Tuy nhiên, họ sợ tố cáo vì sợ mất việc, sợ bị lên án “không có lửa làm sao có khói”, bị mỉa mai về nhan sắc “ngực lép như thế có gì mà sờ”, bị đe dọa nếu kiện tụng,…

Nạn nhân có thể gánh chịu sự tổn thương và khủng hoảng về tình thần, nhất là trẻ mới lớn. Nhưng đây là tội phạm rất khó chứng minh, hầu như không để lại sự thương tổn thể lý.

Chuyên gia này cũng cảnh báo, phiên bản cuối của quấy rối chính là tấn công tình dục. Vì thế hãy lên tiếng, tìm cách bảo vệ mình.

Điều đáng sợ của hành vi quấy rối tình dục là nạn nhân có thể quay sang chán ghét cơ thể mình, đổ lỗi cho bản thân.
 
Trong chương trình về chủ đề quấy rối tình dục do một nhóm sinh viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội tổ chức, TS Khuất Thu Hồng,Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội nhấn mạnh, nạn nhân không bao giờ là người có lỗi. Dù họ có ăn mặc thế nào, cư xử thế nào thì đấy cũng không phải là lý do để họ bị quấy rối, tấn công.
 
Quyền được toàn vẹn thân thể, quyền bất khả xâm phạm là những quyền căn bản nhất của con người…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm